Mới đây, PV báo Người Đưa Tin nhận được phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại xã Hồng Tiến, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc UBND xã này yêu cầu mỗi hộ dân đóng góp 300.000 đồng để có kinh phí tổ chức lễ hội đâm trâu dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 sắp đến.
Trước yêu cầu của lãnh đạo xã, nhiều người dân Hồng Tiến tỏ ra rất bức xúc, bởi lẽ phần lớn các hộ gia đình trên địa bàn hiện kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu làm nương rẫy, số tiền 300.000 đồng là không hề nhỏ với nhiều hộ dân nơi đây. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc tổ chức lễ hội đâm trâu có tính man rợ nên không muốn xã tổ chức.
Bà L.T.M., một người dân xã Hồng Tiến cho biết, đa số người dân trong xã đều có hoàn cảnh khó khăn, việc đóng tiền để tiến hành lễ hội đâm trâu là không cần thiết.
Trong khi đó, ông N.V.H, một người dân khác xã Hồng Tiến cho hay, gia đình ông chủ yếu làm nương rẫy, kinh tế gia đình còn rất nhiều khó khăn, số tiền 300.000 đồng là số tiền lớn đối với gia đình của ông.
Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết, lễ hội đâm trâu là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Pa-Hy. Trong lần tổ chức gần đây nhất khoảng 10 năm trước, các già làng có hứa sẽ tổ chức lại cho người dân nên UBND xã Hồng Tiến dự kiến sẽ tổ chức ở ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào tháng 11/2018.
Theo ông Hòa, việc thu tiền tổ chức lễ hội đâm trâu đã được các già làng thống nhất trong các cuộc họp, tuy nhiên mới đây có nhiều ý kiến bất bình nên lãnh đạo UBND TX.Hương Trà đã có chỉ đạo dừng, không cho tổ chức nữa.
“Khi có chỉ đạo của UBND TX.Hương Trà, chúng tôi đã tạm dừng không thu tiền tổ chức lễ hội đâm trâu nữa, còn số tiền đã thu sẽ trả lại cho người dân trong thời gian sớm nhất”, ông Hòa nói.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, Sở không thấy TX.Hương Trà và xã Hồng Tiến có báo cáo hay xin phép về việc tổ chức lễ hội đâm trâu. Việc tổ chức lễ hội đâm trâu với nhiều hình ảnh man rợ, bạo lực là trái với chủ trương của ngành văn hóa.
Cũng theo ông Hải, trước đây tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, lễ hội đâm trâu tồn tại ở hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Sau khi có nghị quyết mới, chính quyền đã vận động người dân bỏ tập tục này và người dân cũng rất đồng tình. Nhiều năm nay, tập tục này không diễn ra nữa, thay vào đó là việc sân khấu hóa, làm tượng trưng.
“Hiện, Sở chưa thấy xã xin phép và chắc chắn nếu có xin phép cũng không được. Còn việc vận động thu tiền của người dân để làm việc khác thì được, nếu thu tiền để mua trâu về tổ chức lễ hội đâm trâu thì không ổn", ông Hòa nhấn mạnh.