Công khai bán hàng nhái
Thời gian gần đây, giới chơi đồng hồ Hà Nội râm ran truyền tai thông tin về chiêu thức "treo đầu dê bán thịt chó" ở một số cửa hiệu đồng hồ trên địa bàn. Theo đó, những hãng đồng hồ thể hiện đẳng cấp đang bị "đồng hóa" với thứ hàng "made in HongKong" được chế tác như thật với mức giá rẻ không tưởng.
Thậm chí, có tay chơi còn "giận dữ" khi thấy bác xe ôm đeo chiếc Patek Philippe giống hệt chiếc mà gã đã cất công sang tận Thụy Sỹ móc hầu bao vài chục ngàn USD để xách tay về "đọ" với chúng bạn. Đem hai chiếc ra so sánh, chỉ vài người am hiểu về đồng hồ "xịn" mới đủ tài phân định thật giả.
Nằm trong vòng xoáy những "tín đồ" mê sự dịch chuyển của những chiếc kim, tôi cũng thử đi tìm cho mình một cảm giác "vác" hàng nhái "đánh lái" như hàng thật. Lướt nhanh trên google nội dung: "Đồng hồ Thụy Sỹ", sau 0,19 giây "loát", công nghệ hiện đại này đã cho đến 65.000 kết quả.
Cơ quan chức năng nào sẽ kiểm soát thị trường đồng hồ hỗn loạn hiện nay?
Trên trang mạng quảng cáo, chiếc Rolex có mã số 8668 (bọc vàng 18k, mặt saphia,...) có giá 24 triệu đồng. Trong khi, theo tìm hiểu của PV, chiếc đồng hồ này đúng xuất xứ từ Thụy Sỹ có giá không dưới 50.000 USD.
Thử chọn một chiếc Rolex mang số hiệu 6666 có giá 19.900.000 đồng (trong khi hàng hiệu đang chào bán hơn 30.000 USD - PV), tôi phóng xe thẳng đến một trong số chuỗi cửa hàng của siêu thị có địa chỉ trên đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội).
Tại đây được nhân viên giới thiệu, máy của loại này xuất xứ từ Thụy Sỹ, có một chiếc y hệt, máy của Nhật, giá chỉ 3,5 triệu đồng. "Nhưng hiện tại, hàng đã hết, khoảng 2 - 3 tuần sau quay lại sẽ có hàng đáp ứng", nhân viên bán hàng ở đây cho hay.
Khảo sát tại một số cửa hàng trên địa bàn Hà Nội như: Ở Xã Đàn, Đường Thành, Trương Định..., chúng tôi đều nhận được những lời giới thiệu tương tự. Tại một cửa hàng trên phố Đường Thành, khi PV đặt câu hỏi liệu đây có phải hàng chính hãng, ngay lập tức cô nhân viên khẳng định chắc nịch: "100% máy Thụy Sỹ và sẽ được bảo hành từ 12 - 24 tháng, tùy theo sản phẩm?".
Cũng theo tìm hiểu của PV, trong danh mục đồng hồ của "siêu thị đồng hồ" này có rao bán cả những chiếc Patek Philippe có giá hàng tỷ đồng nếu là hàng chính hãng. Để lập lờ với những "thượng đế" trả lại sản phẩm khi phát hiện mua phải đồ "lởm", "siêu thị đồng hồ" đã lập lờ gọi các sản phẩm nhái trên là đồng hồ Thụy Sỹ, chứ không nói là hàng chính hãng, nhưng vẫn cam kết là máy "Thụy Sỹ", hãng sản xuất Patek Philippe.
Hàng nhái... "hái ra tiền"!
Hoang mang trước sự hỗn loạn của thị trường đồng hồ, chúng tôi tìm đến Hưng "tíc tắc" - một tay chuyên đánh hàng đồng hồ đủ loại từ "thượng vàng" đến "hạ cám" để được nghe anh bật mí về những ngón nghề trong thế giới đồng hồ. Theo Hưng, để phân biệt được đồ thật giả của những chiếc đồng hồ trên thị trường hiện nay là điều rất khó, nếu người mua không phải một tay chơi đồng hồ.
Có người chơi đồng hồ, ban đầu phải mất tiền "ngu" vài trăm triệu. Không phải nói đâu xa lạ, chính Hưng cũng phải nhận một cú đau trị giá hàng trăm triệu cho một chiếc đồng hồ mà đến tận 2 năm sau, nó mới được một chuyên gia đặc hiệu Thụy Sỹ phân tích là... nhái.
