Thời gian gần đây, nhiều hộ dân phản ánh tới báo Người đưa tin về việc các chủ thầu xây khu chung cư mini vượt quá số tầng được cấp phép. Cụ thể như khu chung cư ngõ 55/20 ở xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội) được cấp giấy phép xây dựng 6 tầng, tuy nhiên số tầng hoàn thiện và rao bán chính thức là 8 tầng. Khu chung cư số nhà 33, phố Nhân Hòa, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cũng xây vượt thêm tầng 7 và đã bàn giao cho người mua. Nhiều hộ dân vẫn mua nhà ở mà không hề biết những căn hộ ấy được xây dựng trái phép và có nguy cơ bị phá dỡ.
Căn hộ tầng 7 địa chỉ số 33, phường Trung Hòa xây vượt phép và đang rao bán. (Ảnh Bảo Lâm)
Công khai bán nhà trái phép
Trong vai một người đi tìm mua nhà chung cư, PV Người đưa tin tìm đến khu chung cư ngõ 55/20, nơi người dân phản ánh tình trạng nhà xây vượt tầng. Một nhân viên bảo vệ giới thiệu khu chung cư đã được bán gần hết và chỉ còn một phòng trên tầng 8. Sau khi đưa chúng tôi lên tầng 7 bằng thang máy và đi bộ lên căn hộ ở tầng 8, nhân viên bảo vệ thẳng thắn: "Căn hộ này chủ chung cư xây thêm nên chỉ có thang máy lên tầng 7. Tuy không có sổ đỏ nhưng căn hộ này có đầy đủ giấy phép mua bán, vì thế các anh hoàn toàn có thể an tâm". Thấy chúng tôi tỏ vẻ lo lắng, nhân viên này tiếp tục trấn an: "Giấy tờ mua bán nhà ở đây đầy đủ và hợp pháp. Anh nhìn đấy, các nhà tầng dưới họ ở lâu nay đâu cần sổ đỏ. Khi nào công ty hoàn tất hồ sơ làm sổ đỏ cho các hộ dân chắc sẽ "lách luật" làm luôn căn hộ anh mua ở tầng 8".
Ngay sau khi PV đồng ý mua căn hộ, anh bảo vệ này điện thoại cho lãnh đạo để thông báo. Giá căn hộ hơn 100 m2 ở tầng 8 này là 1,2 tỷ đồng. Mọi giấy tờ thủ tục mua bán, phía công ty lo. Tiếp đó, chúng tôi được nhân viên bảo vệ đưa đến văn phòng của công ty (chủ khu chung cư) ở ngay gần UBND xã Mỹ Đình để hoàn tất thủ tục mua bán. Theo quan sát, văn phòng này khá đơn sơ và không treo biển hiệu. Sau khi đưa hồ sơ, giấy phép khu chung cư cho chúng tôi xem, nhân viên văn phòng cho biết: "Căn hộ tầng 8 mà các anh vừa xem khá rộng, đẹp mà giá cả hợp lý. Tuy căn hộ ấy xây vượt phép nên không có sổ đỏ nhưng chúng tôi sẽ làm mọi thủ tục mua bán nhà đầy đủ pháp lý. Bên cạnh đó, công ty cam kết nếu có sự cố nào xảy ra hoặc bị chính quyền phá dỡ thì công ty sẽ hoàn trả lại số tiền ban đầu".
Theo giấy phép xây dựng do UBND huyện Từ Liêm cấp, khu chung cư có địa chỉ trên được cấp phép xây 06 tầng và 01 gác lửng. Tuy nhiên, trên thực tế, khu chung cư này đã cố tình xây vượt hai tầng và tại căn hộ trên tầng 8 đang rao bán còn có thêm sân thượng được xây ngoài trời khá rộng.
Sau khi đã thuyết phục được chúng tôi mua nhà, nhân viên văn phòng còn giới thiệu thêm một khu chung cư ở gần trung tâm Hà Nội với giá "mềm" hơn và cũng thuộc diện xây sai phép. Tại đây, căn phòng tầng 7 số nhà 33, phố Trung Hòa được rao bán với giá 1 tỷ 50 triệu đồng. Nhân viên bảo vệ tại khu chung cư cho biết, căn hộ này đã được "lách luật" xây thừa thêm một tầng trên. Cách đây một tháng đã có người đặt 40 triệu đồng để mua, nhưng sau đó người này thấy khu chung cư vẫn chưa có thang máy nên đành bỏ tiền đặt cọc để tìm mua căn hộ khác. Theo tìm hiểu của PV, các hộ gia đình sống trong khu chung cư này đã trả đủ tiền, ký kết mua nhà và chuyển đến ở. Tuy nhiên, việc cấp"sổ đỏ" thì vẫn đang chờ...
