Đặng Thành Phát (37 tuổi, quê Long An) chia sẻ với Dân trí, nghề giăng câu bắt cá ngát không khó, tuy nhiên mình phải có kinh nghiệm mới câu được nhiều cá. Thường cá ngát là loài ăn tạp, thích sống những nơi sâu, nước xoáy và có nhiều gốc cây, hang đá hoặc rọ đá.
“Cá ngát khoét hang sâu đến 2-3m dưới vực sông sâu. Thậm chí, chúng còn khoét hang quanh những bụi cây đước, cây mắm bị sạt lở nên khó bắt lắm”, anh Phát chia sẻ.
Theo anh Phát, cá ngát thường săn mồi vào thời điểm rạng sáng, lúc con nước lớn. Tầm khoảng 23h đêm, sau khi móc mồi vào 2 thùng dây câu dài cả cây số, anh Phát lên chiếc vỏ lãi nổ máy nhắm thẳng đến đoạn sông nghi có nhiều cá ngát rồi bắt đầu công việc thả câu. Công việc thả câu kéo dài khoảng 1 giờ thì kết thúc.
Cá ngát thuộc họ cá trê, do vậy, loài cá này có hình dạng giống cá trê, đuôi dẹp, da trơn. Đây là loại cá sông ăn rất ngon nhưng cũng là loài cá có nọc độc rất mạnh, có thể gây tử vong ở người.
Theo anh Phát, những con cá ngát tuy nhỏ nhưng rất nguy hiểm vì chúng quẫy rất mạnh, phải khéo léo để chế ngự được chúng. Ở hai bên mang của cá ngát có hai ngạnh cứng và nhọn. Nọc độc của cá ngát rất độc và tập trung nhiều ở những đầu ngạnh này. Do vậy, ngay sau khi câu được cá, phải dùng kìm khéo léo đưa vào để bẻ các ngạnh cá. Thành quả sau một đêm giăng câu là 13kg cá ngát, thu về hơn 1 triệu đồng.
Theo Vov.vn thông tin, ông Nguyễn Văn Sang (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết: "Cá ngát là loài có gai nhọn, có nọc độc, khi bị nó đâm rất nhức, có người bị đâm rồi bị hành mấy ngày liền không hết. Nếu người không quen chắc chắn sẽ không dám gỡ cá. Khi cầm con cá trên tay phải có “thế”, cố định đầu cá để không bị nó đâm”.
Cá ngát là thực phẩm tốt cho sức khỏe vì rất giàu chất dinh dưỡng như canxi, sắt, các loại vitamin B1, B2, omega-3,... Từ cá ngát có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như cháo cá ngát cốt dừa, cá ngát kho tộ, cá ngát xào lăn, canh chua cá ngát...
Phong Linh (tổng hợp)