Dàn lãnh đạo Navibank bị truy tố không thừa nhận sai phạm

Dàn lãnh đạo Navibank bị truy tố không thừa nhận sai phạm

Võ Công Thư

Võ Công Thư

Thứ 5, 01/03/2018 12:15

10 lãnh đạo, nhân viên của Navibank được xác định tiếp tay cho “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo và bị truy tố cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

10 lãnh đạo Navibank hầu tòa vì tiếp tay cho “siêu lừa” Huyền Như lừa đảo

Phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank) tại TAND TP.HCM đang bước vào phần xét hỏi.

Đây là vụ án được cơ quan CSĐT bộ Công an tách ra từ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Kiểm soát viên, quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM (gọi tắt Vietinbank TP.HCM) giai đoạn 2.

Cáo trạng truy tố các bị can Lê Quang Trí, nguyên Tổng Giám đốc Navibank cùng 3 nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank gồm: Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn.

6 bị can còn lại gồm: Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát, Trần Thanh Bình, Đinh Thị Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Oanh, Phạm Thị Thu Hiền đều là nguyên Trưởng các phòng ban thuộc ngân hàng Navibank.

Cả 10 bị can thuộc Navibank bị truy tố về cùng tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Do được xác định là có liên quan đến phiên tòa này nên 2 bị án Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè, TP.HCM) đều được trích xuất đến tòa với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Phiên tòa “nóng” lên ngay từ phần thủ tục, khi nhiều luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung vì hàng loạt vấn đề mâu thuẫn, triệu tập điều tra viên, triệu tập kiểm sát viên VKSND Tối cao giám sát vụ án...

Ngoài ra, đại diện ngân hàng Quốc Dân (năm 2014, Navibank được đổi tên thành ngân hàng TMCP Quốc Dân –NCB) cũng trình bày rằng bộ Công an chưa có bất kỳ buổi lấy lời khai nào đối với ngân hàng này.

Về các nội dung trên, HĐXX xét thấy các yêu cầu của luật sư đều phải được xem xét, quyết định vào diễn biến của phiên tòa qua phần xét hỏi, tranh luận công khai. Nếu có vấn đề nào chưa làm rõ, cần triệu tập thêm ai thì HĐXX sẽ áp dụng các biện pháp tư pháp để triệu tập những người liên quan đến tòa.

Về việc NCB chưa được bộ Công an mời lấy lời khai, HĐXX cho rằng, căn cứ vào bút lục số 3202 trong hồ sơ vụ án, chứng minh NCB cho rằng chưa được cơ quan CSĐT bộ Công an mời làm việc liên quan đến vụ án này là không đúng. Bởi, qua biên bản ghi lời khai vào lúc 10h05 ngày 24/7/2015 của cơ quan CSĐT bộ Công an, ông Đặng Quang Minh, đại diện NCB đã ký tên và đóng dấu trong biên bản ghi lời khai này.

Hồ sơ điều tra - Dàn lãnh đạo Navibank bị truy tố không thừa nhận sai phạm

10 bị cáo là lãnh đạo, nhân viên Navibank tại tòa.

Đồng loạt kêu oan vì không tiếp tay cho Huyền Như, không hề tư lợi

Được xác định là người môi giới giữa Huyền Như với Navibank trước khi các hợp đồng tiền gửi giữa các nhân viên của Navibank với Vietinbank được thực hiện, bị cáo Đoàn Đăng Luật cho biết, bản thân không thỏa thuận, không đề xuất lãi suất với Võ Anh Tuấn và Huyền Như như cáo trạng nêu, mà chỉ là người tiếp nhận thông tin về việc VietinBank chi nhánh Nhà Bè có nhu cầu huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức cũng như lãi suất từ VietinBank đưa ra.

Sau đó Luật chuyển thông tin này cho phòng Tín dụng để họ trình lãnh đạo. Khi được cấp có thẩm quyền chấp nhận, Luật báo lại với Tuấn.

Bị cáo Luật khai rằng, sau khi cho Vietinbank vay, lãi ngoài được Trần Thị Tố Quyên (người giúp việc cho Như) mang sang đưa cho Luật. Sau đó, Luật đem về Hội sở giao cho Navibank cất giữ.

Luật không biết số tiền cụ thể mà Navibank được hưởng từ lãi ngoài các khoản gửi tại Vietinbank là bao nhiêu cho đến khi vụ án xảy ra. Luật cũng khai không biết việc Navibank chi tiền cho nhân viên đi gửi ở ngân hàng khác để lấy lãi suất chênh lệch có đúng luật không, vì không thuộc nghiệp vụ của Luật.

Cũng theo bị cáo Luật, cáo trạng quy kết Luật bị Huyền Như dẫn dụ là không chính xác. Bởi, Luật chưa làm việc với Huyền Như mà chỉ làm việc, trao đổi thông tin qua lại với Tuấn.

“Bị cáo và tất cả các nhân viên đứng tên trên các hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank không hề tư lợi cá nhân một đồng nào cả. Thời điểm đó Navibank vô cùng khó khăn, nên bị cáo và các đồng nghiệp làm là vì ngân hàng”, bị cáo Luật trình bày.

Cũng như bị cáo Luật, bị cáo Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank) khi được xét hỏi cũng kêu oan. Bị cáo Trí thừa nhận một số sai sót trong điều hành nhưng hoàn toàn không phải là hành vi cố ý và không để lại hậu quả. Navibank đã cấp tín dụng 1.543 tỷ đồng cho 14 nhân viên của ngân hàng này vay tiền với mục đích tiêu dùng và sau đó gửi vào Vietinbank lấy lãi suất chênh lệch. Tài sản bảo lãnh cho khoản vay này là hợp đồng tiền gửi của họ tại Vietinbank.

Bị cáo Trí cho rằng, luật các Tổ chức tín dụng không có điều khoản nào cấm nhân viên ngân hàng vay tiền chính ngân hàng của mình rồi đem gửi tổ chức tín dụng khác. Các khoản vay của nhân viên Navibank được đảm bảo bằng hợp đồng tiền gửi tại VietinBank nên việc xét duyệt cho các nhân viên của ngân hàng mình vay tiền đem gửi tại ngân hàng khác hưởng chênh lệch là hợp lệ. Tuy nhiên, bị cáo Trí cũng thừa nhận, các bị cáo đã chấp thuận cho các nhân viên ngân hàng vay trước khi có tài sản đảm bảo.

Cũng tại tòa, nhiều bị cáo khác khi được gọi xét hỏi đều kêu oan, bởi không thống nhất chủ trương, không tham gia vào việc thực hiện chủ trương và không được hưởng lợi từ các khoản tiền lãi ngoài mà phía Navibank có được từ các hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank.

Tiếp tục cập nhật…

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.