Không thể vì 8 ngôi nhà mà thành "làng khổ"
Sau những động thái được đánh giá là tích cực của UBND TP.HN và thị xã Sơn Tây trước bức xúc của bà con làng cổ Đường Lâm khi viết đơn xin trả lại di tích, ngỡ rằng mọi việc đã tạm thời được giải quyết. Một số cuộc họp được diễn ra và cuộc họp gần đây nhất diễn ra ngày 20/6/2013 do ông Hà Văn Đông, phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chủ trì đã đưa ra 3 phương án giãn dân. Tuy nhiên, sự bức xúc của người dân sinh sống ở đây chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Ngày 25/9 vừa qua, người dân ở đây lại tiếp tục làm đơn xin trả lại danh hiệu làng cổ lần thứ hai.
Những ngôi nhà nứt toác, xuống cấp không hiếm gặp ở làng cổ.
Theo đơn kiến nghị xin trả lại danh hiệu "Làng cổ Đường Lâm" lần thứ hai, vấn đề mà người dân bức xúc nhất là việc xây dựng và thu vé tham quan làng cổ. Tổng số chữ ký trong lá đơn mà chúng tôi tiếp cận được là 205 chữ ký. Bà Hà Thị Khanh, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm phân trần: "Cả làng cổ mới chỉ có 8 ngôi nhà được tài trợ kinh phí và sự hỗ trợ tu bổ của tổ chức JICA (Nhật Bản), còn lại hầu hết đều xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi không có quyền được tự do xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà cửa trên chính mảnh đất của gia đình mình. Không thể vì 8 ngôi nhà được đầu tư gần 10 tỷ đồng để cả làng biến thành "làng khổ" được!".
Tiếp xúc với PV, bà Hà Thị Khanh chỉ cho chúng tôi đống sắt thép là tàn tích còn lại sau khi bị cưỡng chế tháo dỡ tầng 2. Theo bà thì trong tổng số 22 nhà trong xã xây dựng cùng đợt với bà (đều xây nhà 2 tầng) thì chỉ có một mình gia đình bà bị tháo dỡ. Liệt kê số tiền chi phí xây dựng, bà ngậm ngùi xót xa khi 400 triệu đồng đầu tư cho tầng 2 giờ chỉ còn lại đống sắt thép phế phẩm. Căn nhà của gia đình bà giờ mỗi lần mưa gió đều bị ngấm vào loang lổ tường tầng một. Bà Khanh dẫn chúng tôi tham quan một vòng ngôi làng và chỉ một số ngôi nhà cũng hai tầng vẫn nằm kiên cố ngay trong thôn của bà.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi các hộ dân sống tại đây làm đơn trả lại di tích làng cổ Đường Lâm, cơ quan chức năng đã có những hành động nhằm giải quyết một số vấn đề bức xúc của người dân. Hiện nay, cơ bản các khu vực quy hoạch giãn dân đã rõ vị trí. Đất xây dựng trường học cũng đã làm xong mặt bằng. Trong quy hoạch tổng thể làng cổ cũng đã xác định việc làm nhà ở làng cổ sẽ chia thành 4 loại. Trong đó có khu vực một xác định làm nhà một tầng nhưng được xây cao 7,5m và cho làm gác xép… chỗ này người dân chưa đồng thuận nên tiếp tục kiến nghị.
Bà Hà Thị Khanh, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, một trong các hộ dân tiếp tục viết đơn xin trả lại danh hiệu làng cổ Đường Lâm.
Về quê cũng phải mua vé
Không chỉ bức xúc về vấn đề xây dựng nhà ở, người dân tại đây còn tỏ thái độ gay gắt với việc thu phí tham quan. Thậm chí theo trình bày của bà Trịnh Thị Thuần (Đồng Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) con cháu bà về thăm người ốm, về thăm quê, đi lễ chùa Mía cũng phải mua vé!
