Sáng 27/12, nhà hát kịch Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1959-2019), và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Buổi lễ quy tụ rất nhiều những nghệ sĩ gạo cội gắn bó với nhà hát kịch Hà Nội 60 như: NSƯT Hoàng Quân Tạo, NSND Hoàng Dũng, Trung Hiếu, Thu Hà, Trần Hạnh, Hoàng Cúc, Công Lý, Lan Hương Bông, NSƯT Minh Vượng, Chu Hùng,…Cùng đó còn có sự góp mặt của nhiều gương mặt trẻ như: NS Thanh Hương, Chí Nhân, Trọng Quỳnh, Hồng Đăng,… Giữa tiết trời lạnh thủ đô, những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt khiến không khí buổi lễ thêm phần ấm cúng.
Phát biểu tại buổi lễ, NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội bày tỏ sự trân trọng về chặng đường phát triển của Nhà hát thời gian qua: “60 năm dấu ấn vàng son đã minh chứng Nhà hát Kịch Hà Nội là một điểm sáng rực rỡ trong nền sân khấu kịch nói nước nhà. Một Nhà hát có phong cách nghệ thuật được đánh giá rất cao bởi những giải thưởng, bằng khen và những danh hiệu cao quý. Một thương hiệu Kịch Hà Nội không thể thay thế, không thể pha trộn. Đó là sự tinh tế, lịch lãm và hào hoa trong diễn xuất, là sự nhạy bén về thời sự, sự sắc sảo về chính trị, đó là sự kiên định về phong cách chính kịch mà Nhà hát Kịch Hà Nội đã xây dựng, gìn giữ và không ngừng phát triển trong suốt những năm qua. Tôi tin rằng, trong tương lai Nhà hát sẽ vẫn luôn giữ vững phong cách nghệ thuật của chính mình, tiếp tục dàn dựng và cống hiến những vở diễn xứng đáng với tầm vóc và vị thế của một Nhà hát Kịch tầm cỡ quốc gia.
Trong giai đoạn phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, các hình thứ giải trí - nghệ thuật vô cùng đa dạng và phong phú, đây sẽ là giai đoạn thử thách mới đầy cam go không chỉ dành riêng cho Nhà hát Kịch Hà Nội, mà còn cho tất cả các đơn vị nghệ thuật khác trong cả nước. Nhà hát kịch Hà Nội cũng đã có những sự chuyển mình và chuẩn bị cho giai đoạn 4.0".
Dưới khán phòng, tiếng vỗ tay vang lên khi NSƯT Hoàng Quân Tạo – Nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội giai đoạn 1993-1999 bước lên sân khấu. Bước sang tuổi 90, dù chân chậm, tay run, nhưng gương mặt ông vẫn rạng ngời hạnh phúc khi nhớ lại một thời đã qua gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội: “Nhân dịp 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi vô cùng xúc động, trong tôi như có một cuốn phim quay chậm trở lại những ngày đầu mới thành lập. Khi đó tôi là một trong ba người sáng lập ra buch nói của Hà Nội, từ đội kịch – đoàn kịch – nhà hát kịch như ngày hôm nay, từ chỉ có mười mấy diễn viên, đến nay đã có hơn một trăm cán bộ, diễn viên, nghệ sĩ. Đấy là một sự trưởng thành rất lớn. Tôi chỉ mong, Nhà hát Kịch Hà Nội vốn đã có truyền thống 60 năm, sắp tới sẽ có thêm nhiều thành tựu lớn, có nhiều vở diễn lớn và nổi tiếng để xứng danh với những thành tích huy hoàng”.
40 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Hoàng Dũng không giấu được xúc động: “Kịch Hà Nội là ngôi nhà của tôi, tình yêu của tôi. Bất cứ lúc nào nào ngôi nhà, thì tôi luôn sẵn sàng đáp lại tình yêu này. Tôi chỉ mong càng ngày Nhà hát càng phát triển, và các thế hệ của các em, các cháu, các con sẽ tiếp bước các nghệ sĩ đàn anh làm rạng danh Nhà hát Kịch Hà Nội”.
