Theo lời quảng cáo của một “cò” chuyên bán đĩa mài sừng tê, thì thị trường đĩa mài sừng diễn ra khá rầm rộ và đều đặn. Giá cả dao động tùy thuộc vào kích cỡ và chất liệu men, rẻ nhất từ vài trăm đến đắt nhất lên tới vài triệu đồng.
Một trong web rao bán chuyên bán đĩa mài sừng tê nhập khẩu từ Nhật, rao bán một chiếc đĩa có đường kính 26cm với giá 3.395 nghìn đồng. Với các loại đĩa đường kính 21, 18,13,5 cm, giá tương đương là 2.995.000đ, 2.595.000đ và 2.195.000 đồng. Trong khi đó, đĩa liên doanh được rao giá từ 700 nghìn đến gần 2 triệu đồng/chiếc tùy kích cỡ. Rẻ hơn là đĩa hàng nội, nhiều nhất là đĩa Bát Tràng, có giá dao động từ hơn 100 đến vài trăm nghìn/chiếc.
Cò T (Hoàng Mai, Hà Nội) lý giải về giá cả đắt đỏ của một chiếc đĩa mài sừng: “Đĩa mài sừng Tê giác được làm ra với mục đích khử từ các hóa chất chì và các oxit kim loại nặng độc hại có trong sừng tê giác, nhằm duy trì tuyệt đối hiệu quả của sừng Tê giác.
Khi mài sừng Tê giác, nếu lớp đất nung mang tạp chất, gỉ kim loại thôi ra cùng với sừng Tê giác, ngấm vào và tích tụ lâu dài trong cơ thể người khi uống, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho người dùng, thậm chí cả bệnh ung thư. Loại đĩa nung từ đất của Nhật đang được ưa chuộng và có giá đắt là do đất có tác dụng thẩm thấu chất độc của Nhật Bản rất khó nung, xác suất ra thành phẩm thấp”
Đĩa mài sừng tê, được các tổ chức bảo vệ động vật quý hiếm của nước ngoài đánh giá là loại hàng “độc nhất vô nhị” chỉ có ở Việt Nam, cũng đồng thời là quốc gia duy nhất trên thế giới mà đĩa mài sừng tê được sản xuất hàng loạt và buôn bán công khai Nó xuất hiện do nhu cầu ngày càng cao của tầng lớp nhà giàu thích thể hiện đẳng cấp bằng việc mua sừng tê làm quà biếu, tặng hoặc trưng bày, làm thuốc…
Cò T cũng cho biết, mỗi năm, T bán được vài nghìn chiếc đĩa mài sừng, riêng đĩa của Nhật Bản, giá cả đắt nhưng cũng được vài trăm chiếc/năm. Cò này cũng không quên nhấn mạnh: “Bất kể khi nào anh cần, cứ gọi cho em, em sẽ mang hàng đến tận nơi cho anh”.
Tại Việt Nam, mọi hoạt động buôn bán liên quan đến sức tê giác đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, với việc những chiếc đĩa mài sừng được sản xuất hàng loạt, thậm chí có cả hàng nhập khẩu và bán với giá cả cao một cách công khai, có thể chủ quan thấy rằng, những chiếc sừng tê giác vẫn đang xuất hiện khá nhiều tại Việt Nam, theo một cách nào đó mà các cơ quan quản lý vẫn chưa nắm bắt và kiểm soát được.
Trong khi đó, nhu cầu cao của các nhà giàu Việt Nam, sẵn sàng bỏ tiền tỉ để mua một chiếc sừng tê giác, đang là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến nạn săn bắn tê giác một cách vô tội vạ ở những nơi có tê giác sinh sống. Hình ảnh những con tê giác đầu rớm máu, nằm phủ phục với chiếc sừng bị cắt là nỗi đau của các nhà hoạt động xã hội trên lĩnh vực bảo vệ động vật quý hiếm nói riêng và nhân loại nói chung.
Việt Nam cũng ghi nhận, từ đầu năm 2008 đến giữa tháng 8/2013, toàn ngành Hải quan đã bắt giữ được 13 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác, số lượng xấp xỉ 121,5 kg sừng tê giác.
Hà Giang Giang.