Những thắc mắc về việc 40 người thân của gia đình bà phải mua vé vào dịp tháng 3, tháng 4 vừa qua dù được Ban quản lý di tích hứa hẹn trả lại tiền nhưng theo bà Thuần thì đến nay sau 5 tháng vẫn chưa được giải quyết. "Đặc biệt người dân làng chúng tôi còn bị mang tiếng khi vừa qua rất nhiều người cao tuổi từ nơi khác đi lễ chùa Mía nhưng ban quản lý vẫn bán vé 20.000 đồng/lượt" vừa nói bà Thuần đưa cho chúng tôi xem hàng chục vé của hội người cao tuổi thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội đều là vé 20.000 đồng/lượt.
Trong khi đó theo quyết HđND, UBND TP.Hà Nội tại Quyết định 43, mức thu phí với người lớn là 20.000 đồng/lượt, người già, trẻ em là 10.000 đồng/lượt.
Trong một cuộc trao đổi với PV tại hội thảo về vấn đề làng cổ Đường Lâm diễn ra sau khi người dân viết đơn xin trả lại danh hiệu lần thứ nhất, ông Phạm Hồng Sơn, trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: "Lãnh đạo TP.Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục đầu tư tu bổ những ngôi nhà cổ mà người dân đang sinh sống tại đó. Đặc biệt đầu tư về dân sinh, chúng tôi quyết tâm xây dựng nông thôn mới với đặc thù của Đường Lâm có cả di sản văn hóa quốc gia ở đó. Từng bước mang lại lợi ích cho người dân". Trả lời về bức xúc của người dân cho rằng việc thu vé không được hưởng chút nào nên đòi trả lại di tích. Ông Sơn phân trần: "Trong quá trình bảo tồn ở trên thế giới cũng có trường hợp người dân tại một ngôi làng ở nước Nhật cũng có trả lại di tích. Đó là vấn đề giữa bảo tồn và phát triển.
Về việc thu phí thì TP.Hà Nội để lại 100% để phục vụ công tác thu. Tiền thu phí hiện nay rất ít. Năm 2012 thì tổng phí thu được là 1,4 tỷ đồng. Dự kiến năm nay mức thu chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng đến 1,6 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đang kiến nghị, tham mưu cho thị xã Sơn Tây và TP. Hà Nội để lại cho ban quản lý một phần nhỏ hơn phần hỗ trợ lại cho người dân Đường Lâm để phục vụ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang dịch vụ du lịch".
Trao đổi với PV Người đưa Tin, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng: "Muốn làm bất cứ việc gì thì phải có sự điều hòa lợi ích, lợi ích của đất nước, của địa phương, của nhân dân. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất. Còn trong vấn đề làng cổ Đường Lâm hiện nay, muốn cho người dân ở đây gắn bó, bảo tồn làng cổ thì nó phải mang lại lợi ích cho chính những người dân sinh sống ở trong những ngôi làng đó. Cụ thể vấn đề lợi nhuận trong khai thác làng cổ cũng phải được trao đổi thẳng thắn với người dân, cách ăn chia lợi ích cũng phải công bằng. Đặc biệt, các nhà quản lý, các đơn vị chức năng cũng phải có những giải pháp vĩ mô ví dụ như giãn dân ở làng cổ. Các gia đình giờ đông con nhiều cháu, nhân khẩu tăng, họ cần phải cơi nới và đảm bảo các điều kiện sinh sống cho cả gia đình văn minh hơn như việc giếng nước, nhà vệ sinh... Đó là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và cần phải cảm thông cho những người dân sống ở đây".
Dù vậy người dân ở đây vẫn đang không hài lòng với việc thu phí nhưng người dân trong làng không được lợi ích gì nhưng trong một cuộc trao đổi với PV gần đây ông Phạm Hồng Sơn cho biết đang đề nghị tăng giá vé tham quan làng cổ. "Như chúng ta đã biết, giá trị Đường Lâm về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc…, trong khi đó chúng ta thu phí 1 USD khoảng 20.000 đồng là rất thấp. Chúng tôi đang đề nghị HĐND, UBND TP.Hà Nội cho tăng mức thu phí này để chúng tôi có thể hỗ trợ cho người dân được nhiều hơn", ông Sơn cho biết.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch UBND xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết: "Xã không nắm được cụ thể có bao nhiêu hộ dân ký đơn xin trả lại di tích làng cổ. Đơn thư người dân cũng không gửi qua xã mà chuyển thẳng đi các nơi". |
Mai Giang