Dán nhãn cho truyện tranh: Chưa được "cởi trói" thực sự

Dán nhãn cho truyện tranh: Chưa được "cởi trói" thực sự

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 5, 01/11/2018 13:00

Quan niệm truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi đã lỗi thời khi ngày càng nhiều tác phẩm dành cho giới trẻ, thậm chí cả người lớn xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn loay hoay khi chưa dán nhãn độ tuổi cho văn hóa phẩm này.

image

Họa sĩ nói về việc dán nhãn cho  truyện tranh Việt.

Họa sĩ nói về việc dán nhãn cho truyện tranh Việt.

Xu hướng mới, rào cản cũ

Đối với rất nhiều bậc phụ huynh, nhắc đến truyện tranh là nhắc đến sản phẩm văn hóa dành cho trẻ em và không chấp nhận có sự tồn tại của loại truyện tranh “dành cho người lớn”. Tuy nhiên, các họa sĩ truyện tranh khẳng định, nhu cầu truyện tranh dành cho người trưởng thành là hoàn toàn có thật.

Dẫn chứng cho điều này là các tác phẩm như: Bab Luck (họa sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Châu), Địa ngục môn (họa sĩ Can Tiểu Hy),…

Bộ truyện Bad Luck (tạm dịch: Số nhọ) thuộc thể loại học đường của tác giả Châu Chặt Chém (Nguyễn Huỳnh Bảo Châu) ra đời cách đây 2 năm. Nội dung của bộ truyện xoay quanh cô nhóc nghịch ngợm, hồn nhiên tên An. Vào sinh nhật 17 tuổi, An nhận được món quà từ gia đình mình: “Giống như ba, con có khả năng đem lại sự xui xẻo bất tận cho người khác!”. Từ đó, hành trình của An-số-nhọ diễn tiến với những tình huống oái oăm, cùng lời nguyền “không có người yêu trong 40 năm”.

Tuy tạo nên “cơn sốt” trên cộng đồng mạng với phong cách, nội dung độc đáo, phóng khoáng và hài hước nhưng bộ truyện từng bị từ chối xuất bản. Sau nhiều lần chỉnh sửa, tác phẩm cũng được phát hành bởi đơn vị Comicola liên kết với NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM và đang được chuyển thể thành phim.

Văn hoá - Dán nhãn cho truyện tranh: Chưa được 'cởi trói' thực sự

Bộ truyện tranh Địa ngục môn khá vất vả để được xuất bản.

Một trường hợp khác khiến đơn vị Comicola cũng vất vả không kém là tác phẩm Địa ngục môn của họa sĩ Can Tiểu Hy (Phan Cao Hà My). Bộ truyện tranh Địa ngục môn kể về một cô gái bất ngờ bị tai nạn phải xuống địa ngục.

Tại đây, cô gái này đã phải vượt qua rất nhiều cạm bẫy để tìm lại cuộc sống đã mất của mình. Với nội dung liên quan đến địa ngục, quan niệm luân hồi,… tác phẩm bị soi xét rất kỹ nhưng vẫn được xuất bản. Từ đó, tác phẩm đã giành giải Bạc cuộc thi truyện tranh quốc tế Nhật Bản.

Gian nan, nhưng nhiều tác phẩm vẫn còn may mắn hơn cuốn truyện tranh Truyện cực ngắn (Truyện trên trời) của họa sĩ Đào Quang Huy. Mất nhiều thời gian để chỉnh lại những chi tiết trong truyện cho “vừa ý” các NXB, nhưng đến giờ truyện vẫn chưa tìm được cách để ra mắt.

Dự án gây quỹ xuất bản cuốn truyện tranh này đã nhận được sự ủng hộ từ hơn 700 người nhưng họa sĩ đã phải hoàn lại tiền bởi việc “chạy vạy” xin giấy phép xuất bản không thành. Những lý do được các NXB từ chối cấp phép đưa ra hầu như đều giống nhau rằng nội dung truyện không phù hợp với thiếu nhi, “xuyên tạc”, “bóp méo” truyện cổ tích...

Chưa được "cởi trói" thực sự

Nguyên nhân của tình trạng khắt khe với truyện tranh như vậy, theo giới xuất bản là bởi cái nhìn của những người biên tập và cấp phép xuất bản sách ở nước ta vẫn chưa thay đổi nhiều. Chính vì thế, giới họa sĩ truyện tranh đã nhiều lần đề xuất lập bảng gắn nhãn truyện tranh theo lứa tuổi.

