Đã khổ lại nghèo thêm
Chia tay gia đình ông Trần Văn Châu, một trong những hộ dân đã đào nhà tìm mộ mà ĐS&PL ở số báo trước đã phản ánh, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ (SN 1978) - chị Trần Thị Mầu (SN 1982), trú tại xóm 9, xã Nga Liên. Vì lúc này anh Sỹ đi vắng, nên chúng tôi đã sang nhà bố mẹ đẻ của anh Sỹ ở sát bên cạnh để tìm hiểu sự việc. Gặp chúng tôi, mẹ đẻ của anh Sỹ là bà Mai Thị Hương (56 tuổi) cứ than vãn: "Căn nhà chính của vợ chồng anh Sỹ trị giá 30 - 40 triệu đồng đã bị sập, mà gia đình lại khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo, nên không biết lấy đâu ra tiền để xây lại căn nhà mới.
Vợ chồng Sỹ đã có 4 người con, nhưng có đến hai đứa hay đau ốm liên miên. Suốt mấy năm nay, đứa con gái thứ ba và con trái út của vợ chồng Sỹ cứ thay nhau nằm bệnh viện, đến nỗi đội ngũ y, bác sỹ ở bệnh viện đa khoa huyện Nga Sơn đã quen mặt. Có những hôm gia đình mới đem đứa con trai út của Sỹ từ bệnh viện về, thì lại phải tức tốc đưa ngược trở lại bệnh viện. Trước hoàn cảnh con cái còn nhỏ, lại hay đau ốm, nên vợ của Sỹ đã phải ở nhà chăm sóc con, chẳng làm được gì. Tất cả nguồn sống của gia đình nó chỉ dựa vào đồng tiền làm thuê, làm mướn của Sỹ. Tuy đứa con gái đầu của vợ chồng Sỹ học giỏi, những đành phải nghỉ học".
Ông Dũng trước ngôi mộ được anh Sỹ cất bốc từ trong nhà đưa lên nghĩa địa cải táng.
Khi bà Hương vừa dứt lời, ông Nguyễn Văn Dũng (58 tuổi), bố đẻ của anh Sỹ bắt đầu kể lại: "Sau khi Sỹ lấy vợ, gia đình tôi đã cắt cho một thửa đất sát bên cạnh nhà để lập nghiệp. Cả vợ chồng Sỹ và gia đình tôi phải tập trung công sức, tiền bạc một thời gian dài mới xây dựng được căn nhà chính cho vợ chồng nó. Tuy nhiên, trước hoàn cảnh con cái hay đau ốm như vậy, nên làm cho Sỹ nảy sinh nghĩ ngợi. Trong lúc đó, thấy một số gia đình được một người ở trong miền Nam hướng dẫn qua điện thoại, nên đã đào tìm thấy mộ trong nhà.
Thấy vậy, Sỹ đã xin số, rồi gọi điện hỏi và được biết ở ngay trước cửa phòng buồng của nhà Sỹ có một phần mộ trong đó có 3 thi thể. Nghe vậy, đến ngày 1/3/2013, Sỹ bắt đầu tiến hành đào. Khi đào xuống ở độ sâu khoảng 1,6m thì gặp 1 ly cổ và thấy có hình hài cả bàn tay. Ở lớp đất này khác hẳn với lớp đất phía trên. Tại lớp đất màu đen sẫm, mùn, thấy có một ít xương đốt ngón tay, ngón chân. Thấy vậy, Sỹ đã cất bốc và đem lên nghĩa địa cải táng. Sau đó, Sỹ lấp đất trở lại, rồi láng nền bằng xi măng. Hơn một tuần sau, vào lúc hơn 23h đêm, vợ tôi đi công việc về thì nghe thấy tiếng khóc giống tiếng khóc của một người đàn bà nào đó. Thế rồi, Sỹ lại tiếp tục gọi điện vào hỏi và được bảo là cất bốc chưa hết".
Ngồi bên ông Dũng để tiếp chuyện chúng tôi, bà Hương nói thêm vào: "Thấy con trai đào nhà như vậy, tôi đã can ngăn rằng: Con đào xuyên chân tường lỡ bị sập nhà thì làm sao? Thế nhưng, con trai tôi không nghe. Khi con trai tôi đào lần thứ ba, vì đào lồng qua chân tường, nên nhà đã rạn nứt, rồi sập luôn".
Toàn bộ căn nhà của anh Sỹ đã sập đổ.
Vết dầu loang…
Chúng tôi lại tìm đến nhà anh Nguyễn Bảo Quang (37 tuổi), trú tại xóm 3, xã Nga Liên. Khi nhắc đến chuyện vừa qua gia đình có đào tìm thấy mộ ở trong nhà, chị Nguyễn Thị Lan, vợ anh Quang kể lại: "Gia đình tôi đã đào và cất bốc được một ngôi mộ. Ngôi mộ này ở trong phòng buồng của căn nhà bố chồng, nằm sát bên cạnh nhà tôi. Vì trong nhà bố chồng tôi có một vài bà chị dâu thường hay đau ốm và có hai người em gái sinh đôi của chồng bị căn bệnh lạ giống như bệnh thần kinh đã 19 năm nay, thi thoảng hai cô hay lên cơn mê sảng. Cứ mỗi lúc lên cơn là hai cô lại la hét rằng: Trong phòng buồng có ma, phá phòng buồng hoặc lấp phòng buồng lại và thắp hương cho họ. Bởi thế, sau khi gia đình em trai tôi gọi điện vào cho một người ở trong miền Nam, rồi đào tìm thấy mộ trong nhà mẹ, nên chồng tôi đã xin số điện thoại để gọi".
