"Sát nhân" âm thầm mang tên methanol
Có mặt tại trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chúng tôi chứng kiến rất nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở trạng thái căng thẳng, mọi con mắt đều đổ dồn vào những động tác, cử chỉ của tập thể y bác sĩ đang ra sức cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân. Chị Nguyễn Thị Hạnh, vợ bệnh nhân Trần Thanh T., 42 tuổi, trú ở huyện Kiến Xương, Thái Bình cho biết: Cách đây 2 hôm, anh T. đến nhà bà con ăn cỗ. Tại đây, anh T. được mọi người mời uống rượu và hàn huyên tâm sự. Khoảng 3 tiếng, sau ăn nhậu, anh T. về tới nhà bình thường nhưng kêu mệt và lên giường đi nghỉ luôn.
Điều bất ngờ ở chỗ, đến chiều hôm sau, anh T. luôn kêu đau đầu, có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn. Tiếp tục theo dõi, gia đình phát hiện thấy anh T. bị sốt, nôn liên tục, nhiều lần tụt huyết áp, bị giãn đồng tử và rơi vào tình trạng mê man, bất tỉnh. Quá hoảng sợ, gia đình đã đưa anh T. lên bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Qua thăm khám, các y bác sĩ bệnh viện đã chuyển anh T. vào trung tâm Chống độc tiếp tục khám, điều trị, vì nghi bị ngộ độc rượu có chứa methanol (chất cồn công nghiệp gây nguy hại tới sức khoẻ - PV). Chị Hạnh cũng cho biết, sau khi vào bệnh viện, được các y bác sĩ liên tục theo dõi, hô hấp, hồi sức cấp cứu nên anh T. đã qua khỏi cơn nguy kịch, tuy nhiên phải nằm điều trị, theo dõi nhiều ngày nữa để hồi phục sức khoẻ.
Các bác sĩ cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu.
Tương tự đó là trường hợp của ông M. (48 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), mặc dù đến nay ông M. đã được các bác sĩ cứu thoát khỏi bàn tay tử thần nhưng những người thân trong gia đình ông vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi và hoang mang tột độ. Bác sĩ Hướng, trực tiếp khám, điều trị cho ông M. cho biết: "Ông M. nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, huyết áp tụt không đo được, suy hô hấp nặng, đồng tử giãn tối đa không còn phản xạ với ánh sáng. Tất cả những chỉ số sinh, hóa có được đều chống lại sự sống của người bệnh. Bằng kinh nghiệm lâm sàng của mình, các bác sĩ nhận định đây rất có thể là một trường hợp ngộ độc methanol rất nặng. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành các biện pháp cấp cứu đặt catheter, thở máy, dùng các thuốc vận mạch, truyền dịch... Theo các bác sĩ tại trung tâm Chống độc thì, họ đã cấp cứu cho nhiều trường hợp ngộ độc rượu, ngộ độc methanol nhưng đây là một ca bệnh chưa từng gặp, nếu không có kinh nghiệm điều trị, khó có thể cứu sống được.
Bệnh nhân M. đã bị chuyển hóa và rối loạn điện giải rất nặng, hôn mê sâu, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn và suy thận. Định lượng methanol trong máu là 139,8mg/100ml, trong khi chỉ cần methanol trên 40mg/100ml là phải có chỉ định lọc máu. Sau 30 giờ lọc máu liên tục và điều trị kịp thời, bệnh nhân đã được cứu sống và đặc biệt bệnh nhân không bị viêm thị giác. Mặc dù, bệnh nhân M. đã hồi phục, tuy nhiên hàm lượng methanol trong máu của bệnh nhân này vẫn rất cao nên vẫn phải tiếp tục điều trị.
Người nhà ông M. cho biết, ông M. nghiện rượu hàng chục năm qua, gần đây do không có tiền mua rượu, ông đành mua cồn 90 độ về pha với nước để uống. Ông M. không biết thế nào là cồn công nghiệp có methanol, chỉ biết uống cho thỏa cơn nghiện. Hậu quả là sau những ngày dài sử dụng cồn thay rượu, ông M. đã phải nhập viện trong tình trạng cận kề cái chết.
Không chỉ một hai trường hợp trên, số liệu thống kê của trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai thể hiện, trong thời gian 10 ngày tết đã có 70 trường hợp nhập viện điều trị cấp cứu. Trong đó có trên 50 trường hợp bị ngộ độc liên quan đến rượu và đây đều là những người ở trong độ tuổi sung sức nhất khoảng từ 20 - 50 tuổi.
