Trước đó, đêm 28/10, tuyến đê Cổ Cò cũng đã bị vỡ khiến nhiều hộ dân cũng không kịp trở tay, thiệt hại nhiều về của cải và đồ dùng gia đình.
Đến ngày 13/11, nước tiếp tục ngập sâu 4 khu phố: Đông, Tây, Trung, Phú Hội thuộc phường Vĩnh Phú. Đến khoảng 20 giờ tối 12/11, nước bất ngờ cuồn cuộn tràn vào nhà dân, ngập đến ngang người. Nhiều hộ dân chỉ kịp bỏ chạy thoát thân mà không kịp di dời tài sản.
Đoạn đê bị vỡ hai lần liên tiếp trong vòng chưa đầy nửa tháng |
Sau khi đoạn đê bị vỡ, nhiều hộ dân đã không có nơi cư trú đành phải ngủ tạm trên bờ đê.
Ông Trần Minh Vũ, một người dân sống gần đoạn đê này bức xúc chia sẻ, gia đình ông đã thiệt hại gần 1 tỷ đồng trong đó có 2 ao cá tai tượng chuẩn bị thu hoạch với số lượng gần 14.000 con, 120 con heo, 500 con gà ông đang nuôi cũng bị chết, đồ dùng sinh hoạt đều bị hư hỏng.
Tài sản người dân kịp mang theo khi đê vỡ |
Theo thống kê sơ bộ của UBND thị xã Thuận An, qua hai lần vỡ đê bao đoạn Cổ Cò đã có gần 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 10% hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề do sống nhờ chăn nuôi và trồng trọt ven kênh.
Ngày 13/11, ông Trần Văn Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã xuống hiện trường trực tiếp chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh, công ty Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương và chính quyền thị xã Thuận An khắc phục sự cố.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh cũng huy động hơn 200 người cùng phương tiện để đắp lại đoạn đê bao bị vỡ. Tuy nhiên, công tác gia cố chỉ tạm thời, chủ yếu vận dụng sức người.
Ngọc Hải