Không có ranh giới rạch ròi để các tín đồ mê đồng hồ được quyền phân định giữa hàng nhái và hàng "xịn", vì sau mỗi lần bị chuyên gia vạch lỗi trên sản phẩm, nhanh chóng hàng nhái lại được "lên đời" hoàn thiện hơn. Vậy nên, theo Hưng "tíc tắc", chỉ còn một cách duy nhất để phân biệt đồng hồ thật- giả. Hưng cho biết: "Đồng hồ giả được bóc mẽ ở một chi tiết rất tinh tế đó là sự di chuyển của chiếc kim giây.
Ở những chiếc đồng hồ "xịn", kim giây bao giờ cũng di chuyển rất mềm mại còn với đồng hồ giả, kim giây bao giờ cũng giật, kêu tích tắc, tích tắc như đồng hồ treo tường nhà. Đây cũng là một đặc điểm của những chiếc đồng hồ đắt tiền. Nếu bạn thấy bất kỳ đồng hồ nào mà kim giây di chuyển mềm mại thì giá của nó không phải là rẻ".
Đem nghi vấn về chuỗi cung cấp đồng hồ "lập lờ đánh lận con đen" đến Hưng "tíc tắc", chúng tôi nhận được câu trả lời: "Với chiếc Rolex máy Nhật được chào giá 3,5 triệu đồng là quá đắt, trung bình con này bán ở mức từ 1,5 - 2 triệu đồng chủ cửa hàng cũng đã lãi to rồi. Có điểm khác là các hãng này dán thêm chiếc tem đề tên mình vào để bảo hành tức thì mức giá tăng gấp đôi. Tương tự, nhiều sản phẩm có giá tại siêu thị này nếu đem so với một số nơi cung cấp hàng "made in HongKong" cũng nhận thấy mức giá cao hơn nhiều lần".
Chiếc Rolex như thật này đang được chào bán hơn 2 triệu đồng trong khi hàng xịn không dưới 20 ngàn USD.
Khiếu nại đợi... “dài cổ!”
Theo quy định mới, bắt đầu từ ngày 1/3/2013, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tới mức cao nhất là 100 triệu đồng (Nghị định số 08/2013/NĐ-CP), nhưng theo ghi nhận của PV, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là mặt hàng đồng hồ vẫn được bày bán công khai như... chưa hề có cuộc ra quân. Khi được hỏi, một cán bộ quản lý thị trường Hà Nội thổ lộ: "Hiện có tới 5 cơ quan hành chính xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Mức phạt cao hơn, tuy nhiên việc triển khai thực hiện để tạo ra sự chuyển biến vẫn là vấn đề mang tính quyết định".
Vì lẽ đó, ông Minh Đức, một thợ sửa chữa đồng hồ với 40 năm kinh nghiệm chỉ còn biết chia sẻ kinh nghiệm với những ai lỡ "nghiện" đồng hồ: "Đồng hồ đắt tiền đồng nghĩa với việc khẳng định vị trí xã hội của người đeo nó. Nhiều người kỹ tính chọn đồng hồ chỉ vì tên tuổi của hãng. Giá của đồng hồ phụ thuộc vào thương hiệu, tính năng, độ chính xác, hay đơn giản là lượng kim loại quý dùng để làm ra nó.
Các nhà thiết kế đang được trả tiền để làm cho đồng hồ ngày càng tinh xảo hơn. Tránh "ôm" cái tức vào người, khách hàng nên cẩn thận với hàng xách tay và đồ làm bằng tay. Nếu gặp một chiếc đồng hồ làm bằng phương pháp thủ công mà giá có vài trăm đô la thì đừng dại mà tin. Giá đồ thật không bao giờ dưới 20.000 USD. Công nghệ làm giả bây giờ tinh xảo đến mức có thể đánh lừa được cả các chuyên gia. Tốt hơn hết là mua ở đúng cửa hàng chính hãng hoặc đại lý phân phối chính thức".
Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Chủ sở hữu phải chủ động khiếu nại Nhìn nhận vấn đề rộng hơn trên phương diện pháp luật, luật sư Lâm Văn Quang, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: "Theo kinh nghiệm từ các nước cho thấy, vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại lên cục Sở hữu Trí tuệ". |
Trần Quyết