Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc bé trai 33 ngày tuổi bị sát hại tại xã Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội). Nghi phạm sau đó được xác định chính là mẹ đẻ của cháu bé.
Những thông tin, hình ảnh của nghi phạm được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi kèm theo sự phẫn nộ.
Bên cạnh đó, theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, có hai giả thiết về nguyên nhân chính dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh, cụ thể là những biến đổi về mặt sinh lý và tâm lý.
1. Sự thay đổi về sinh lý nội tiết gồm các biểu hiện:
+ Sau khi sinh, hiện tượng giảm đột ngột estrogen và progesteron góp phần gây nên giảm lượng chất hóa học trung gian tại não. Hormon tuyến giáp giảm nhanh, gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
+ Liên tục thiếu ngủ có thể dẫn đến sự khó chịu về thể chất và kiệt sức, có thể góp phần vào các triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh.
+ Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa cũng dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc. Trầm cảm dễ xuất hiện hơn ở người con so, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở con rạ.
2. Nhóm nguyên nhân tâm lý bao gồm các biểu hiện:
+ Nhóm này trong y học thường chỉ được coi là yếu tố thúc đẩy trầm cảm sau sinh bao gồm những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian trước sinh: Bệnh tật, hiếm muộn, vấn đề tài chính; thất nghiệp; thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng; mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn với mẹ chồng; thai kỳ không mong muốn; biến chứng thai kỳ (thai lưu, sẩy thai). Những yếu tố tâm lý khác như có thai ngoài ý muốn, đẻ non, mất tự do, lo lắng về ngoại hình và thiếu sự giúp đỡ cũng có thể góp phần gây trầm cảm.
+ Khó khăn trong chăm sóc bé. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.
+ Ngoài ra, có thể do yếu tố di truyền: Trong gia đình có người bị trầm cảm thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, nếu mẹ đã từng bị trầm cảm sau sinh từ lần sinh con trước, thì có đến 50% nguy cơ lặp lại ở kỳ sinh nở lần tiếp theo. Mẹ có tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ thì nguy cơ trầm cảm sau sinh là 25%.
Bà Thu cho biết thêm, những điều này cũng đều dừng lại ở mức giả thuyết và hiện nay chưa ai chứng minh được nguyên nhân chính xác của trầm cảm sau sinh là gì.
TS.BS. Trần Thị Hồng Thu nhấn mạnh, có thể chống được trầm cảm sau sinh, trong đó sự quan tâm của gia đình dành cho những người phụ nữ đang trong giai đoạn sinh nở là yếu tố vô cùng quan trọng.
“Ai cũng cần được chăm sóc về mặt tinh thần, để phát hiện sớm và phòng bệnh mỗi người cần nhận thức được sức khỏe tâm thần cũng quan trọng ngang bằng với sức khỏe thể chất. Người có biểu hiện trầm cảm cần phải đi khám chuyên khoa để có phương pháp điều trị phù hợp”, bà Thu nói.
Xem thêm:
Vụ cháu bé 33 ngày tuổi bị sát hại: Bản án nào dành cho người mẹ?
Vụ cháu bé 33 ngày tuổi bị dìm chết: Công an tiết lộ nghi phạm
Thanh Lam