>> Thái Nguyên: Nhà nhiễm điện, dân phải ở... chuồng trâu (1)
>> Nghịch lý lấy đất sổ đỏ, nhưng chỉ hỗ trợ di dời
Lưỡi hái tử thần vô hình
Theo phản ánh của cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình (xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), năm 2006, dự án đường điện cao áp 220KV đi qua đất và nhà ở của ông.
“Khoảng 11 ngày sau khi đóng điện, vợ chồng tôi dùng bút thử điện kiểm tra, mới biết toàn bộ môi trường sống tại gia đình đã bị nhiễm điện rất nặng. Lập tức gia đình phải sống tạm bợ trong chuồng trâu. Cũng từ đó trở đi, cuộc sống sinh hoạt trong gia đình bị đảo lộn hoàn toàn”, ông Bình nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Tiến (vợ ông Bình) tâm sự: “Còn nhớ ngày tháng tôi soạn giáo án trong chuồng trâu, vừa soạn bài vừa khóc. Đằng trước là giáo án, sổ sách, còn đằng sau và 2 bên cạnh là đơn, giấy tờ liên quan. Vợ chồng đầu óc rối như tơ vò, tuyệt vọng. Đi thì không có tiền mua đất, cố ở lại thì không ở được. Sống tạm trong chuồng trâu vào những ngày mùa đông giá rét, mưa phùn cắt da cắt thịt, gió lùa tứ phía, vợ chồng tôi chỉ biết khóc thầm, cuộc sống rơi vào bế tắc”.
Vì bị điện giật nhiều, bà Tiến ốm xiêu vẹo, nhiều hôm ngã gục trên bục giảng. Đồng nghiệp trong trường đã động viên, giúp đỡ bà giáo làng này vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trồng người.
Còn ngôi nhà để hoang của gia đình chị Nguyễn Thị Xuân là minh chứng rõ nét về môi trường sống bị đe dọa. Nếu ngôi nhà an toàn, sao chị Xuân, cùng 2 đứa con nhỏ và mẹ già hơn 80 tuổi phải đi thuê căn nhà vách đất ọp ẹp, tuổi thọ trên dưới 20 năm, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào?
Hiện nay, khu vực nhà của hai hộ dân nói trên bị nhiễm điện rất nặng. Khắp thổ cư chỗ nào cũng có điện, dùng bút thử điện thông thường cắm vào người, các vật dụng kim loại, thậm chí là cành cây… bút thử điện đều sáng như cắm vào ổ có điện. Vì bị điện giật quá nhiều, các thành viên trong hai gia đình đều rất đau đầu, mệt mỏi, tức ngực, khó thở, nôn nao, nhất là các cháu bé và người già.
Nhà khoa học lên tiếng
Cách đây gần 7 năm, sau khi biết đến sự việc người dân phải sống trong chuồng trâu vì nhà… nhiễm điện ở Thái Nguyên, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải đã lên tiếng. Theo đó, khi có một dòng điện chạy qua một vật dẫn, thì xung quanh vật đó sẽ có một từ trường. Khi dòng điện đó là dòng điện xoay chiều, sẽ có một từ trường biến thiên và khoảng không gian bao quanh vật đó sẽ có một từ trường xoáy, gọi là điện từ trường.
Đã từng đến nhà ông Nguyễn Văn Bình, Tiến sĩ Khải cho rằng, một là phải di dời nhà ông Bình ra khỏi vùng bị nhiễm điện này hoặc cho đường dây đi theo đường khác. Vì tính mạng của gia đình họ và tính mạng của những người khác. Thông thường, những đường dây cao thế 220KV, phải cao 18m, cách xa công trình, dưới đường dây không có nhà cửa dân sinh. Và nếu ai làm việc ở phạm vi này, thì chỉ được làm việc trong thời gian ngắn vài giờ.
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động, có nhiều nghiên cứu liên quan đến ảnh hưởng của trường điện từ đến sức khỏe con người được công bố. Đối tượng nghiên cứu là công nhân điện, nông dân và các gia đình sinh sống, làm việc lâu dài dưới hay bên cạnh đường dây cao áp có cường độ điện trường mạnh, quá mức cho phép.
Khi tiếp xúc với trường điện từ, có thể gây ra những biến đổi hành vi và sinh lý như: Đau đầu, khó tiêu, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, cáu kỉnh, giảm tình dục, thậm chí bất lực. Các bệnh u não, bệnh máu trắng, u tử cung, ung thư vú, ung thư hệ thống bạch huyết xuất hiện…
Được biết, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chủ động rà soát, cân đối giữa phương án di dời với phương án cải tạo nhà ở, kinh phí bồi thường hỗ trợ nhà ở, công trình do hạn chế khả năng sử dụng để đề xuất giải pháp hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân. Đối với một số hộ thực tế bị nhiễm điện nặng, thì ưu tiên cho thực hiện phương án di dời nhà ra khỏi hành lang lưới điện.
Cách đây 7 năm, dư luận cũng đã lên tiếng về câu chuyện hy hữu này, trong đó phải kể đến bài báo “Ăn tết ở… chuồng trâu” được đăng tải trên báo Đời sống & Pháp luật. Ngày 14/1/2011, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 297, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra sự việc báo nêu, nếu đúng phải có biện pháp giải quyết kịp thời. Vậy mà đến nay, gia đình chính sách này vẫn không có gì sáng sủa.
Mới đây nhất, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, một cán bộ đội Truyền tải điện thành phố Thái Nguyên (Truyền tải điện Đông Bắc 3)- Đơn vị được giao quản lý đường điện 220KV cho rằng, theo Điều 13, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 quy định chi tiết thi hành luật Điện lực, thì điều kiện tồn tại nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây điện trên không có điện áp đến 220KV đối với những hộ dân ở huyện Đại Từ vẫn đảm bảo an toàn.
Thế nhưng, khi PV đặt câu hỏi: “Vì sao vợ chồng ông Bình nhiều lần bị điện phóng, giật ngã úp mặt xuống đất. Sức khỏe ông bà Bình ngày một suy kiệt vì sống dưới đường dây điện..?”. Vị cán bộ này không trả lời được.
PV