Đại diện cho thế hệ nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Kịch Hà Nội, nghệ sĩ Thanh Hương không giấu được cảm xúc hồi hộp, nghẹn ngào. “Khi chúng ta được là một thành viên của Nhà hát Kịch Hà Nội, đó là sự may mắn, tự hào, hãnh diện vô cùng. Tôi nhớ tới lời một bài hát “Em ơi! Có biết bao nhiêu 60 năm cuộc đời. Và tôi mong rằng, mình sẽ có nhiều hơn 60 năm cuộc đời để cống hiến cho Nhà hát Kịch Hà Nội”, Thanh Hương bật khóc xúc động.
Tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, Nhà hát Kịch Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Nhà hát cũng có 5 nghệ sĩ đã vinh dự được phong tặng NSND, NSƯT, gồm: NSND Trần Ngọc Hạnh, NSND Công Lý, NSND Thu Hà, NSƯT Tiến Minh, NSƯT Phú Thăng.
Nhà hát Kịch có tiền thân là một đội kịch thuộc Đoàn văn công Nhân Dân Hà Nội được thành lập từ năm 1959. Trải qua nhiều biến cố lịch sử của Thủ đô Hà Nội và cả nước, đội kịch nói không ngừng nỗ lực sáng tạo nghệ thuật, từ những vở kịch ngắn đến những tác phẩm chính kịch đã xây dựng nền móng đầu tiên của Thương hiệu Kịch Hà Nội.
Năm 1965, Đội kịch nói đã tách khỏi Đoàn Văn Công Nhân Dân Hà Nội và hoạt động độc lập. Năm 1993, Đoàn Kịch nói Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội quyết định chuyển thành Nhà hát Kịch Hà Nội. Với sự nỗ lực và các thành tích nghệ thuật vượt bậc về biểu diễn cũng như sự phát triển tổ chức bộ máy, nhân sự, đến năm 2005, Nhà Hát đã được UBND Thành phố Hà Nội quyết định nâng hạng thành Nhà Hát hạng I. Năm 2009, Đoàn kịch nói Hà Tây chính thức sát nhập với Nhà hát Kịch Hà Nội, trở thành Nhà hát Kịch Hà Nội trực thuộc Sở VHTT&DL Hà Nội. Nhà hát là một đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động biểu diễn nghệ thuật kịch nói; Có trụ sở tại Rạp Công Nhân - số 42 phố Tràng Tiền và Rạp Tạ Hiền – số 8 Tạ Hiền, Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Nhà hát Kịch Hà Nội tự hào là “thánh đường” nghệ thuật với nhiều tinh hoa hội tụ. 60 năm qua, Nhà hát đã tạo ra những thế hệ nghệ sĩ lừng danh mà tài năng của họ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng – đó là một thế hệ vàng của sân khấu kịch nói, với những tên tuổi lừng lẫy: NSƯT Hoàng Quân Tạo, NSND Hoàng Dũng, Trung Hiếu, Thu Hà, Trần Hạnh, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Công Lý, Lan Hương Bông, NSƯT Minh Vượng, Chu Hùng, Phú Thăng, Trần Đức, Tiến Hợi, Minh Trang,…
Cũng trong chặng đường 60 năm, Nhà hát Kịch Hà Nội có nhiều tác phẩm kịch nói để lại dấu ấn sâu đậm, trong đó có: Lam Sơn tụ nghĩa, Đêm tháng 7, Bức tranh mùa gặt, Tôi và chúng ta, Lũy hoa, Cát bụi, Điệp khúc vi-rút, Bỉ vỏ, Vùng lạnh,... Nhà hát đã dàn dựng, biểu diễn trên 200 vở diễn, trong đó có 100 vở diễn lớn, biểu diễn phục vụ nhân dân cả nước và cộng động người Việt Nam ở nước ngoài hơn 9.000 buổi với trên 4,5 triệu lượt người xem. Nhiều tác phẩm được trình diễn bởi các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.
Một số hình ảnh đầy xúc động của các nghệ sĩ tại lễ kỷ niệm này: