Hình như chúng ta luôn rất ngại mọi sự thay đổi, từ thay đổi cách nghĩ, thay đổi công việc mình đã quen làm, thay đổi ngôi nhà mình đã quen sống… Thay đổi quả thật là điều không dễ, kể cả với những người trẻ tuổi.
Nhưng cuộc sống và vạn vật xung quanh ta thì luôn thay đổi. Chẳng phải hơn hai nghìn năm trước, Heraclitus, nhà triết học Hi Lạp cổ đại đã từng khẳng đinh: “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông” đó sao?
Tôi có quen biết một vài bạn trẻ - những người đã dám thay đổi và tôi thật sự thấy cảm phục câu chuyện thay đổi của các bạn ấy.
Người đầu tiên tôi muốn nói đến là một cậu sinh viên Học viện Ngân hàng. Cậu học giỏi và thi đỗ vào trường với số điểm rất cao. Ngay trong những năm học đại học, thành tích học tập tốt cũng giúp cậu có được học bổng.
Ra trường cậu được một ngân hàng lớn ở Hà Nội nhận vào làm việc. Gia đình, bạn bè ai cũng mừng cho cậu vì có được công việc ổn định - một sự đảm bảo chắc chắn cho cuộc sống trong tương lai.
Có năng lực chuyên môn lại ham học hỏi, có ý chí phấn đấu, cậu cũng đã có được một vị trí tốt khiến công việc và cuộc sống của cậu và gia đình ngày một dễ chịu hơn. Cứ tưởng như thế là cậu sẽ bằng lòng với sự ổn định và tiền đồ tươi sáng đó.
Đùng một cái, cậu nghỉ việc ngân hàng. Việc này đối với những người tư tưởng thuần nông như bố mẹ cậu thì quả là khó có thể chấp nhận.
Với bạn bè, nhiều người cũng cho là cậu điên rồ. Để có một công việc ổn định, một vị trí tốt như thế là điều mơ ước của mọi sinh viên khi tốt nghiệp đại học. Hàng năm có biết bao cử nhân ra trường không thể xin được việc làm hay phải làm những công việc không liên qua gì đến ngành học của mình.
Vậy mà cậu lại bỏ công việc ổn định ấy để theo đuổi những thứ còn rất mơ hồ, bắt đầu lại từ đầu, chưa biết sẽ thế nào. Với tôi, thì tôi vẫn tin cậu có lý do khi dám thay đổi như vậy và chắc chắn không phải là cảm hứng nhất thời.
Bây giờ, sau hai năm từ bỏ công việc ở ngân hàng, cậu đã trở thành một blogger, một youtuber với một blog và một kênh youtube, radio… chia sẻ các vấn đề tài chính và cách có được thu nhập từ dòng tiền thụ động được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Cậu đã kiếm được tiền từ chính những giá trị mà cậu mang đến cho cộng đồng.
Còn tôi thì vẫn âm thầm theo dõi những bước đi của cậu và thú thật, khi đọc, nghe những bài cậu đăng trên youtube, trên blog, tôi không khỏi ngạc nhiên vì những suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ của chàng trai giỏi toán này. Cậu chia sẻ với tôi: "Thực sự thời gian đầu nghỉ việc, có lúc em cũng thấy hoang mang không biết mình làm thế có đúng không? Bố mẹ, họ hàng lo lắng cho rằng em lãng phí mấy năm học đại học. Bạn bè thì mỗi người nói một kiểu, nhưng đa số đều cho là em đã bỏ phí một cơ hội tốt cho bản thân.
Riêng em lại nghĩ: Cái mọi người thường lo lắng khi thay đổi là mất đi một công việc ổn định. Vấn đề là làm sao để cuộc sống của mình luôn ổn định chứ không phải là công việc đó làm cho cuộc sống của mình ổn định. Có thể công việc ở ngân hàng của em tại thời điểm đó khá ổn định, nhưng nếu chỉ nhìn vào sự tốt đẹp của công việc trong hiện tại để đánh giá sự ổn định cuộc sống trong tương lai thì hoàn toàn không chính xác.
Vì thế em đã quyết định vượt ra khỏi vòng an toàn để thay đổi và tìm một sự ổn định bền vững trong cuộc sống bằng chính giá trị của bản thân mình với cộng đồng, với đất nước, với gia đình, bạn bè, đối tác…".
Câu chuyện thứ hai là của một cô gái đã từng là học sinh giỏi Văn cấp tỉnh. Em học đại học Văn hóa và sau khi ra trường, em cũng đã có một công việc tuy thu nhập không cao nhưng ổn định và đúng chuyên ngành của mình ở Hà Nội.
Hai năm Covid cũng là thời gian em nghỉ sinh con và về quê sống như nhiều người trong đại dịch. Dịch bệnh kéo dài đã khiến cho nhiều người thất nghiệp, đời sống càng khó khăn hơn. Một người mẹ với đứa con nhỏ chắc sẽ chẳng thể làm được gì.
Vậy mà, một hôm em gọi điện cho tôi và nói: "Em muốn gửi tặng cô một số sản phẩm thiên nhiên do em làm, cô dùng thử và kiểm định giúp em".
