Chiều 26/8, người dân xã Lại Xuân kéo lên UBND huyện Thủy Nguyên để phản đối việc nhà máy Cường Thịnh hoạt động trở lại. Trước đó, người dân sống xung quanh nhà máy đã đánh trống, kẻng báo động, tập trung tại cổng căng lều bạt, băng-rôn yêu cầu nhà máy dừng hoạt động và di chuyển. Người dân còn dùng phương tiện bốc xúc, cắt phá đường vào, ra của nhà máy.
Chị Thoa, người đã bị ngất khi ngửi phải khí đốt của nhà máy.
Chưa dừng lại ở đó, người dân địa phương còn đẩy một xe cải tiến đến UBND huyện Thủy Nguyên, trên đó chở chị Nguyễn Thị Minh, người được cho là bị đánh gãy chân trong khi lên huyện phản đối việc nhà máy Cường Thịnh hoạt động. Chị Minh kể: "Chúng tôi đi đòi công bằng cho môi trường sống của chúng tôi xanh, sạch, đẹp thì bị công an chặn đường không cho đi. Cả thôn 9 chúng tôi phải chịu cảnh độc hại của nhà máy đất đèn. Có từ 4 - 6 người ngất rồi đấy. Mấy người đi bệnh viện rồi, cả trẻ con, thanh niên, người già cũng bị. Chúng tôi làm đơn kêu cầu khắp nơi rồi nhưng mà chưa ai giải quyết. Tôi vừa bị chặn đường và bị đánh trên khu Bảo Thanh (xã Bảo Thanh, huyện Thủy Nguyên - PV) và mọi người đưa lên xe đi đến đây. Công an mặc thường phục đánh chúng tôi. Họ giằng trống chúng tôi, chúng tôi đòi lại thế là công an quay ra cầm cây vụt chúng tôi túi bụi".
Cùng đi với chị Minh có chị Phạm Thị Quyên ở thôn 9, xã Lại Xuân. Chị Quyên kể: "Đêm hôm tôi thấy nhà máy đất đèn làm và thấy khó thở. Tôi bức xúc, đi đòi quyền lợi nhưng mới đi nửa đường thì công an đã chặn lại, lấy trống của chúng tôi vứt xuống sông. Hai người trong nhóm chúng tôi đã đuổi theo họ và bị họ đánh...”.
Chị Trần Thị Thoa, SN 1984, ở thôn 9, xã Lại Xuân là người bị ngất do ảnh hưởng khí từ nhà máy tối 24/8. Chị Thoa cho biết, cả 3 lần nhà máy chạy thử là 3 lần chị bị ngất. Cũng theo chị Thoa, xung quanh nhà chị có mấy đứa trẻ con hít phải khí độc cũng bị ngất.
Ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên đang tiếp xúc với người dân.
Bà Đặng Thị Gái, 72 tuổi ở xã Lại Xuân nói đầy phẫn nộ: "Chúng tôi rất bức xúc. Hai năm trước chúng tôi đã xuống đây để yêu cầu nhà máy không được đốt đất đèn nữa nhưng bây giờ nhà máy lại tiếp tục đốt. Trước kia đã có một nhà máy đất đèn mở ở Minh Đức nhưng đã bị di chuyển đi nơi khác. Vậy mà bây giờ lại có một nhà máy đất đèn "mọc lên" ở giữa khu dân cư đông đúc như thế thì chúng tôi sống làm sao được?".
Trong khi đó, chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, ông Nguyễn Trần Lanh cho biết: "Người dân nói bị công an đánh thì phải làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Ai vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xử lý. Trước đây UBND huyện cho ông Đồng Văn Túy thuê đất để sản xuất bột nhẹ chứ không phải sản xuất đất đèn. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, ông Đồng Văn Túy lại xây dựng nhà máy đất đèn. UBND TP. đã có văn bản chỉ đạo xem xét lại toàn bộ quy trình của nhà máy đất đèn. Sau khi đánh giá, UBND TP. sẽ quyết định có để nhà máy này tồn tại nữa hay không. Về mặt môi trường, TP. cũng sẽ có những nghiên cứu cụ thể rồi mới kết luận".
Ông Đồng Văn Túy, chủ đầu tư chính của nhà máy Cường Thịnh cho biết: "Việc người dân phản ứng không phải về vấn đề môi trường vì mấy ngày hôm nay doanh nghiệp mới đốt củi chứ chưa sản xuất chính thức. Thực chất, khí độc màu xanh, màu vàng mà nhân dân phản ánh là khói đốt củi thôi. Doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ phản ánh của người dân về việc sản xuất của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cũng mong chính quyền địa phương đứng ra làm trung gian, tổ chức cuộc đối thoại nhiều chiều giữa doanh nghiệp và người dân để có một tiếng nói chung".
Tuyền Thắng