Ngày 8/10 vừa qua, các xe của hệ thống taxi Vinasun đã dán thông điệp phản đối Uber và Grab với quy mô lớn.
Thông điệp được in trên giấy decal nền màu đỏ và dán tại cốp sau của xe taxi với nội dung gay gắt, yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam, thậm chí đề nghị dừng thí điểm loại hình kinh doanh mới này.
Liên quan đến vụ việc trên, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn luật sư TP.HCM để mổ xẻ những vấn đề pháp lý xung quanh.
Thưa ông, hành vi dán hình ảnh, thông tin của hãng taxi Vinasun có phải đăng ký với các cơ quan quản lý thông tin truyền thông trên phương tiện giao thông hay không?
Nếu hành vi này chỉ diễn ra đơn lẻ thì không cần phải đăng ký vì đó là xe cá nhân, không bị quản lý. Riêng với xe taxi, doanh nghiệp đã đăng ký từ trước với giấy phép hoạt động đăng ký theo loại hình kinh doanh vận tải chở người nên việc dán thông điệp, hình ảnh lên xe taxi để quảng cáo hay truyền thông riêng thì không cần phải xin phép thêm.
Vậy ông có nhận định thế nào về hành vi phản đối trong kinh doanh này của taxi Vinasun?
Về mặt quản lý giao thông vận tải, taxi truyền thống đăng ký kinh doanh vận tải chở người nên phải chịu nhiều khoản thuế, phí và quy định quản lý khác của các cơ quan chức năng. Còn Uber, Grab chỉ đăng ký về lập trình máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin nên không có giấy phép con để mở doanh nghiệp kinh doanh vận tải chở người.
Vì thế, mức độ đầu tư của Uber, Grab thấp hơn, dẫn đến giá thành thấp hơn vì không theo quy định giá cước của cơ quan quản lý về giao thông vận tải. Đây là bất cập với taxi truyền thông. Nhưng xét về mặt xã hội, Uber và Grab đem lại tiện dụng hơn cho người dân.
Nhưng lợi ích cũng đi kèm với rủi ro. Trong trường hợp chở khách gặp tai nạn giao thông thì Uber, Grab có phải chịu trách nhiệm bồi thường hay không, thưa ông?
Khi xảy ra sự cố, người đi taxi truyền thống sẽ được bồi thường theo bảo hiểm. Còn với khách hàng Uber, Grab thì không vì vốn phương tiện vận chuyển hàng khách của 2 hãng này không được đăng ký giấy phép vận tải chở người.
Hình thức vẫn là đi nhờ xe thông qua ứng dụng và thanh toán dựa trên thỏa thuận riêng, chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Dù đã hoạt động hơn 2 năm nay nhưng các cơ quan liên quan vẫn đang loay hoay tìm cách quản lý mô hình kinh doanh của Uber, Grab.
Còn xét về pháp lý, liệu hành vi của taxi Vinasun có vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong kinh doanh không, thưa ông?
Về pháp lý, taxi Vinasun và Uber, Grab không kinh doanh cùng ngành nghề. Tuy nhiên, hành vi này vẫn được xem là gièm pha doanh nghiệp khác, vi phạm luật Cạnh tranh.
Trong luật này nêu rõ những hành vi bị cấm, trong đó có “gièm pha doanh nghiệp khác” tại Điều 39 và được cụ thể tại Điều 43: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.
Vậy theo ông, hình thức xử phạt đối với hành vi này ra sao?
Biện pháp xử lý của Luật quy định đối với hành vi này là yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và xử phạt hành chính. Còn nếu nhận thấy dấu hiệu hành vi vi phạm có tổ chức, mức phạt sẽ tăng thêm.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!