Khu chung cư phường Trung Hòa xây vượt phép nhưng không bị cơ quan chức năng "sờ gáy". (Ảnh Bảo Lâm)
Cơ quan chức năng hợp thức hóa sai phạm?
Thực tế đã xảy ra những kiểu hợp thức hóa rất lộ liễu, trắng trợn ở các quận, huyện tại Hà Nội như có trường hợp xây dựng vượt phép đến 2, 3 tầng. Những khu chung cư được cấp phép 6 tầng, nhưng xây đến 8, 9 tầng. Thanh tra Xây dựng phạt hành chính hôm trước, hôm sau chủ chung cư đã "trình" cấp phép mới hợp lý. Về nguyên tắc, trong trường hợp như vậy, chính quyền địa phương phải phá dỡ số tầng xây sai phép, khôi phục hiện trạng ban đầu. Thế nhưng, nhiều người dân phản ánh, chính quyền sở tại vẫn làm ngơ, thậm chí tiếp tay, hợp thức hóa sai phạm.
Rất nhiều khu chung cư sau khi xây dựng sai phép đã rao bán công khai. Có gia đình đã chuyển đến ở cả năm trời nhưng không hề biết mình đang ở trên căn hộ xây trái phép. Theo một hộ dân sống ở khu chung cư Mỹ Đình xây vượt tầng, từ khi khu chung cư xây hoàn thiện và bàn giao cho người mua, chưa hề có đoàn kiểm tra nào đến, kể cả Thanh tra Xây dựng hay cán bộ phường sở tại.
Theo tìm hiểu của PV, nếu chủ đầu tư xây dựng chung cư được cấp phép theo quy định tại Điều 62 Luật Xây dựng thì căn hộ xây vượt tầng đã vi phạm quy định và không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Do vậy, những chủ căn hộ sinh sống trên tầng xây vượt phép của khu chung cư sẽ gặp nhiều rủi ro lớn. Chủ hộ không thể thực hiện các quyền mua bán, chuyển nhượng căn hộ. Chưa kể đến việc nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm thì căn hộ sẽ bị tháo dỡ.
Quản lý đất đai lỏng lẻo, vi phạm trật tự xây dựng tràn lan đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề. Không chỉ phá vỡ cảnh quan đô thị, các công trình vi phạm này đang từng ngày bóp méo không gian kiến trúc của Hà Nội; nhiều khu vực dân cư, hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước đây, UBND TP.Hà Nội đã xử lý nhiều công trình cao tầng xây dựng sai phép, xây vượt tầng. Điển hình tại quận Hai Bà Trưng có một tòa nhà cấp phép 7 tầng nhưng vẫn xây đến 12 tầng và đã bị xử lý và cắt ngọn, tháo dỡ phần xây dựng trái phép. Có thời điểm Hà Nội như một "đại công trường" phá nhà sai phép với hàng loạt công trình lớn bị cưỡng chế phá dỡ các tầng xây vượt phép, như tòa nhà số 9 Đào Duy Anh (xây vượt quá 3 tầng), số 4 Đặng Dung (xây vượt phép 13,1m), số 2/31 Nguyễn Chí Thanh (vượt phép 5 tầng).
Dư luận bức xúc, tại sao những công trình xây dựng này đều là những công trình lớn, thời gian xây dựng dài, nhưng những vi phạm lại không bị phát hiện và xử lý triệt để. Điều đáng nói, những công trình xây sai phép kể trên dù nằm trên những phố trung tâm, nhưng vi phạm của các chủ đầu tư đã không được chính quyền sở tại kiên quyết xử lý ngay từ đầu.
Nhiều công trình xây dựng vượt phép cho thấy nhiều "lỗ hổng". Đó là sự buông lỏng quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, sự tiếp tay cho cái sai của một số tập thể, cá nhân và cả sự yếu kém trong công tác nắm tình hình và tham mưu. Tình trạng buông lỏng quản lý đất đai và trật tự xây dựng ở Hà Nội đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng quản lý của chính quyền sở tại.
Với những công trình vi phạm trên, lỗi không chỉ do chủ đầu tư mà còn do chính quyền địa phương, đội ngũ Thanh tra Xây dựng. Nếu họ làm hết thẩm quyền của mình ngay từ khi phát hiện vi phạm thì những công trình sai phép trên không thể tồn tại và các chủ công trình sẽ không dám ngang nhiên vi phạm. Thay vì xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng lại "chụm" vào hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư, buông lỏng và tiếp tay cho sai phạm. |
Trần Quyết - Cao Tuân