Ngày 7/10, bác sĩ Lê Thị Ngọc, Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc (Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 5 trường hợp trong một gia đình ở xã Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy) cùng bị ong đốt.
5 trường hợp được người dân đưa đến cấp cứu trong tình trạng trên cơ thể có nhiều vết ong đốt. Trong đó, có một phụ nữ mang thai 14 tuần tuổi (ong đốt 24 nốt) và người bệnh N.T.Q. (74 tuổi) bị ong đốt nhiều nhất (57 nốt).
Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, trên mái tầng 2 của gia đình có 1 tổ ong mật có chiều dài hơn 1m, chiều rộng khoảng 50cm đã tồn tại gần 1 năm nay. Ngày 3/10, ông N.V.C. (46 tuổi, ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) là chủ nhà mở cửa tầng 2 thì bị đàn ong lao vào tấn công. Sau đó, đàn ong bay xuống tầng 1 tấn công các thành viên khác khiến ông C. cùng 4 người nhà phải nhập viện cấp cứu, 1 chú chó của gia đình tử vong tại chỗ.
Tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, qua thăm khám và đánh giá tình trạng sức khỏe các ca bệnh, bác sĩ chẩn đoán 2 trường hợp có triệu chứng của sốc phản vệ độ II, 3 thành viên còn lại có triệu chứng nhẹ hơn, được sử dụng thuốc giảm đau, chống dị ứng, bù dịch, theo dõi 24/24 giờ… Sau khi điều trị tích cực 1 ngày, sức khỏe cả 5 người bệnh đều ổn định.
Bác sĩ Lê Thị Ngọc cho hay, nhiều loài ong có độc tính rất mạnh. Khi bị ong đốt, tuỳ vào loài ong, số nốt đốt và phản ứng của mỗi cơ thể mà có thể có những phản ứng tại chỗ hay phản vệ mức độ nhẹ, hoặc nặng hơn là shock phản vệ và có nguy cơ tử vong.
Để phòng chống ong đốt, người dân cần tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Tuyệt đối không nên kích động hoặc trêu ong, không chọc phá tổ ong,... Ngoài ra, nên thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để hạn chế ong đến làm tổ. Khi bị ong đốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và xử trí kịp thời.
Minh Hoa (t/h)