Mới đây, UBND TP.HCM vừa giao Công an TP chủ trì phối hợp với một số ban ngành xây dựng dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe máy cũ, xe ba bánh hoạt động để kiến nghị Chính phủ xem xét. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, nước ta hiện nay có hơn 34 triệu xe máy, trong đó, phần lớn những xe gắn máy cũ là phương tiện đi lại, kiếm sống của hầu hết người dân nghèo. Việc đề xuất cấm xe máy cũ hoạt động đang gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho dân nghèo.
Dù có nhiều nguy cơ mất an toàn nhưng xe máy cũ vẫn là phương tiện làm ăn chính của nhiều người nghèo
Cấm người nghèo mưu sinh?
Trong ngày đầu tiên ngay sau khi dự thảo về quy chế lưu hành và niên hạn cho xe máy cũ được đưa ra, rất nhiều người dân mà phần đông trong số đó là tài xế xe ôm, những người chở hàng thuê đều có chung ý kiến: "Cấm vậy khác gì cấm chúng tôi mưu sinh, kiếm sống". Trên thực tế, không khó để bắt gặp hình ảnh những người dân nghèo chạy xe gắn máy cũ vận chuyển chở hàng hóa hay những cụ già hành nghề chở hàng thuê trên những chiếc xe máy đã quá tồi tàn, cũ kĩ. Nhiều người còn phải chế thêm khung, ghế ở đằng sau xe sao cho có thể đặt được thật nhiều hàng hóa. Nhiều người đi đường nhìn thấy tỏ vẻ ái ngại với những chiếc xe quá khổ, chở hàng cồng kềnh ấy nhưng cũng có người lại thể hiện sự đồng cảm nhất định. Đó là quan điểm, cách nhìn nhận của mỗi người, nhưng với người lao động, đó là miếng cơm, manh áo hàng ngày cho cả gia đình họ.
Hiện, trên các tuyến phố lớn của TP.HCM, TP.Hà Nội vẫn còn xuất hiện những xe ba gác đỗ bên vệ đường chờ khách gọi hoặc đang bốc hàng. Những công việc cần chở hàng nếu di chuyển nhiều thì người dân vẫn ưa thích xe ba gác tự chế nhất. Những chiếc xe này chủ yếu chở đá lạnh cho các quán ăn, nhà hàng và chở đồ cồng kềnh từ bến xe đi khắp nơi. Trước đề xuất cấm xe máy cũ, nhiều người dân cho rằng, việc chúng ta có nhiều mô tô, xe máy không phải là sai lầm, nó chính là kết quả tất yếu của một nước nghèo trong thời kỳ quá độ. Trước đây, ở cuối thập niên 80, xe máy là một tài sản có giá trị đối với một gia đình. Người ta mua nó đôi khi không chỉ vì nhu cầu đi lại. Khi đất nước đổi mới, đời sống người dân tăng lên, nhu cầu về phương tiện đi lại cũng tăng theo, nhưng khi đó người ta không thể mơ về một chiếc ô tô, vậy thì phương án tối ưu là xe máy và đó là lựa chọn duy nhất. "Chính ý thức và việc lộn xộn trong tham gia giao thông là nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường, ách tắc đường thêm trầm trọng chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự hoạt động của xe máy cũ, xe ba bánh", một người dân bày tỏ quan điểm.
Trò chuyện với PV Người đưa tin, anh Nguyễn Công Dũng làm nghề chở hàng thuê tại khu vực Chợ Lớn (P.2, Q.6, TP.HCM) cho biết: "Tôi làm nghề chở hàng thuê đã mười mấy năm nay. Công cụ lao động chủ yếu phụ thuộc vào chiếc xe máy cũ này. Nếu như Nhà nước cấm sử dụng xe máy cũ thì tôi cũng không biết làm thế nào. Bây giờ, mua một chiếc xe máy cũ cũng vào khoảng trên chục triệu đồng, với công việc chở hàng thuê thì ngoài tiền nuôi vợ con, số dư để ra thì phải mất cả năm mới đủ mua một chiếc xe mới. Với lại, chiếc xe Honda Cup của tôi đã chạy mười mấy năm hiện giờ vẫn sử dụng rất tốt, không có vấn đề gì, nếu như bỏ đi thì tôi thấy phí quá".
Còn ông Nguyễn Văn Bé (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: "Gia đình tôi hiện có 3 người đi làm chủ yếu là đi bằng những chiếc xe máy cũ mua lại. Nếu cấm chúng tôi sử dụng xe máy cũ thay bằng xe máy mới thì với điều kiện như gia đình tôi hiện nay làm sao mua nổi một lúc 3 cái xe máy mới. Từ chỗ ở đến chỗ làm khá xa, nếu như không có phương tiện đi lại thì làm sao chúng tôi đi làm được".
