Dân mạng hô hào lập hội chuyển nhượng sổ tiết kiệm kiếm lời

Dân mạng hô hào lập hội chuyển nhượng sổ tiết kiệm kiếm lời

Thứ 2, 16/09/2013 13:52

Thời gian gần đây, dư luận trên cả nước cảm thấy bất ngờ khi nhiều người rao bán cả sổ tiết kiệm ngân hàng. Thậm chí, trên các diễn đàn mạng, người ta còn lập cả hội mua bán sổ tiết kiệm để kiếm lời. Theo họ, việc chuyển nhượng sổ sẽ tránh bị tính lãi không kỳ hạn và cả hai bên đều có lợi nhờ lãi suất cao.

Trao đổi với báo PV, nhiều chuyên gia ngành ngân hàng khẳng định, việc mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm không phải việc quá lạ lẫm. Tuy nhiên, khi các giao dịch diễn ra ở ngoài ngân hàng, người mua sẽ đối diện với không ít rủi ro.

Nhộn nhịp "chợ" mua bán sổ tiết kiệm

Theo lời quảng cáo của một thành viên 1977cd5 trên trang diễn đàn oto... đang rao bán bốn cuốn sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng/sổ kỳ hạn 12 tháng để hưởng mức lãi suất thực đã gửi. "Trước tiên em xin nhờ MOD vì loại "hàng hóa" này hơi tế nhị nên xin phép không tiết lộ ảnh và số điện thoại. Em chỉ xin đăng tin này đúng bốn ngày. Bởi vì, bốn hôm nữa em cũng phải giao tiền nên ai muốn chuyển nhượng cũng chịu", thành viên này giới thiệu. Được biết, người này có bốn cuốn sổ tiết kiệm gửi từ cuối tháng 12/2012 và đầu năm 2013. Đây là những cuốn sổ có mức lãi suất 11%-12%.

Hình thức chuyển nhượng rất đơn giản, người bán sẽ nhận gốc và lãi tính từ ngày gửi đến ngày chuyển nhượng theo lãi suất trên sổ (tiền mặt) và chịu phí sang tên chuyển nhượng và các thủ tục. Tất cả các giao dịch đều thực hiện ở ngân hàng. Ngay sau khi bốn cuốn sổ được rao bán, hàng nghìn thành viên đã vào bình luận. Tất cả đều khẳng định, mức lãi suất 12% là khá hấp dẫn. Tuy nhiên, thời điểm hoàn tất sổ kéo dài đến tận năm 2014 nên cũng không ít người cảm thấy lo ngại. Chính vì thế, việc "đầu tư" lấy lãi chỉ  dành cho những đối tượng có tài chính ổn định.

Tiêu dùng & Dư luận - Dân mạng hô hào lập hội chuyển nhượng sổ tiết kiệm kiếm lời

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Từ năm 2010, trên mạng internet, nhiều người đã nói đến cách kiếm tiền từ công việc làm ăn này. Tuy nhiên, cũng chỉ nổi lên được một thời gian, người dân không mặn mà lắm với cách "đầu tư" dài hạn. Đặc biệt, trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều người cần tiền để đầu tư trực tiếp. Trước đó, trên diễn đàn lamchame... một số thành viên đã lập hội mua bán sổ tiết kiệm. "Chào các bố mẹ. Em thấy bây giờ chuyện chúng ta gửi tiết kiệm nhưng có việc phải rút ra sớm, hoặc có số tiền rỗi rãi trong thời gian ngắn không muốn đầu tư vì sợ rủi ro là rất nhiều. Vậy tại sao chúng ta không lập một mục riêng cho khoản này nhỉ. Em có sổ tiết kiệm 100 triệu đồng thời hạn 1 năm, lãi suất là 11%/năm. Giờ chỉ còn 3 tuần nữa là hết hạn nhưng em lại cần tiền ngay. Dù rút trước hạn hay cầm cố để vay thì em đều bị thiệt một phần lãi.

Trong khi đó, mẹ A có 100 triệu đồng, khoảng 3 tuần nữa phải dùng tới, nếu gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp (thường thì thời hạn càng dài, lãi càng cao mà). Nếu có diễn đàn thì em và mẹ A có thể tìm đến nhau và trao đổi. Em chuyển sổ cho mẹ A để lấy tiền mặt. Em được hưởng lãi suất không có gì thay đổi, vẫn 11%/năm, còn mẹ A được lãi suất cao hơn gửi tuần thông thường”. thành viên nickname L.a.nj hô hào mọi người tham gia.

Cũng theo người này, những phương thức như vậy không chỉ áp dụng được trong việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm. Trong trường hợp mua nhà thế chấp mà khách hàng không có khả năng trả nợ, nếu ngân hàng tịch thu thì coi như mất trắng. Lúc này, việc mua nhà trả góp sẽ được chuyển nhượng giống như sổ tiết kiệm. Một người đứng ra trả nợ ngân hàng cho người đăng ký "chính chủ" sau này sẽ mua luôn căn nhà. Thứ nhất, người bán ngôi nhà có thể bán được giá cao hơn giá của ngân hàng tịch thu. Thứ hai, người mua cũng có thể mua được những ngôi nhà với giá thấp hơn giá thị trường.

Được biết, hiện nay, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước phổ biến với không kỳ hạn từ 1-1,2%/năm, kỳ hạn từ 1tháng đến dưới 6 tháng 5-6,8%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng7%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5-8%/năm. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất phổ biến không kỳ hạn từ 1,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 6,5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7-8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 8,5-9%/năm. Chính vì việc lãi suất thấp hơn mức lãi suất ở các cuốn sổ tiết kiệm rao bán trên mạng nên nhiều người cũng muốn tham gia chuyển nhượng để kiếm lời.

Tiêu dùng & Dư luận - Dân mạng hô hào lập hội chuyển nhượng sổ tiết kiệm kiếm lời (Hình 2).

Các thành viên mạng rao bán sổ tiết kiệm.

Được ăn cả, ngã về không

Trao đổi với PV, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định: Đây là một cách để chủ nhân của sổ tiết kiệm vớt vát được chút lãi suất rút trước hạn, nếu không họ chỉ nhận được lãi suất không kỳ hạn rất thấp ở dưới 2%/năm. Tuy nhiên, nếu giao dịch chỉ dừng lại ở việc, chủ nhân của sổ tiết kiệm được nhận lại tiền mặt bao gồm gốc và lãi tính từ ngày gửi tới lúc mua bán, còn người mua được chuyển tên sổ tiết kiệm và tiếp tục hưởng lãi suất thì tôi nghĩ hoạt động này sẽ không thu hút được nhiều người. Bởi lẽ, nếu mua bán sổ tiết kiệm, cả hai bên phải được sự đồng ý của ngân hàng và thực hiện một số thủ tục giấy tờ. Nếu lợi ích mà người mua nhận được chỉ là việc tiếp tục hưởng số lãi đó thì không có gì hấp dẫn. Chẳng thà họ dùng số tiền mua lại đó, đi gửi trực tiếp vào ngân hàng, họ vẫn nhận lãi bình thường mà không phải thực hiện chuyện mua bán lằng nhằng. Thế nên, người bán phải chịu thiệt một phần, người mua phải hưởng lợi khoảng 1-2% thì mới có nhiều người muốn mua lại sổ tiết kiệm. Lẽ thường sẽ không ai chịu mua lại theo kiểu hoà vốn mà lại phải thực hiện thêm một số thủ tục giấy tờ.

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Tuý (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Theo quy định, sổ tiết kiệm được chuyển quyền sở hữu dưới các hình thức cho, tặng hoặc chuyển nhượng theo yêu cầu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Số tiền chuyển quyền sở hữu của một sổ tiết kiệm là toàn bộ số dư gốc và lãi chưa lĩnh tính đến ngày chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm đó. Khi chuyển nhượng, các bên phải lập giấy chuyển quyền sở hữu thẻ tiết kiệm theo mẫu quy định của ngân hàng. Chữ ký của người chuyển quyền sở hữu phải đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại điểm giao dịch tiết kiệm nơi gửi tiền. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu tài khoản tiền gửi, người nhận chuyển nhượng chỉ được thực hiện giao dịch tại nơi đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuý, chính vì chuyển nhượng sổ tiết kiệm cũng phải thực hiện một số thủ tục nên việc mua bán lại sổ này chỉ hấp dẫn với những trường hợp, số tiền trao đổi lớn, chủ sổ tiết kiệm chịu hy sinh một phần lãi ngân hàng mình được hưởng cho người mua sổ.                             

Không sang tên sẽ chịu nhiều rủi ro

“Theo ông Ngô Trí Long, chủ nhân sổ tiết kiệm chỉ bán khi họ có nhu cầu về tiền mà lại chưa đến kỳ hạn tất toán. Nếu bán được thì quá lợi cho người bán. Hai bên thoả thuận về mặt dân sự, được ngân hàng đồng ý thì không có vấn đề gì cả. Hiện nay, thu nhập từ lãi suất ngân hàng chưa phải tính thuế, nên việc mua bán này không liên quan gì đến chuyện nộp thuế. "Trường hợp sổ tiết kiệm đó mà không chuyển sang tên người mua thì người mua sẽ phải chịu rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, không ai mua lại sổ tiết kiệm mà lại không được chuyển sang tên mình. Sổ tiết kiệm mua lại chỉ có giá trị nếu được ngân hàng đồng ý. Chính vì thế, không nên chấp nhận việc chuyển nhượng bên ngoài ngân hàng, dù có lập hợp đồng có công chứng", ông Long nhấn mạnh.           

Hồng Dương - Vương Chân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.