Nhận xét về vấn đề này, thạc sĩ Phạm Phương Thùy, chuyên gia Marketing văn hóa nghệ thuật (đại học Văn hóa TP.HCM) cho biết: “Khi các truyện tranh dành cho giới trẻ, dành cho độc giả trên 16 tuổi xuất hiện ngày càng nhiều tức là thị trường có nhu cầu. Khi cung và cầu đáp ứng lẫn nhau sẽ xuất hiện nhà quản lý, vai trò của cơ quan Nhà nước. Vì thế, ban hành quy định để phân loại là rất cần thiết. Truyện tranh dành cho người lớn phải có ký hiệu ở bìa sách, dựa vào văn bản pháp luật quy định chặt chẽ để phân loại”.

Văn hoá - Dán nhãn cho truyện tranh: Chưa được 'cởi trói' thực sự (Hình 2).

Truyện của tác giả Việt như "Địa ngục môn", "Mèo mốc", "Bad Luck" được “soi kỹ” khi xin giấy phép xuất bản.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Khánh Dương, sáng lập đơn vị Comicola bày tỏ: “Truyện tranh là một hình thức thể hiện nghệ thuật. Trên thế giới, không có đất nước nào coi truyện tranh là cho trẻ em. Tại các ngày hội truyện tranh (ComicCon) ở Mỹ, Nhật, Anh, Đức... lứa tuổi chủ yếu đến xem là lứa tuổi trưởng thành. Quan niệm truyện tranh chỉ dành cho trẻ em là kỳ lạ và sai lầm. Điều này dẫn tới việc các tác phẩm truyện tranh cho người trưởng thành của tác giả Việt Nam rất khó xuất bản”.

“Cũng như các đất nước khác, việc gắn nhãn cho các tác phẩm như truyện tranh sẽ có tác dụng định hướng người đọc. Từ đó sẽ giúp họ mua được các tác phẩm phù hợp với độ tuổi của mình. Quyền lựa chọn đọc hay không đọc sẽ là ở phía độc giả. Nếu có dán nhãn, thì sẽ giúp độc giả định hướng và lựa chọn chính xác hơn”, ông Dương nêu quan điểm.

Họa sĩ Hoàng Anh Tuấn cũng bình luận: “Việc định khung lứa tuổi độc giả cần phải có từ khi họa sĩ bắt đầu sáng tác chứ không phải đợi kiểm duyệt mới bàn luận. Với các độ tuổi khác nhau thì tâm sinh lý sẽ khác nhau, dẫn đến sở thích của độc giả cũng khác nhau. Đánh giá tác phẩm dành cho đối tượng nào cần dựa vào tư tưởng, tâm sinh lý được thể hiện trong tác phẩm. Chứ nói về nhạy cảm thì đa số các họa sĩ Việt Nam đều có tư duy “sạch”, không cố tình sáng tác nội dung nhạy cảm”.

Về phía cơ quan quản lý, vào tháng 11/2016, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng cục Xuất bản, in và phát hành (bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát biểu với báo chí rằng: “Để làm bảng gắn nhãn truyện tranh phải có khảo sát, đánh giá, có hội thảo khoa học. Đây là lĩnh vực văn hóa tư tưởng nên không thể định lượng máy móc bằng số lượng được. Không thể chạy theo sự bức xúc nào đó để định ngay ra một cái khung. Định ra cái khung đó thì những người cấp tiến có ý kiến. Thỏa mãn người cấp tiến thì người bảo thủ có ý kiến”.

Sau 2 năm, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin vào chiều ngày 31/10/2018, ông Hòa khẳng định công tác quản lý xuất bản phẩm dành cho từng đối tượng khác nhau đã được quy định rõ ràng hơn bằng các Thông tư hướng dẫn vừa được ban hành.

Theo tìm hiểu của PV, Thông tư 09/2017/TT-BTTTT được ban hành vào tháng 6/2017 và có hiệu lực từ tháng 10/2017 đã quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Trong đó quy định các xuất bản phẩm có nội dung không phù hợp với trẻ em cần phải có cảnh báo bằng các phương thức như chữ viết, hình vẽ, biểu tượng.

Tuy nhiên, hình vẽ nào, biểu tượng gì hay chữ viết có nội dung ra sao và đặt ở vị trí nào trên xuất bản phẩm thì vẫn là điều chưa được hướng dẫn chi tiết. Vì thế, xuất bản phẩm truyện tranh dành cho người lớn xem ra vẫn chưa được "cởi trói" thật sự.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.