Ngày hôm qua, tôi nhìn thấy một em bé chừng 3 tuổi đang nhảy chân sáo trên đường. Trông cô bé thật tươi vui và đáng yêu. Tôi thích lắm, dừng lại ngắm bé một lát, đang định khen bé một câu với bà mẹ thì mẹ bé quay lại nhìn tôi rồi nhăn nhó bảo: Chị thông cảm, con em nó tăng động lắm. Tôi sững người nhìn cô bé đáng yêu rồi nhìn bà mẹ thêm 1 cái nữa. Sau khi nói nhỏ: Không, bé đáng yêu lắm, tôi bỏ đi và trong lòng cảm thấy tổn thương vô cùng.
Các cha mẹ, đã bao lâu rồi các cha mẹ chưa nhận xét một điều gì tích cực về con mình?
Có phải các cha mẹ chỉ kết tội, chỉ trích và phê phán con hay không?
Bao nhiêu lần các cha mẹ quan sát thấy một điều gì đó không thuận với mắt mình và kết tội con bằng những tính từ rất tiêu cực như: nghịch, phá, hư, hỗn láo, giả dối, trộm cắp, cướp giật…
Có bao giờ các cha mẹ suy nghĩ và tự vấn lương tâm điều này không? Cách đây 20 – 30 năm, bọn trẻ con nô đùa khắp nơi và người lớn thấy bình thường. Thế nhưng ngày nay, một đứa trẻ hiếu động, ưa khám phá, thích tìm hiểu thì bị dán nhãn là nghịch, tăng động, phá phách. Có không ít cha mẹ đưa con đi khám tăng động chỉ vì con hiếu động một chút. Rồi đôi khi các bác sĩ cũng không công nhận nhưng vẫn về dán nhãn cho con là tăng động và tìm mọi cách để hãm cái sự hoạt động đó của con lại.
Bọn trẻ đang lớn, chúng phải vấp váp, sai lầm. Tuy nhiên, các cha mẹ lại không chấp nhận điều này. Có không ít cha mẹ gọi con là đồ dối trá, đồ giả dối vì con chót nói dối mấy câu. Các cha mẹ cũng chẳng tự vấn lương tâm là mình nói dối bao nhiêu lần. Cứ miễn con nói dối là bị chửi là đồ dối trá.
Điều tôi giận các cha mẹ nhất chính là việc quảng bá chính những nhãn mác này cho mọi người xung quanh biết. Sao các phụ huynh không thử đặt địa vị mình là đứa trẻ, nghe mẹ mình nói với người khác những điều tồi tệ về mình xem sao? Liệu có ai cảm thấy điều đó là thú vị, tuyệt vời?
Đứa trẻ bị kết tội sẽ tự mặc định mình chính là cái loại tồi tệ như cha mẹ nói. Suy nghĩ: “Mẹ mình nói vậy là đúng rồi vì mẹ thì đương nhiên phải yêu quý mình nhất”, sẽ khiến cho bọn trẻ thực sự thiếu tự tin và dần bất mãn, chúng sẽ cố tình trở thành người đúng như cha mẹ nói.
Khen ngợi con không phải là xu thế các cha mẹ thích sử dụng. Có lẽ vì quá kì vọng vào con, những gì tuyệt vời của con không làm cho các cha mẹ hài lòng. Khi con không được khen, không được dán những nhãn mác tốt đẹp, các con sẽ dần dần tin mình không có gì tốt đẹp cả.
Dán nhãn con từ những sai lầm nhỏ nhặt của trẻ không chỉ làm cho con thêm thiếu tự tin mà còn kéo dãn khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Điều đơn giản này các cha mẹ đã thật sự không quan tâm. Thật vậy, bọn trẻ làm sao có thể gần gũi, thân thiết và chia sẻ với người lúc nào cũng chỉ trích, kết tội mình. Ngay cả kẻ vi phạm pháp luật, bị bắt vào tù mà chưa có phiên tòa xử và công bố tội trạng thì mọi người cũng không được phép kết tội. Vậy mà mấy em bé đáng yêu chỉ phạm chút sai lầm (mà ngày xưa cam đoan là bố mẹ cũng mắc) thì lại bị dán nhãn là hư hỏng, bỏ đi.
Đó là chưa tính đến việc con mắc sai lầm mà bố mẹ cứ kết tội chứ không động viên con tiến bộ thì làm sao con có động lực để rút kinh nghiệm và thay đổi được chứ. Những lời kết tội của bố mẹ là đủ để giải quyết mọi vấn đề rồi nên con sẽ chẳng cần thay đổi nữa vì có thay đổi cha mẹ cũng vẫn nghĩ con xấu xa đến thế mà.
Đó là tớ chưa tính đến trường hợp cha mẹ hiểu nhầm hoặc kết tội sai con đâu nhé! Điều đó sẽ làm cho con thêm ghét và xa lánh cha mẹ. Đến khi con cần những lời khuyên hữu ích, nó sẽ không tìm đến cha mẹ mà đi tìm ở nơi nào đó không ổn thì thật đáng tiếc.
Một điều tôi lưu ý cha mẹ là những nhãn mác mà cha mẹ gắn cho con thời tuổi thơ sẽ theo con đi đến hết cuộc đời. Tổn thương do bị kết tội thường sẽ nặng nề hơn rất nhiều những tổn thương ngoài cơ thể. “Dao đâm có lúc thành thương tích, lời nói đâm nhau hận một đời” – có lẽ các cha mẹ đã quên mất câu nói này rồi.
Đừng làm thế nhé, làm ơn, tôi năn nỉ đấy, đừng dán nhãn xấu xa lên đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Hãy để cho bọn trẻ được tự hào về mình. Nếu muốn dán nhãn, hãy dán những cái nhãn đẹp đẽ như: chăm chỉ, dễ thương, nhân ái, duyên dáng, tốt bụng,… Con sẽ cố gắng được như nhãn đó ngay đấy.
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư Phạm HN)