Bước đệm từ sàn chứng khoán
Đầu tháng 9/2019, hơn 100 triệu cổ phiếu KOS của CTCP Kosy "chuyển nhà" từ sàn UpCOM sang sàn HoSE. Việc niêm yết chứng khoán đã được lãnh đạo Kosy đề cập từ khá lâu, với ý định ban đầu là lên sàn HNX - nơi có các tiêu chuẩn niêm yết thấp hơn.
Việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên HoSE là một trong những dấu hiệu phản ánh tham vọng của Kosy Group. Không hề giấu giếm, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nguyễn Việt Cường khẳng định việc niêm yết trên sàn HoSE sẽ là bước đệm quan trọng, giúp Kosy tiếp cận nguồn vốn khổng lồ trên sàn chứng khoán để triển khai các dự án lớn của mình.
Kosy được Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường thành lập năm 2008, và chỉ mất 11 năm để trở thành một cái tên đáng chú ý trong làng địa ốc phía Bắc, với chiến lược đầu tư bất động sản ở các địa phương. Khởi đầu là dự án Kosy Moutain View quy mô 38ha ở TP. Lào Cai, và hiện đang đồng thời phát triển 4 dự án khác ở Thái Nguyên và Bắc Giang là Kosy Sông Công, Kosy Gia Sàng ở Thái Nguyên, Kosy Cầu Gồ, Kosy Bắc Giang ở Bắc Giang với diện tích hàng chục ha, tổng mức đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng.
Trả lời báo chí, Chủ tịch Nguyễn Việt Cường cho biết Kosy đang khởi công nhiều dự án quy mô lớn khác tại Hà Nội (23,3 ha), Lào Cai (hàng trăm ha), Phú Thọ (83 ha), Long An (183 ha), Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bến Tre,...
Bên cạnh bất động sản, Kosy xác định một lĩnh vực cốt lõi khác là năng lượng. Tháng 10/2018, tập đoàn đã khởi công dự án Thuỷ điện Nậm Pạc 1.100 tỷ đồng, công suất 34MW tại Lai Châu, mục tiêu tháng 12/2020 sẽ phát điện. Kosy cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án thuỷ điện mới tại Lai Châu và đến năm 2025 có 200MW phát điện, mang về doanh thu 1.500 tỷ đồng mỗi năm. Trong lĩnh vực điện gió, Kosy hồi giữa năm đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bạc Liêu đầu tư nhà máy điện gió trị giá 10.000 tỷ đồng, công suất 400 MW, và sẽ triển khai tiếp nhà máy tương tự công suất 200MW tại Cà Mau.
"Khi các dự án bất động sản và năng lượng tái tạo mới đi vào triển khai, chúng tôi tự tin khoảng 5 năm nữa, doanh thu của Kosy sẽ đạt trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm và 5 năm tiếp theo con số này sẽ tăng gấp 2-3 lần", ông Nguyễn Việt Cường chia sẻ.
Viễn cảnh tươi sáng của Kosy được Chủ tịch Nguyễn Việt Cường không ít lần trực tiếp chia sẻ với giới truyền thông, trong bối cảnh Kosy rậm rịch niêm yết trên HoSE. Việc tích cực xuất hiện qua các kênh thông tin cùng kế hoạch đầy tham vọng của mình khiến giới đầu tư không khỏi tư duy rằng Kosy đang rất khát vốn và xác định thị trường chứng khoán sẽ là trọng tâm hút vốn trong thời gian tới.
Mệnh đề này không phải là không có cơ sở, khi tới cuối tháng 6/2019 vừa qua, tổng tài sản của Kosy mới đạt hơn 1.700 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng, mà chất lượng của nguồn vốn cũng như tài sản của Kosy tới nay vẫn là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ câu trả lời.
5 năm qua, Kosy đã thực hiện 5 đợt tăng vốn, chủ yếu là phát hành cho cổ đông hiện hữu, vốn không được đánh giá cao về tính minh bạch, trong đó có đợt phát hành 62 triệu cổ phần năm ngoái.
“Gia đình trị” tập đoàn nghìn tỷ?
Trước khi lên sàn UpCOM (cuối năm 2017), ông Nguyễn Việt Cường và người thân nắm tới 93% cổ phần Kosy, trong đó bản thân Chủ tịch HĐQT chiếm tới 61,05% vốn. Sau khi trở thành công ty đại chúng, ông Cường và người nhà đã tích cực giảm đáng kể tỷ lệ này, hiện vào khoảng hơn 68%, dù vậy vẫn là tỷ lệ rất cao khi so sánh với các doanh nghiệp niêm yết khác trên HoSE. Đó là chưa đề cập đến vấn đề chủ mới của mấy chục phần trăm cổ phần đã chuyển nhượng liệu có phải những nhà đầu tư đích thực.
Sự chi phối của gia đình Chủ tịch HĐQT còn thể hiện rõ qua việc gia đình ông Cường nắm hầu hết các chức danh quản trị và điều hành trong Kosy. Ngoài ông Cường là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, vợ ông (bà Nguyễn Thị Hằng) là Phó Chủ tịch HĐQT, em gái ông - bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Uỷ viên HĐQT kiêm Phó TGĐ, bố vợ ông - ông Nguyễn Ngọc Sáu là Uỷ viên HĐQT...
Cơ cấu sở hữu mang màu sắc gia đình là bước cản lớn nhất với mục tiêu huy động vốn trên thị trường chứng khoán của Kosy, khi nhà đầu tư không khỏi lo ngại về tính minh bạch trong hoạt động và quản trị điều hành của doanh nghiệp này. Một ví dụ nhỏ, tới cuối tháng 6/2019, BCTC soát xét thể hiện Kosy đang có khoản phải thu hơn 550 tỷ đồng, tức là tương đương 1/3 tổng tài sản với CTCP Đầu tư và Xây dựng Hạ tầng Thủ đô và CTCP KPT Việt Nam - là những pháp nhân có mối quan hệ thân thiết với dàn lãnh đạo của Kosy.
Kosy đang đánh vào một thị trường rất tiềm năng là bất động sản tại các tỉnh lẻ, với sản phẩm chính là đất nền có tính thanh khoản cao, nguồn cầu tốt. Dù vậy, việc triển khai cùng lúc nhiều dự án, kể cả các dự án năng lượng sẽ tiêu tốn của Kosy rất nhiều nguồn lực.
Bên cạnh khó lòng tránh sử dụng đòn bẩy tài chính, Chủ tịch Nguyễn Việt Cường đang đứng trước một bài toán không dễ có lời giải, là có chấp nhận thật sự giảm tỷ lệ sở hữu để chào đón các nhà đầu tư lớn khác, với mục tiêu minh bạch hoá quản trị, hoạt động hay không. Nếu không giải được bài toán nguồn vốn, tham vọng tỷ đô của Kosy Group cùng Chủ tịch Nguyễn Việt Cường theo đó khó lòng thành hiện thực.