Đơn nào cũng gửi từ Tổng Bí thư trở xuống
“Cần có quy định buộc người khiếu nại tố cáo ứng ra một khoản đặt cược nào đó. Theo kiện thì phải bỏ tiền. Nếu kiện đúng thì nhà nước sẽ hoàn trả” - phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng góp ý.
Theo ông Dũng, trong việc giải quyết khiếu tố hiện nay còn có sự “nể nang”, và vì thế “có một số đối tượng khiếu tố lợi dụng sự nể nang này” với tâm lý có mất gì đâu. Nhắc lại 2 lần rằng đây chỉ là “một số nhỏ thôi”, phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của QH đề xuất cần quy định rõ trách nhiệm của người đi khiếu tố. Lấy ví dụ trong lĩnh vực bảo hiểm y tế “nhà nước chịu 80, người dân chịu 20”, ông Dũng lập luận “Giờ khiếu tố cũng thế, phải buộc người khiếu tố ứng ra 1 khoản đặt cược nào đó, nếu theo kiện họ phải bỏ tiền, nếu đúng nhà nước hoàn trả”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện dẫn “kinh nghiệm nước ngoài” rằng: Người ta dạy cho công dân có quyền, nhưng cũng dạy họ nghĩa vụ tìm đúng đến những nơi khiếu tố. Không đúng (nơi) người ta trả lại (đơn). Trong khi đó, theo ông Hiện, “Ở ta, cái gì, đơn nào cũng in gửi đủ từ Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội. Sau đó nhận được một cái phiếu chuyển đơn có ý kiến của lãnh đạo, người dân người ta cầm cái phiếu chuyển đơn có lời phê đi gặp các cơ quan hỏi vì sao lãnh đạo có ý kiến và không giải quyết”. “Cái đó rất phức tạp” và “gây ra tình trạng lộn xộn” - ông Hiện nói và kêu gọi “Đã đến lúc phải nghĩ hướng dẫn người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nêu những trường hợp “Người dân vẫn khiếu kiện dù đã giải quyết ở mức cao nhất rồi”. Ông đề nghị “Cần có 1 điều để xử lý vấn đề này, chứ hiện các cơ quan rất khổ sở”.
Uỷ ban TVQH thảo luận về dự án Luật Tiếp công dân ngày 19.3 - Ảnh: TTXVN
Tiếp dân như “chim đưa thư”
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Hiệu quả của tiếp dân biểu hiện ở các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo được giải quyết, có vừa lòng dân hay không?” Và ông tự trả lời: Chưa đạt yêu cầu. Cơ quan soạn thảo và thẩm tra đều chưa trả lời được sau khi có luật sẽ tạo ra bước chuyển biến mới!
Chủ tịch phân tích: Tiếp công dân để giải quyết nó khác. Tiếp để tiếp nhận, giám sát là khác. Một đằng có trách nhiệm đến cùng. Một đằng là tiếp, tiếp và tiếp, có phải để giải quyết đâu. Cái này phải phân biệt rõ chứ không thể “nhào vào một cục”. Theo ông, cần phải xác định rõ: Cơ quan dân cử, lập pháp cần luận rõ tiếp công dân để làm gì? Có nên lập ra cơ quan tiếp công dân không? QH có sửa sai được không? Có cấp đất lại được không? Có tha kỷ luật hay kỷ luật nặng hơn không? Ngay cả Ủy ban Dân nguyện của QH cũng không làm được. Chúng ta đang chỉ giám sát các cơ quan tiếp dân làm không đúng thì “sửa ông ý”. QH, HĐND không thể làm thay được. Đừng có nhầm chân.
Ngay cả các ĐBQH, theo Chủ tịch QH, hiện cũng chỉ tiếp dân để đi hỏi, để yêu cầu, để kiến nghị. Tiếp để nghe, thấu hiểu. Ông nói tới tương lai, “thậm chí sau này có thể lập văn phòng ĐBQH” trong khi hiện tại “Người dân tin tưởng đến cơ quan quyền lực cao nhất” và cảnh báo “Tin tưởng rồi không giải quyết được sẽ trở thành một thứ gánh nặng, là phản cảm, vô dụng”.
Ví von việc tiếp công dân hiện như “chim đưa thư”, đầy tâm huyết, Chủ tịch QH nói từ khi ông làm Chủ tịch QH, còn một việc “chưa có cách gì cải tiến, đổi mới được” là “một luật giám sát để nâng cao vai trò giám sát, nâng cao hiệu lực giải quyết ở một số lĩnh vực”.
Phát biểu có tính chất tiếp thu, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đề xuất quyền “trực tiếp đôn đốc” tới chủ tịch tỉnh của trụ sở tiếp dân. Ông Thanh nêu thực tế “Người dân khiếu tố chủ yếu ở các cơ quan T.Ư, nếu chỉ hướng dẫn bà con đến đúng nơi thì người ta không về. Chẳng hạn 79% số khiếu tố liên quan đến đất đai, nếu chúng ta chỉ hướng dẫn bà con về Sở Tài nguyên và Môi trường thì dứt khoát họ không về”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban QPAN của QH Nguyễn Kim Khoa đặt câu hỏi “Có phải chúng ta chuyên nghiệp hóa lực lượng tiếp dân? Khoán trắng cho họ? Ông Khoa đề nghị “Cần xem xét lại tư tưởng này”. Nhắc lại câu hỏi của Chủ tịch QH, rằng: Liệu sau khi luật ban hành có giải quyết được không? Ông Khoa khẳng định: “Tôi cho đây là một thách thức lớn”, đồng thời kêu gọi “Chúng ta không nên thành lập cơ quan chuyên nghiệp tiếp công dân”. Trước đây chúng ta tiếp dân ngay tại cơ quan nhà nước và người đứng đầu phải có trách nhiệm.
Hôm qua, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã cho ý kiến về Luật Phòng cháy chữa cháy (sửa đổi).
Cần có quy định buộc người khiếu nại tố cáo ứng ra một khoản đặt cược nào đó. Theo kiện thì phải bỏ tiền. Nếu kiện đúng thì nhà nước sẽ hoàn trả - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng góp ý. |
Theo Lao động