Dân nghèo 'khát' nước sạch, ai lo?

Dân nghèo 'khát' nước sạch, ai lo?

Thứ 3, 27/08/2013 09:58

Ghi nhận của chúng tôi tại các khu vực Bình Trị Đông A (Bình Tân), P. Thạnh Lộc, P.12 (Bình Thạnh), P.Bình Tây, Tân Quý (Tân Phú), Gò Vấp, Hóc Môn…, TP.Hồ Chí Minh, người dân, đa số là dân nghèo phải sống trong điều kiện thiếu nước sạch. Từ nhiều năm nay, vấn nạn "khát nước sạch” vẫn chưa được giải quyết…

Có đường ống nước, vẫn phải chờ

Theo phản ánh của hàng chục hộ dân tại P.12, q.Bình Thạnh, hiện hẻm 170 Bùi Đình Túy người dân vẫn phải chịu cảnh mua nước sạch từ các cơ sở về dùng, trong khi nước máy vẫn chưa đến được với khu dân cư này. Nhiều gia đình nghèo vẫn phải sử dụng nước giếng nhiễm phèn nặng cho hầu hết các nhu cầu.

Theo chị Nguyễn Thị Phương, một người dân sống tại hẻm phản ánh, giá nước sạch người dân phải mua từ 70 – 80.000 đồng/m3, mức chi phí quá cao với một hộ gia đình. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huệ (170/23A Bùi Đình Túy) cũng hàng ngày vẫn phải đi mua nước sạch từ nơi khác về để sử dụng cho các sinh hoạt của gia đình.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện P.12, Bình Thạnh đã kéo được một đường ống nước vào hẻm 170 Trần Đình Túy, thế nhưng bao giờ đường ống mới cấp phát nước cho dân thì còn hết sức mù mờ. Theo giải trình từ phía công ty cấp nước Gia Định thì nguồn kinh phí thực hiện cấp nước sạch cho dân ước tính khoảng 150 triệu đồng, do đó người dân muốn gắn đồng hồ nước sớm thì phải đóng kinh phí. Theo tính toán sơ bộ tại khu vực này thì mức đóng góp sơ bộ trung bình là 7 triệu đồng/hộ, một con số quá lớn đối với các hộ dân nghèo tại đây.

Việt Nam Xanh - Dân nghèo 'khát' nước sạch, ai lo?

Tồn tại tình trạng nơi thiếu nước thì chờ nước máy, chỗ có nước máy thì không sử dụng tại nhiều khu vực của TP.HCM

Đáng chú ý, tình trạng trên không chỉ xảy ra tại Q.Bình Thạnh, hơn 400 hộ dân tại các hẻm 825 Trường Chinh và nhiều tổ dân phố tại KP2 của P.Tây Thạnh (quận Tân Phú) cho đến nay cũng vẫn chưa có nước sạch. Bà Võ Thị Nga, một người dân sống trong khu vực phản ánh, lý do là đường ống nước (khoảng 100m) đã có, nhưng chưa cấp đồng hồ nước cho dân. Các hộ dân đã cùng kiến nghị lên UBND P.Tây Thạnh nhiều lần nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có phản hồi. Cùng trong tình cảnh tương tự là hàng chục hộ dân tại hẻm 73 Đỗ Công Trường, P.Tân Quý (Q.Tân Phú) thời gian qua người dân vẫn phải "tự xoay” để có nước sạch sử dụng.

Cực chẳng đã, một số khu dân cư chưa có đường ống nước sạch kéo về, đã khoan giếng để có nước sinh hoạt, tuy nhiên các giếng tự đào bị nhiễm phèn nặng và người dân vẫn phải gắng gượng để sử dụng trong nhiều năm nay.

Chất lượng nước sạch còn đáng lo

Ngoài đồng hồ nước, một thực trạng khác cũng hết sức lưu tâm là tại nhiều khu vực quận/huyện vùng ven, vùng xa trung tâm phản ánh chất lượng nước "lúc có, lúc không”, buộc người dân phải tính đến các phương án 2, phương án 3,…để có được nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày. Đơn cử như hệ thống cung cấp nước sạch của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco) về huyện Cần Giờ hiện nay vẫn chưa ổn định về chất lượng nguồn nước.

Cụ thể, thời gian qua người dân phản ánh tình trạng một số địa chỉ cung cấp nước chỉ dùng để tắm, giặt, chứ không thể ăn uống, nấu nướng do bị nhiễm mặn, giặt đồ trắng thì hóa thành màu vàng,… Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đấu nối nguồn nước cung cấp cho Cần Giờ từ các đơn vị Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Nhà máy nước Đặng Đoàn Nguyễn,…hiện vẫn chưa thể đấu nối trực tiếp được vào đường ống của Sawaco; Cộng thêm các bất cập về thiết kế, đường kính ống nước và thi công không giống nhau giữa các đơn vị này. Không riêng Cần Giờ, tại khu dân cư Hiệp Ân, P.5, Q.8 hiện sử dụng nước từ công ty TNHH xây dựng thương mại, dịch vụ du lịch Hiệp Ân, tuy nhiên theo người dân phản ánh thì giá nước của công ty đưa ra ở mức cao, trong khi chất lượng nước không bảo đảm vệ sinh.

Ông Kháng, một hộ dân tại khu dân cư P.5 phản ánh nguồn nước của Hiệp Ân còn nhiễm phèn và mùi hôi tanh, thể hiện qua màu vàng khi bơm từ giếng khoan lên. Người dân đã kiến nghị lên chính quyền phường nhưng đến nay vẫn "bặt vô âm tín”.

Qua thực trạng nêu trên có thể thấy nhiều nghịch lý đang tồn tại giữa một đô thị hiện đại nhất nước. Đó là tình trạng, nơi thiếu nước thì chờ nước máy, chỗ có nước máy thì không sử dụng được (do chất lượng kém). Bên cạnh đó, yêu cầu của các đơn vị cấp nước đòi hỏi người dân đóng kinh phí lắp đặt đồng hồ nước là không có cơ sở vì theo Nghị định 117/2007 quy định các đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với khách hàng sử dụng nước, bao gồm cả đồng hồ nước và hoàn toàn miễn phí các khoản này. Những thực tế này cho thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương, cũng như các công ty cấp nước cần phải được làm rõ, cũng như giải trình công khai để giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân trên địa bàn.

Theo Đại đoàn kết

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.