Rất ngạc nhiên và tò mò về công việc mới của em. Em nói thêm: "Trong thời gian về quê tránh dịch và sinh em bé, em nhận ra em hợp với cuộc sống và thiên nhiên trong lành ở quê hơn ở thành phố.
Những ngày sống ở quê, ăn những rau trái sạch trồng trong vườn nhà, hít hà mùi thơm của hoa hồng bên hiên nhà, hoa sen trong ao trước cửa, hương lúa ngoài đồng mỗi sáng sớm, mỗi buổi chiều, em thấy mình thật hạnh phúc. Cảm giác như mình sinh ra để thuộc về nơi này và em muốn cuộc sống của mình sẽ có ý nghĩa hơn, em muốn mang đến cho nhiều người những chân giá trị của của cuộc sống.
Em nói về dự định trồng cây dược liệu ở quê hương để sản xuất tinh dầu và chiết xuất Hydrosol, Toner hoa hồng, hoa sen, trầu không, tía tô… từ nguồn nguyên liệu sạch ấy.
Mọi người khi sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên sẽ thấy an toàn và thân thiện với môi trường đúng như cái tên em đặt cho sản phẩm của mình: An lành".
Hiện tại, những sản phẩm em sản xuất cũng đã đến được với nhiều người. Em cũng đã có được những thu nhập khả quan từ công việc mình yêu thích. Em còn đang ấp ủ cho mình nhiều dự định lớn lao hơn nữa để giúp cho con người sống vui khỏe, chan hòa cùng thiên nhiên trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay với những sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường.
Khi bạn đang trẻ tuổi, bạn có quyền cho mình nhiều mơ ước, bạn có quyền cho mình thay đổi. Nhưng mơ ước và thay đổi không phải chỉ là đặc quyền của những người trẻ.
Bạn có tin không? Dù bất kỳ bạn ở độ tuổi nào, bạn là cá nhân hay tập thể, chẳng có sự thay đổi nào là muộn. Cũng chẳng có mơ ước nào là viển vông nếu bạn dám dũng cảm thay đổi và biến nó thành hiện thực.
Thế giới đã biết đến Susan Boyle, cô ca sĩ tuổi trung niên trở thành hiện tượng của cuộc thi Britain's Got Talent năm 2009. Thân hình quá khổ, khuôn mặt không ưa nhìn đã khiến Susan Boyle vô cùng tự ti trước mọi người. Với mong muốn con mình thay đổi, mẹ của Susan, đã khuyến khích cô tham gia chương trình Britain’s Got Talent khi Susan đã 47 tuổi.
Ngay khi vừa cất tiếng hát, Susan đã chinh phục giám khảo và khán giả toàn thế giới nhờ giọng hát chạm tới trái tim sau ca khúc I Dreamed A Dream. Không lâu sau đó, album đầu tay của Susan Boyle - I Dreamed A Dream được phát hành và trở thành album bán chạy nhất nước Anh năm 2009 với hơn 8,5 triệu bảng tính tới đầu năm 2010.
Đến năm 2020, khối tài sản của Susan Boyle được cho đã lên đến 25 triệu bảng (tương đương 750 tỷ đồng). Ít ai biết rằng bà còn là Giám đốc của 4 công ty ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong đó Duil Limited - công ty chính của bà đã tạo ra hơn 1,2 triệu bảng (36 tỷ đồng) trong năm 2019.
Điều này khiến Susan Boyle trở thành thí sinh thành công nhất của cuộc thi Britain's Got Talent từ trước đến nay. Nhìn Susan Boyle, bạn có còn nghĩ mình đã quá muộn để thay đổi?
Phần nhiều chúng ta sẽ cho rằng sự thay đổi với cá nhân dễ dàng hơn sự thay đổi của một nhóm, một tập thể, công ty hay doanh nghiệp. Tôi cho rằng chẳng có sự thay đổi nào là dễ nếu chúng ta không dũng cảm vượt qua.
Khi cả thế giới trong suốt hơn hai năm trời đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh, Covid-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có với chuỗi giá trị toàn cầu. Có thể coi đây là một biến động lớn của đời sống xã hội. Mọi kế hoạch, dự định ban đầu đưa ra của cá nhân hay tập thể đều có thể không còn phù hợp.
Vì vậy, việc thay đổi những mô hình, chiến lược hoạt động để thích ứng với hoàn cảnh và thành công cũng là điều nhiều doanh nghiệp và các nhãn hàng đã dám thử sức mình.
Thay đổi không phải là điều dễ dàng nhưng cũng không phải là điều đáng sợ "Chúng ta không việc gì phải sợ thay đổi” ( Elena Ferrante). Hãy coi thay đổi như một phần tất yếu của quá trình vận hành cuộc sống.
Tất nhiên, không phải mọi thay đổi đều thành công. Nhưng dù có thất bại, cũng chỉ là thành công còn đang “tắc đường” ở đâu đó. Hãy coi thất bại chính là một cơ hội để bạn trải nghiệm và bắt đầu lại mọi thứ một cách thông minh nhất.
Chỉ cần bạn luôn nhớ: "Bản thân mỗi chúng ta sinh ra đã là một giá trị có sẵn”. Nếu thay đổi để khẳng định giá trị đích thực của mình, bạn có dám dũng cảm thay đổi để thành công?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.