Đọc thêm: >Đẫm nước mắt trước nỗi niềm của người mẹ mất con
Tuy nhiên, sau khi nghe PV trình bày sự việc và hỏi về thông tin hiện tại của cháu Uyển Nhi (con gái của chị Nguyễn Thị Sim), ông này viện cớ "bận đi công tác" và không trả lời phóng viên.
Hai mẹ con chị Sim
Trong một diễn biến khác, chị Nguyễn Thị Sim cho biết, trước đó, khoảng 21h ngày 20/2, ông Đỗ Đức Hồng có gọi cho người thân của chị Sim và hẹn trưa ngày 21/2 gặp chị Sim tại một địa điểm ở khu vực Đội Cấn (Hà Nội) để nói chuyện. Tuy nhiên, đến buổi trưa 21/2, chị Sim đến điểm hẹn và gọi điện cho ông Hồng nhưng ông này không gặp mà lại yêu cầu chị phải lên trung tâm trên Ba Vì làm việc.
Dù đường xa vất vả, đi lại khó khăn nhưng chiều ngày 25/2, chị Sim vẫn cùng người cậu của mình lặn lội lên trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An để tìm hiểu rõ căn nguyên sự việc. Tại buổi làm việc có đầy đủ các thành phần gồm giám đốc, phó giám đốc, bác sĩ, đến bảo vệ trung tâm, chị Sim được ông Hồng cho xem hồ sơ con chị được đưa đi làm con nuôi ở Pháp. Ngoài ra, chị còn được xem một số bức ảnh của con chị chụp cùng một vài đứa bé người nước ngoài. Tuy nhiên, chị Sim cho biết, chị nghi ngờ về độ trung thực của hồ sơ và vẫn thấy rất lo lắng cho con mình.
Cũng tại buổi làm việc, ông Hồng đã công nhận chị là mẹ của cháu bé và hứa sẽ thường xuyên cung cấp thông tin về cuộc sống thường ngày của cháu cho chị biết để chị yên tâm. Tuy nhiên, ông Hồng lại phủ nhận mối quan hệ của ông với bà Tuyết và không công nhận chuyện ông cùng bà Tuyết dàn dựng kịch bản để chị Sim bỏ con trước cổng trung tâm. "Tại buổi làm việc, ông Hồng luôn yêu cầu tôi ký vào biên bản yêu cầu tôi xác nhận chính bản thân mình bỏ rơi con nhưng tôi dứt khoát từ chối. Cuối cùng tôi đành phải ra về và chẳng thể biết được khi nào mình mới được gặp lại con", chị Sim bức xúc nói.
Theo tìm hiểu của PV, biết được hoàn cảnh đáng thương của chị Nguyễn Thị Sim, luật sư Trần Đình Triển cũng đã vào cuộc. Trao đổi với PV, LS Triển cho biết, hiện đang xác minh thêm thông tin về vụ việc sẽ cung cấp thêm thông tin nếu có diễn biến mới.
Những người liên quan có thể phạm tội buôn bán người? Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Huy An cho biết, theo Luật nuôi con nuôi, các tổ chức chỉ được cho đứa trẻ làm con nuôi nước ngoài khi ở trong nước không có ai nhận nuôi, không xác minh được cha mẹ. Đây là giải pháp cuối cùng sau khi không thể tìm ra một hướng nuôi dưỡng nào khác cho đứa trẻ. Tại Việt Nam, các tổ chức trong nước có thẩm quyền để cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài thường là các trung tâm bảo hộ xã hội do Nhà nước thành lập. Mỗi một trường hợp trẻ em cho đi làm con nuôi người nước ngoài phải được bộ Tư pháp thông qua với các hồ sơ đầy đủ. Trong trường hợp này, nếu chứng minh được có chuyện dàn dựng kịch bản bỏ con năm 2009 và chuyện trung tâm tự ý cho đứa bé sang nước ngoài làm con nuôi thì những người liên quan có thể vi phạm vào tội buôn bán người. |
H.Dương - Thành Huế