Làng cá Yên Phụ nằm gần ngay khu vực trung tâm của Thủ đô Hà Nội, sát với nhiều khu đô thị mới sầm uất của hồ Tây. Cho đến nay, làng Yên Phụ vẫn giữ được những nét đẹp rất bình dị, dân dã của làng quê Việt Nam.
Đi qua hồ Tây vài trăm mét, bạn sẽ nhìn thấy cổng làng Yên Phụ với dáng nằm chênh vênh rất đặc biệt. Con đường làng quanh co, uốn lượn trong không gian xanh mướt của cỏ cây, hoa lá. Lấp ló đâu đó là những miếu mạo, đền chùa cổ kính rêu phong. Đôi khi xuất hiện những nhà cao tầng mới mọc lên với kiến trúc mới nhưng vẫn không thể át đi được vẻ đẹp thâm trầm vốn có của làng Yên Phụ cổ xưa.
Đến đây, nhiều du khách không khỏi giật mình khi nhận ra đang đứng giữa một không gian toàn cá là cá. Nào là cá vạn long, cá kiếm, cá vàng, cá ngựa vằn, bẩy màu... mà người làng vẫn gọi đây là cá bình dân hay cá “cỏ”. Đó là những loại cá truyền thống của làng có từ ngày xưa.
Du khách ghé thăm và mua cá cảnh làng Yên Phụ
Chơi cá cảnh không chỉ bó hẹp trong giới thượng lưu như thời xưa, trong nhiều năm trở lại đây thú chơi tao nhã này, đã phổ cập đến mọi tầng lớp trong xã hội. Giờ đây dường như tất cả mọi gia đình, đều có một chậu cá cảnh trong phòng khách của họ. Anh Long, một tay chơi cá cảnh khét tiếng Hà Thành chia sẻ: “Chơi cá cảnh không phải thể hiện sự giàu sang. Nhưng trong nhà có bể cá róc rách, mỗi lần đi làm về mệt mỏi nhìn chúng cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng, thư giãn hơn. Đặc biệt vào những ngày hè oi bức, bể cá cũng là nơi xả stress”.
Nuôi cá cảnh thật không dễ dàng, để có một lứa cá đẹp, người nuôi phải biết cách chăm sóc, biết cách cho ăn và thay nước hàng ngày. Cụ Quách Văn Nhân, một “tay nuôi cá” chuyên nghiệp với hơn 60 năm trong nghề, cho biết: “Nhìn chăm sóc cá có vẻ đơn giản nhưng vất vả và công phu lắm”. Cá vàng là loại không phải kén ăn nhưng để chúng mau lớn, sinh sản đúng thời kỳ thì phải chăm sóc kỹ lưỡng. Thức ăn cá vàng ưa thích chính là loại “thủy trần”.
Bởi vậy ngay từ sáng sớm tinh mơ, những người nuôi cá phải “hành quân” ra các ao hồ để vớt “thủy trần” cho cá ăn. Để cho cá ăn cũng không phải đơn giản, phải bỏ một lượng thức ăn vừa phải, bỏ ít thì cá đói chậm lớn, bỏ nhiều thì cá không ăn hết dễ sinh bệnh. Bệnh dễ sinh ra khi bể nước nuôi cá bị bẩn là loại nấm cá. Loại thuốc các “ngư y” thường dùng là xanh metylen, thuốc đỏ và muối. Phải những người lão luyện trong nghề mới biết cách bỏ đúng liều lượng sao cho thuốc không quá nhiều mà cũng không quá ít. Có như vậy thì cá mới mau khỏi bệnh và không bị chết vì “uống” quá nhiều thuốc.
Ngày nay, mặc dù có rất nhiều làng cá cảnh xuất hiện ở Hà Nội, nhưng làng cá cảnh Yên Phụ vẫn là nơi phân phối cá cảnh lớn cho Thủ đô Hà Nội. Ở Hà Nội, hầu hết các chợ lớn như Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ... đều “lấy buôn” cá cảnh Yên Phụ bởi ở đây có nhiều loại cá đẹp, giá cả lại rất hợp lý. Đến nay, làng Yên Phụ có khoảng 20 hộ kinh doanh cá cảnh, trong đó nổi tiếng có cửa hàng của Tâm Xuân, Yến Lợi, Hạnh Vũ… Mỗi hộ đều có những bí quyết nuôi cá riêng, từ cách chọn giống cho đến phương pháp nuôi, làm cho cá chóng lớn, khỏe và đẹp. Có người còn cầu kỳ học trong sách vở, đi tìm người giỏi để học cách lai tạo giống mới.
Làng Yên Phụ với cái danh của mình, hiện đang tiếp nhận những người có “máu” kinh doanh cá cảnh ở nhiều nơi đến. Họ thuê cửa hàng và bán cá khắp trong cả nước. Nghề nuôi cá làng Yên Phụ đang có bước chuyển mình, nuôi công nghiệp hơn, đem lại nhiều lợi nhuận hơn.
Cao Châu