Chị Lan cho biết thêm: "Gọi điện xong, chồng tôi bảo trong buồng nhà bố có một ngôi mộ của người đàn ông chết năm 1945. Do vậy, gia đình chúng tôi đã tiến hành khai quật. Khi đào xuống thì gặp một lớp đất mùn như tro màu đen và một ít xương cốt vụn nát. Sau đó, gia đình đã cất bốc và đưa lên nghĩa địa chôn cất, xây lăng. Lúc gia đình khai quật để tìm mộ thì hai cô em gái của chồng tôi đã đi xa, nên tôi cũng không biết bệnh tình của họ có đỡ hay không".
Qua tìm hiểu được biết, tại xã Nga Liên không chỉ có những hộ dân kế trên đào nhà tìm mộ, mà còn có một số khác như: Gia đình anh Đặng Văn Tám, trú tại xóm 6, gia đình anh Vũ Văn Quang, trú tại xóm 8, gia đình ông Tường... Khi chúng tôi hỏi đến danh tính, địa chỉ và số điện thoại của người đã hướng dẫn các hộ dân tìm mộ, thì gia đình ông Dũng, anh Quang (ở xã Nga Liên) và bà Lan (ở xã Nga Thái, đã phản ánh ở số báo trước) chỉ cho biết đó là một ông thầy ở Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Bà Nguyễn Thị Dung, phó chủ tịch UBND xã Nga Liên tại buổi làm việc với PV.
Chính quyền xã phó mặc?
Trở lại với trường hợp gia đình anh Sỹ đào tìm mộ bị sập nhà, khi nghe chúng tôi hỏi: Trước khi anh Sỹ đào nhà tìm mộ có báo cáo với thôn xóm và chính quyền địa phương hay không, thì bà Hương liền đáp lại: "Con trai tôi đã báo cáo với chính quyền xã, nhưng xã nói, nếu mộ ở ngoài đồng ruộng thì chính quyền sẽ hỗ trợ. Còn mộ ở trong nhà thì gia đình tự lo liệu, muốn làm sao thì làm".
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dung, Phó chủ tịch UBND xã Nga Liên khẳng định: "Tôi chưa nhận được báo cáo hay thông tin nào về việc người dân đào tìm mộ bị sập nhà. Tuy tôi chịu trách nhiệm về lĩnh vực văn hóa, nhưng lại dưới sự điều hành của chủ tịch. Nếu như người dân hoặc trưởng thôn xóm không báo cáo với phó, mà lại báo cáo với chủ tịch thì làm sao tôi biết được. Biết đâu thông tin này chủ tịch đã nắm được".
Sau khi nghe chúng tôi thông tin về việc đào nhà tìm mộ của một số hộ dân ở xã Nga Liên, ông Mai Đình Hiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Nga Sơn trả lời thẳng thừng rằng: "Chúng tôi chưa nắm được tình hình, nên chưa thể phát biểu gì cả". Tuy nhiên, sau khi nghe ông Vũ Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã Nga Liên giải thích, ông Hiếu đã chấn chỉnh: "Anh (chủ tịch xã Nga Liên -PV) không thể nói theo cách phó mặc cho người dân được. Vấn đề này anh phải về tìm hiểu và theo dõi, để định hướng cho người dân".
Theo ý kiến một số người dân cho rằng: Nếu sự hướng dẫn tìm mộ đó là chính xác, thì chính quyền địa phương phải có giải pháp để cho người dân thực hiện việc đào cất bốc mộ an toàn, chứ không nên ngoảnh mặt làm ngơ, mặc kệ dân như thế. Thiết nghĩ, trước sự việc này, chính quyền địa phương sớm tiến hành tìm hiểu, nắm bắt tình hình để định hướng cho người dân, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Rợn người những chuyện truyền tai "Để yên tâm, Sỹ lại tiếp tục quật nền nhà lên để tìm mộ. Khi đào xuống, Sỹ vẫn thấy lớp đất màu đen sẫm và một ít xương cốt, nên tiếp tục cất bốc lên cải táng ở nghĩa địa. Xong xuôi, Sỹ lại lấp đất xuống để láng lại nền nhà. Tuy vậy, vào khoảng 4h sáng, lại tiếp tục nghe tiếng khóc. Do đó, Sỹ lại gọi điện hỏi và được bảo cất bốc chưa hết. Vì thế, Sỹ lại quyết định khai quật nền nhà lần thứ ba. Ở lần này, Sỹ đã phải đào xuyên qua chân tường ở độ sâu 1,6m mới cất bốc hết mộ được. Ở thửa đất này, theo lời các cụ cao niên thì vào năm đói trước đây, người chết nhiều lắm. Đã mấy chục năm nay, thi thoảng vào ban đêm, bản thân tôi vẫn nghe tiếng khóc ấy rồi. Thế nhưng, tôi nghĩ nếu nói ra chỉ làm vợ con sợ hãi, nên mỗi khi vợ hỏi nghe tiếng khóc, thì tôi cứ nói lánh rằng có lẽ tiếng khóc của con nhà ai đó thôi. Kể từ khi con trai tôi đào nhà để cất bốc mộ đến nay, tôi thấy các cháu có bớt đau ốm" - ông Dũng cho biết thêm. |
Văn Cương