Hiện nay, tại địa bàn tỉnh Bình Dương, nhiều đường giao thông như: Đường Thủ Khoa Huân, Lê Thị Trung (phường Bình Chuẩn), Từ Văn Phước (phường An Phú, thị Thuận An) đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường xuất hiện những ổ voi, ổ gà cực lớn. Thậm chí, nhiều đoạn đường chỉ còn trơ lại đất đá bởi phần thảm nhựa đã bong tróc và bị nước cuốn trôi sau những trận mưa.
Nghiêm trọng hơn, hệ thống thoát nước tại những con đường này hoạt động không hiệu quả dẫn đến đường như một con sông. Dù mưa hay nắng, nước trên các con đường này vẫn mênh mông, đen sì và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Sau mỗi cơn mưa, nếu không có biện pháp phòng chống, nước từ ngoài đường tràn vào nhà. Người đi đường lẫn người dân sống trong địa bàn này luôn phải “bơi” mỗi khi đi trên những con đường này.
PV báo Người Đưa Tin có mặt tại một số con đường mà theo người dân sống tại tỉnh Bình Dương vẫn thường gọi là “con đường gian khổ” để ghi nhận thực tế.
Đường Lê Thị Trung và Từ Văn Phước là con đường lớn nối dài các khu công nghiệp tại địa bàn phường Bình Chuẩn, An Phú, KCN VSip của tỉnh Bình Dương. Ngoài mục đích phục vụ dân sinh, con đường này cũng gánh một tải trọng không hề nhỏ, khi lượng xe container, đầu kéo, xe tải hàng ngày vận chuyển hàng hóa cho các KCN di chuyển qua đây với mật độ khá dày.
Tại đường Lê Thị Trung, nhiều đoạn đường dài bị bong tróc, xuất hiện những ổ voi “khủng” có diện tích lớn và sâu. Thậm chí, có đoạn đường bị bong phần thảm nhựa dài hàng chục mét thay vào đó là đá dăm, đá cục lởm chởm. Phần taluy hai bên đường lòi ra những thanh sắt trơ khung.
Từ ngã ba giao nhau giữa đường Lê Thị Trung và Từ Văn Phước, PV di chuyển về hướng trung tâm phường An Phú trên đường Từ Văn Phước. Thời điểm đó, trời nắng khá to và cách đây mấy hôm khu vực này cũng không có mưa. Tuy nhiên, đường vẫn bị ngập nước mênh mông, có đoạn ngập sâu cả nửa mét, các phương tiện di chuyển trong cảnh rẽ sóng, bì bõm, nhiều phương tiện bị chết máy phải đẩy bộ.
Chị Bùi Thị Ly, một hộ dân sống ngay bên đường này cho biết: "Đường này bị xuống cấp gần 2 năm nay rồi, cứ mưa xuống là ngập và ngập kéo dài do nước không thoát được, mùa khô thì bụi đất mù mịt. Tôi mở của hàng bán tạp hóa ở đây cả chục năm nay nhưng chắc phải đóng cửa tiệm nghỉ bán vì đường sá như thế này nên không có khách”.
“Đoạn đường này xảy ra tai nạn giao thông thường xuyên. Chuyện tay lái yếu, vấp phải ổ gà, ổ voi hay xe bị chết máy đột ngột rồi té ngã là bình thường. Nghiêm trọng hơn, có những người do không quen địa bàn, di chuyển phương tiện nhanh nên đến khu vực này xử lý không kịp, xảy ra tai nạn phải nhập viện cấp cứu. Cách đây vài hôm vừa có một người bị chết do tai nạn tại đây”, chị Ly nói thêm.
Rời đường Lê Thị Trung, Từ Văn Phước, PV có mặt tại đường Thủ Khoa Huân, con đường chính của trung tâm hành chính phường Bình Chuẩn nối liền thị xã Thuận An sang thị xã Tân Uyên.
Đường Thủ Khoa Huân đã được nâng cấp mở rộng trong vòng 5 năm nay. Đầu năm 2018, chiều cao mặt đường cũng được nâng cấp. Nhưng đoạn cuối đường, từ ngã tư phường Bình Chuẩn chạy qua phường Tân Phước Khánh gần 1km bị xuống cấp, xói lở và ngập chìm trong biển nước.
Các phương tiện tham gia giao thông di chuyển qua đây hết sức khó khăn. Người dân sống hai bên mặt đường luôn phải chịu cảnh nước tràn vào nhà, mỗi khi ra khỏi nhà là phải xắn quần lên đầu gối để lội.
Anh Hoàng Minh Dương, một hộ dân sông tại phường Bình Chuẩn chia sẻ: “Cách đây hơn một năm, tôi thuê mặt bằng mở nhà hàng lớn kinh doanh tiệc cưới, tổ chức sự kiện và cà phê, nhạc sống. Nhưng cả năm nay, con đường này luôn ngập trong nước nên chẳng ai đặt tiệc, khách khứa càng ngày càng vắng, có ngày không một bóng khách nên tôi đành chịu thua lỗ đóng cửa luôn".
Cách đó không xa là cửa tiệm kinh doanh photocopy, in ấn và văn phòng phẩm của anh Sơn. Cơ sở này cũng phải đóng cửa vì đường xấu. Anh Sơn giờ chỉ còn biết “chờ đợi nước rút” từng ngày để mở lại cửa hàng bởi chi phí thuê mặt bằng không hề nhỏ.
Hiện, đời sống dân sinh trên địa bàn quanh những con đường này của người dân hết sức khốn khổ, từ hoạt động thương mại khó khăn, ế ẩm cho đến việc di chuyển đi lại hàng ngày bế tắc. Thương cảm nhất là những khi trời mưa, cảnh phụ huynh cùng các cháu bé đi học về phải "ngụp lặn", "bơi lội" trong dòng nước đen ngòm để về nhà. Có những lần, nguyên cả xe lẫn người trong áo mưa ngã xuống đường.
Công nhân tan ca càng chịu khổ hơn khi trong tình trạng người luôn bị ướt... Hàng ngày, họ phải đi làm sớm để đề phòng tắc đường, muộn giờ làm, nhiều người không giám tăng ca vì sợ về muộn, không an toàn và không đủ sức đi làm.
Ông Tôn Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn cho biết: “Phường đã nắm rõ về hiện trạng những con đường xuống cấp trên địa bàn, cũng hiểu và thấu rõ những bức xúc của người dân phản ánh. Tình trạng đường bị ngập và ngập kéo dài kể cả khi trời không mưa là do hệ thống cống thoát nước hoạt động kém, không hiệu quả. Để khắc phục tình trạng xuống cấp, phòng quản lý đô thị thị xã Thuận An cùng phường Bình Chuẩn cũng đã nhiều lần tiến hành dặm vá ổ voi, ổ gà trên đường".
Trong khi đó, đại diện UBND thị xã Thuận An cho biết, tình trạng đường xuống cấp nghiêm trọng như trên là do thiếu kinh phí và có dự án đang triển khai thì bị thu hồi vì không khả thi. Thị xã cũng đã triển khai nhiều biện pháp như đổ cát sỏi, chắp vá mặt đường nhưng đây chỉ là những biện pháp tạm thời. Thị xã đã lập phương án và hồ sơ trình lên tỉnh để xin thi công làm lại những con đường này.