Hơn 2.000 người dân ở khu vực Lâm Viên (Núi Cấm, An Giang) đang sống trong cảnh chật vật, khó khăn khi phải chạy đua theo giá cả. Sau vụ lở đá kinh hoàng, lượng khách đến tham quan, hành hương cúng viếng tại Núi Cấm giảm rõ rệt. Hoạt động buôn bán kiếm sống nhờ du lịch bị ngưng trệ vì lệnh cấm lên núi. Trước đó, đời sống của người dân nơi đây gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu từ dịch vụ cho thuê chỗ nghỉ trọ, bán hàng ăn uống, đồ lưu niệm… Không có khách, người dân ở đây lâm vào tình cảnh lao đao vì không kiếm được tiền. Khó khăn chồng chất khó khăn khi hàng hóa dưới xuôi không có đường chuyển lên, các cửa hàng tạp hóa thừa cơ tăng giá.
Người dân Núi Cấm đang gặp muôn vàn khó khăn
Tại điểm dừng chân gần chùa Phật Nhỏ, chị Nguyễn Thị Tuyết (37 tuổi), cho biết: "Sau vụ tai nạn, khách du lịch đã giảm tới 90%. Hàng hóa liên tục tăng giá. Sáng ngày 9/5, tôi mua 18.000đ 1kg gạo, vậy mà hôm sau đã lên 30.000 đồng/kg. Xăng xe là 35.000 đồng/lít, khu vực gần đỉnh núi có nơi hét gia tới 100.000 đồng/lít. Đá cây ngày thường cao nhất cũng chỉ 18.000 đồng/cây, mấy ngày qua đã vọt lên 35-40.000 đồng/cây.
Cũng theo người dân Núi Cấm, giá các loại thực phẩm như đường, muối, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn... đều tăng gấp 2 - 4 lần.
Đáng thương nhất là nhóm những người hành nghề xe ôm chở khách. Giá xăng tăng gấp 5 lần, không đi làm thì không có tiền nhưng nếu nhận chở khách, tiền xăng không đủ bù lỗ. Nhiều người liều mình, bất chấp nguy hiểm xuống núi kiếm sống bằng cách chạy theo những con đường mòn "tự phát" dọc sườn núi.
Ông Trần Văn Hòa (54 tuổi, ngụ ấp Vồ Đầu, chạy xe ôm được gần 5 năm) tâm sự: "Bình thường mỗi ngày tôi cũng kiếm được vài trăm nuôi vợ và 2 con đang học lớp 11 và 12. Mấy ngày nay, tôi cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn, chẳng đủ tiền để mua thứ gì. Con cái thì đành phải gửi dưới núi để chúng tiện đi học. Muốn xuống thăm con nhưng chẳng có đường nào để đi. Không biết tụi nhỏ và bà nội sống ra sao nữa".
Chở hàng lên núi cấm
Ngoài khó khăn do giá cả thực phẩm, nhiên liệu tăng chóng mặt, người dân Núi Cấm còn phải đối mặt với tình trạng hàng chục tấn nông sản bị thối rữa do không có đường chuyển xuống núi. ông Quách Thành Đồng - Phó Trưởng ấp Vồ Đầu (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) cho biết: "Hiện nay đang vào chính vụ thu hoạch dâu, đậu que và các loại hoa màu. Đường giao thông chính lại bị cấm nên người dân không có cách nào vận chuyển xuống chợ để bán. Nếu mướn người gánh xuống núi bán thì một gánh dâu 50kg cũng mất 50.000 đồng thuê người. Trả tiền thế coi như nông dân lỗ vốn hết. Bà con ở đây rất mong đường sớm được thông để người dân mau chóng chuyển hàng xuống núi".
ông Phan Thành Tài, chủ tịch UBND xã An Hảo lo lắng: "Toàn khu vực Lâm viên Núi Cấm hiện có trên 2.000 hộ với gần 4.000 dân, nghề nghiệp chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Nếu không sớm giải quyết khó khăn, bình ổn thị trường, tăng cường các mặt hàng thiết yếu thì chắc chắn nhiều hộ nghèo sẽ không thể tiếp tục sống ở đây được".
Các giải pháp trước mắt chỉ là tạm thời Ông Ngô Hồng Yến, chủ tịch UBND Huyện Tịnh Biên cho biết thêm: "Ngoài việc mỗi ngày chuyển 1 tấn gạo lên núi, chúng tôi cũng đã chỉ đạo UBND xã An Hảo tạm ứng kinh phí để mua 500 lít xăng/ ngày để vận chuyển lên Núi Cấm trong ngày 9/5 để bán cho người dân địa phương bằng với giá thị trường. Việc này nhằm mục đích giúp người dân không quá hoang mang khi chờ đợi quy trình điều tra, nghiên cứu và đưa ra phương án xử lý sự cố sạt lở đá". Tuy nhiên, ông Yến cũng thừa nhận, đó chỉ là những giải pháp tình thế, còn để giải quyết căn cơ vấn đề này thì các cơ quan phải nhanh chóng kết thúc các biện pháp nghiệp vụ, đưa ra kết luận và triển khai hướng xử lý khắc phục trong thời gian sớm nhất. Hơn 10 ngày nữa mới hết ách tắc Công ty TNHH Hữu Duẫn - đơn vị được UBND tỉnh chỉ định khắc phục sự cố sau vụ lở đá - hiện đã huy động trên 30 nhân công và máy móc để ngày đêm đục "tảng đá chết người", giải phóng hiện trường. Để giải tỏa hoàn toàn việc ách tắc giao thông, dự kiến cũng phải mất từ 10 - 15 ngày nữa. Đơn vị này cũng cho biết, sau khi giải tỏa xong tuyến giao thông, công ty sẽ tiếp tục đục thăm dò những tảng đá chênh vênh, để tránh nguy hiểm cho người đi đường và du khách". |
Quốc Huy