Ngày 18/4, một người phụ nữ lạ mặt đi xe máy tới nhà ông Nguyễn Văn Khương, trú xóm 10, xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Vừa gặp ông Khương, người này bất ngờ ngỏ ý hỏi vay 20 triệu đồng. Do không quen biết, ông Khương không trả lời và quay vào nhà. Thấy vậy, người này liền phóng xe bỏ đi.
Tuy nhiên, do nghi ngờ người phụ nữ trên có động cơ xấu, muốn thôi miên mình, ông Khương đã hô hoán bà con địa phương tổ chức truy đuổi, vây bắt, đánh vào người chị ta. Nhận thông tin, Công an xã Diễn Hạnh có mặt kịp thời để giải tán đám đông, đồng thời đưa đối tượng nghi vấn về trụ sở để làm việc.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Vũ Gia Trưởng (Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự - Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Do chưa xác minh có phải người ta thôi miên hay không, nếu nghi ngờ họ có động cơ xấu, người dân có thể báo với chính quyền địa phương, với cơ quan chức năng, báo với công an để họ kiểm tra hành chính, kiểm tra giấy tờ tùy thân, xác minh hành vi đó như thế nào. Chính quyền sẽ theo dõi, giám sát xem người ta có phải là đối tượng lạ mặt đến địa phương để lừa đảo, trộm cắp không…”.
“Việc người dân bắt giữ người khác chỉ vì nghi vấn mà chưa có hành vi phạm tội bị bắt quả tang thì đó là vi phạm pháp luật. Trong luật có quy định rõ về tội bắt giữ người trái pháp luật”, luật sư Trưởng khẳng định.
Đối với trường hợp này, theo luật sư Trưởng: “Bất kỳ ai cũng có quyền được nghi ngờ người khác có hành vi phạm tội. Nhưng, để khẳng định người đó phạm tội hay không thì phải do cơ quan chức năng xác minh, điều tra”.
Theo luật sư Trưởng: “Trừ trường hợp bắt phạm tội quả tang, bắt gặp người ta đang trộm cắp, đang hiếp dâm, cướp giật, đang hành hung người khác… Còn mọi trường hợp nghi vấn thì người dân phải tuân theo nghĩa vụ là có đơn tố giác, trình báo gửi lên các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra. Nếu anh nghi ngờ người khác phạm tội thì anh phải gửi đơn hoặc báo với chính quyền, cơ quan chức năng. Không ai được quyền bắt giữ trái phép người khác khi chưa có lệnh bắt hoặc khi không bắt được phạm tội quả tang”.
Một ví dụ khác, khoảng 13h ngày 16/4/2017, người dân tại thôn Hàm Hy (xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) phát hiện 5 xe ô tô vào làng, chở theo nhiều đối tượng xăm trổ, hung hăng. Nghi những người này mang theo hung khí nên người dân trong làng đã lập chốt, kiểm tra xe. Theo lời người dân thôn Hàm Hy, họ yêu cầu những người trong xe bắt buộc phải xuống để kiểm tra. Trường hợp nếu phát hiện có hung khí mang theo, những người này sẽ bị giữ lại tại chốt để báo công an địa phương xử lý. Tuy nhiên, vì không tìm thấy hung khí nên dân làng đã để những người này đi.
Đối với trường hợp này, vị luật sư cho rằng: “Những người đi trên 5 ô tô vào làng đòi nợ, nếu người ta không vi phạm luật giao thông đường bộ và không phạm tội quả tang thì không ai có quyền bắt giữ. Còn trường hợp người dân nghi ngờ thì phải báo với chính quyền, tố giác hành vi đó với cơ quan điều tra để họ đến xác minh”.
Tinh thần cảnh giác, phòng ngừa của người dân địa phương là tốt và cần thiết. Tuy nhiên, người dân cũng không nên tự ý manh động, bởi có thể gây ra hậu quả khôn lường, do đang bức xúc hoặc thiếu hiểu biết pháp luật mà có thể chính mình lại vi phạm pháp luật.
C.Công