Sau khi các địa phương công bố những dự án được bán nhà hình thành trong tương lai, nhiều ý kiến cho rằng, động thái này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cứu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, có luồng ý kiến quan ngại khách hàng sẽ gặp khó khi không may mua phải dự án có tiền sử bê trễ hoặc của chủ đầu tư kém năng lực khi được phê duyệt bán nhà trên giấy.
Thực tế cho thấy, những năm 2010 trở về trước, nhiều chủ đầu tư chỉ có trên tay tờ quyết định chấp thuận đầu tư là có thể rao bán sản phẩm với giá trên trời, tạo ra những rủi ro rất lớn cho người mua nhà. Sau khi luật Kinh doanh Bất động sản 2014 có hiệu lực, hoạt động bán nhà ở hình thành trong tương lai đã được quy định với hành lang pháp lý rõ ràng, các sản phẩm hình thành trong tương lai muốn bán phải xây đến một tiến độ nhất định và được một ngân hàng bảo lãnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động bảo lãnh của nhiều ngân hàng với chủ đầu tư chỉ mang tính hình thức, thường là những biên bản ghi nhớ "làm màu" để quảng cáo bán hàng mà chưa đi vào thực chất. Điều này đặt người mua nhà trước những rủi ro mới nếu gặp phải những chủ đầu tư tay ngang, sử dụng tiền góp vốn để đầu tư nơi khác.
Trao đổi với PV, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Hiện đang có rất nhiều tranh chấp trong việc thực hiện việc mua bán nhà trong tương lai. Khi khách hàng mua nhà thì phải nộp tiền trước nhưng không có gì bảo đảm rằng họ sẽ nhận được sản phẩm đúng như doanh nghiệp cam kết. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp “vẽ” ra các dịch vụ đi kèm (trường học, công viên…) nhưng khi nhà trao tay thì chỉ trơ trọi một tòa chung cư”.
TS. Phạm Sỹ Liên dẫn chứng, trên thế giới không có bất kỳ khuyến khích nào trong việc mua bất động sản hình thành trong tương lai. Người kinh doanh bất động sản phải vay vốn ngân hàng và khi làm ra xong sẽ bán hoặc cho thuê. Nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp lý sự rằng ngân hàng không cung ứng đủ vốn cho nên phải huy động vốn của người mua.
“Góp vốn thực chất là sinh ra lãi nhưng doanh nghiệp lại “ăn lãi” của khách hàng, nói trắng là chiếm dụng vốn”, TS. Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm.
TS. Phạm Sỹ Liêm nhận định, phải bỏ hình thức góp vốn thay thế bằng việc đặt cọc (gửi tiền vào tài khoản phong tỏa, không ai được rút ra-PV). Đây là một tài chế thực hiện cam kết bằng tiền, bên mua bên bán có hợp đồng tiền đặt cọc là sự ràng buộc.
“Nếu bên bán có sản phẩm nhưng bên mua đã cam kết lại không mua thì số tiền đặt cọc đó thuộc về doanh nghiệp, ngược lại nếu bên bán không giao hàng theo đúng hợp đồng đặt cọc thì chịu phạt một số tiền tương đương với tiền đặt cọc cho người mua. Cái này trong luật Dân sự quy định rất rõ ràng. Còn hiện tại, người dân góp vốn, doanh nghiệp bỏ túi thích dùng vào việc gì thì dùng hoặc “ôm” tiền bỏ trốn thì rủi ro người dân chịu. Và thực tế đã có chủ đầu tư bỏ trốn rồi”, TS. Phạm Sỹ Liêm nói.
N.Giang