Khi hỏi về việc tới đây sẽ cấm triệt để những loại xe ba gác hoạt động, bác Lê Văn Quang (47 tuổi, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Tôi lên Hà Nội chạy xe cũng được gần chục năm rồi. Trước, tôi chạy xe ôm, mấy năm nay mới mua được xe ba gác để chở hàng cho thuận tiện. Bây giờ, nếu như cấm hẳn thì xe này tôi biết làm gì bây giờ, bán thì không ai mua mà chở hàng thuê thì bị bắt. Mà nói đúng, chiếc xe là “cần câu cơm” cho cả gia đình tôi, già như tôi cũng chẳng làm được những việc nặng nhọc khác mà kiếm sống nữa".
Đồng cảm với cái khó của rất nhiều phường khi tạm thu những chiếc xe ba gác, ông Hà Minh Tuấn, phó Công an phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Cái khó của chúng tôi là không có địa điểm để tạm giữ chờ xử lý những loại xe cồng kềnh này. Khi chúng tôi xử lý thì chủ xe một là tỏ thái độ chống đối hoặc là trình bày hoàn cảnh rằng cả nhà trông chờ vào chiếc xe để kiếm ăn. Nhưng luật đề ra, chúng tôi vẫn phải xử lý. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, họ vẫn tiếp tục chạy xe một cách lén lút".
Kiểm tra tuổi thọ của xe trước khi tịch thu
Trước đề xuất cấm xe cũ của UBND TP.HCM, thượng tá Trần Thanh Trà - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết, lãnh đạo PC67 được giao soạn dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành đối với môtô hai, ba bánh. Hiện, công an TP đang cùng các đơn vị gấp rút hoàn chỉnh các khâu, quy trình để sớm có bản dự thảo. Quan điểm của PC67 là đồng tình và ủng hộ chủ trương này để giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Cũng theo thượng tá Trà, quy định niên hạn sử dụng xe máy có hai vấn đề: Một là xe sử dụng lâu ngày thì các chi tiết trong máy hư hỏng dù được sửa chữa vẫn không đảm bảo an toàn; hai là xe sử dụng lâu ngày sẽ xả khói và tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường. Các cơ quan chức năng khi đưa ra niên hạn sử dụng xe máy cần tính toán thật cụ thể thời hạn sử dụng xe. Sẽ không khó xác định niên hạn sử dụng với loại xe máy mới, với xe máy đời cũ các cơ quan chức năng nên căn cứ số khung hoặc số máy để quy định niên hạn sử dụng xe. Những trường hợp người sử dụng xe máy cũ đã thay đổi động cơ (có số máy mới) hoặc lên đời xe thì cần có quy định niên hạn sử dụng phù hợp với loại xe này. Tuổi thọ quy định một xe máy có thể là 20 năm. Sau thời gian đó người chủ xe nếu muốn tiếp tục được phép lưu hành thì buộc phải mang đăng kiểm (như ôtô) để cơ quan chức năng kiểm tra xem có thể được phép lưu hành tiếp hay không. Nếu còn tốt (do chủ phương tiện ít đi, hay bảo quản kỹ hoặc tân trang tốt) thì cấp phép cho lưu hành có thời hạn (2 hay 3 năm chẳng hạn), sau thời hạn đó phải đến đăng kiểm lại.
"Đối với người nghèo, một chiếc xe máy dù cũ kỹ nhưng là "cần câu cơm" của cả gia đình họ. Có rất nhiều điều liên quan nếu như phương tiện sống của họ bị cấm. Vì thế nên theo tôi, nếu như quyết định trên được ban hành, Nhà nước và các cơ quan cần có chính sách hỗ trợ các gia đình khó khăn để họ thay đổi phương tiện làm ăn, kiếm sống một cách dễ dàng; giống như đã từng hỗ trợ đối với chủ những chiếc xe thô sơ, xích lô, ba gác trước đây vậy", thượng tá Trà nói. Việc đề xuất ban hành niên hạn xe hai bánh, ba bánh là tốt nhưng nhiều ý kiến cho rằng đề xuất áp dụng vào thời điểm này là chưa thích hợp. Nếu như đề xuất này được áp dụng thì nhiều người dân lao động sẽ gặp khó khăn.
Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết. Đối với đô thị hơn 10 triệu dân như TP.HCM, việc tồn tại những chiếc xe máy đã quá cũ hay hết niên hạn sử dụng là điều khó tránh khỏi. Phần lớn những chiếc xe máy cũ này là phương tiện kiếm sống của người dân lao động, nên việc đề xuất cấm sử dụng xe máy cũ lưu thông vào thời điểm hiện nay là rất khó khăn. Việc cấm lưu thông xe máy cũ, xe quá niên hạn là điều nên làm nhưng trước khi thực hiện ta phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng trước khi ra quyết định chính thức. |
Cao Tuân - Thế Quyết