Các bác sĩ ở đây cũng cho biết thêm, qua kết quả xét nghiệm từ các mẫu máu lấy từ các bệnh nhân ngộ độc rượu cho thấy, trong máu có nhiều chất độc, chủ yếu là chất methanol (cồn). Nguyên nhân là do người dân mua rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả, rượu pha từ cồn công nghiệp có lượng methanol cao về uống. Tính đến nay đã có ít nhất 3 trường hợp tử vong và 1 ca nặng đã xin về nhà. Cả 2 ca này đều là người Hà Nội, 1 ca bị ngộ độc rượu trên nền cơ thể có bệnh tiểu đường, nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức.
Bệnh nhân bị ngộ độc rượu.
Methanol - say là chết
TS. Phạm Duệ, giám đốc trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong rượu bình thường hay còn gọi là rượu bia thực phẩm là rượu bia có chứa ethanol. Tuy được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng bản thân ethanol cũng là chất có thể gây độc. Ethanol gây ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơ-ron thần kinh. Vì thế, uống nhiều dẫn đến nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol, một chất cồn công nghiệp. Người uống ham rượu rẻ nên mua rượu có lẫn tạp chất là methanol về uống, gây chết người. TS. Duệ nhấn mạnh, methanol vốn chỉ được dùng trong công nghiệp. Đây là một chất cực độc, uống vào nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù. Nhiều trường hợp nghiện rượu, với nồng độ rượu bình thường uống vào không khiến họ cảm thấy "phê" mà phải pha thêm cồn vào uống mới đã. Nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu (say) rồi lại tỉnh nhưng nếu là cồn methanol thì say là chết.
GS.TS Nguyễn Thị Dụ, nguyên cán bộ bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, trong đời sống, nhất là ở các nước đang phát triển, tập quán uống rượu tự pha chế, nấu rượu, nhất là khi thuế nhập rượu ethanol cao thì methanol dễ dàng đóng góp cho sự bùng nổ ngộ độc ở người. Ngộ độc methanol có thể lẻ tẻ do tai nạn hay tự tử qua đường uống. Các vụ ngộ độc methanol có thể xuất hiện khi dùng methanol để thay thế cho ethanol hoặc khi methanol pha lẫn trong rượu hoặc làm gia đình chưng cất rượu lậu có methanol. Trong các trường hợp như thế, một số lớn ngộ độc được thông báo với nhiều trường hợp tử vong. Ví dụ như: Vụ ngộ độc methanol có trong thuốc chống tiêu chảy ở New Delhi (Ấn Độ), năm 1991 đã có trên 200 người tử vong; ở Cuttack (Ấn Độ), năm 1992 có 162 người chết do uống nước có pha methanol. Tại Campuchia, năm 1998 có trên 60 người chết do uống rượu pha methanol. Ở nước ta, hàng năm có khoảng trên 1.000 ca ngộ độc rượu và trên 20 người tử vong (thống kê bộ Y tế). Những ngộ độc liên quan đến methanol gây tử vong cao, xảy ra nhiều ở các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, An Giang. Tháng 10/2008, bệnh viện Chợ Rẫy nhận cấp cứu 31 vụ ngộ độc rượu methanol trong đó, 11 trường hợp tử vong. Viện Vệ sinh y tế công cộng đã xét nghiệm mẫu rượu uống thấy hàm lượng methanol cao trên 300 lần so với quy định (quy định là 0.1 mg/l, thực tế là 1mg/l) và đưa ra nhiều cảnh báo. Thế nhưng, con số ngộ độc methanol dẫn đến tử vong trên thực tế là liên tục và cao hơn nhiều so với thống kê ở một vài bệnh viện lớn.
Đề cập tới công tác kiểm tra, giám sát thị trường đối với mặt hàng rượu có pha chế methanol nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên cán bộ chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên tăng cường, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh đồ uống, thực phẩm hàng năm theo chuyên đề. Nếu quá trình kiểm tra, phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay đã có một số đối tượng đã bị khởi tố hình sự vì cố tình gian lận trong việc pha chế cồn công nghiệp vào rượu nhằm đánh lừa, gây tổn hại trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ người tiêu dùng.
Sẽ bị xử lý hình sự Thượng tá Nguyễn Quang Đông, phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma tuý, Công an TP. Hải Phòng cho biết: "Hiện tại có rất nhiều đối tượng nghiện ma tuý sử dụng chất methanol nhằm làm giảm thiểu cơn nghiện, thay thế ma tuý. Lúc đầu, đối tượng nghiện uống methanol vào có hiệu quả trong vòng 3 ngày, sẽ không nghĩ tới ma tuý nữa. Hiện tại, trên địa bàn Hải Phòng có khoảng 2.650 đối tượng nghiện ma tuý sử dụng methanol nhằm cắt giảm cơn nghiện. Tuy nhiên, khi sử dụng methanol phải được chỉ định của các bác sĩ, nếu không được chỉ định của bác sĩ mà tự ý mua bán, sử dụng, bị phát hiện sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. |
Quỳnh Chi