Nếu là chuyện xung đột, mâu thuẫn, hay không thể đội trời chung chỉ giữa hai người và chẳng liên can gì đến ai khác thì câu chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều; nhưng cái trớ trêu nằm ở chỗ, mối quan hệ “không lành, không ngọt” này lại bị mắc xích trực tiếp vào một người thứ ba mang hai vai – vai con trai và vai người chồng. Cả hai vai trò này đều đòi buộc người đàn ông ấy phải chu toàn, trọn vẹn.
Chính vì vậy, dù không phải là tất cả, nhưng phần lớn người đàn ông khi bước chân vào hôn nhân chính là bước vào một thế kẹt ở giữa hai mối quan hệ rất sâu sắc với mình. Vậy người đàn ông phải làm gì trong cái thế “mắc kẹt” này?
Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu đâu là nguyên nhân gốc rễ khiến phần lớn mẹ chồng – nàng dâu ít khi hòa hợp được với nhau.
Nếu quan sát sâu chúng ta sẽ nhận ra rằng, sự mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu ngoài vấn đề riêng giữa cá nhân hai người, thì nó còn đến từ sự dính mắc giữa người mẹ với con trai mình, cũng như giữa người vợ và người chồng với nhau. Và sự dính mắc đó chính là tác nhân làm “nhấn mạnh” thêm cho sự xung khắc giữa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Chính vì cả hai người phụ nữ đều có sự lệ thuộc vào cùng một người mà họ xem là quan trọng với cuộc đời họ, nên người đàn ông bất đắc dĩ trở thành “nguồn cảm hứng” cho những cuộc chiến có khi âm ỉ ngấm ngầm, có khi trực diện. Bởi mẹ thì sợ “mất” con trai mình vào tay con dâu, vợ thì sợ mình không được xếp ở vị trí ưu tiên trong sự quan tâm và yêu thương của chồng. Và nguồn gốc của điều này chính là bởi nơi hai người phụ nữ này đều còn quá nhiều tổn thương hay nỗi đau, thiếu đủ đầy về tình yêu.
Thật vậy, một khi người mẹ có những tổn thương hay nỗi đau nào đó chưa được chữa lành, bà sẽ luôn cảm thấy thiếu hụt tình yêu thương, và con trai là một nơi bà muốn nương tựa vào. Bà cần được tôn trọng, được ghi nhận, được chăm sóc, được lắng nghe, được bù đắp, được cất lên tiếng nói của mình… và bà không muốn chia sẻ con mình cho ai khác.
Người vợ cũng thế, một khi trong cô ấy còn nhiều tổn thương, cô ấy cũng sẽ dính mắc vào người chồng của mình, cô ấy luôn kỳ vọng người chồng sẽ lấp đầy những thiếu thốn nơi cô ấy bằng sự chăm sóc, kề cận, yêu thương, lắng nghe, cảm thông, an ủi, xoa dịu, đứng về phía cô ấy…
Mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ cứ liên tục phát sinh và thậm chí ngày càng leo thang bởi ai cũng muốn giành người đàn ông về phía mình. Chính vì thế, vô tình người đàn ông trở thành “người được chọn” để xả ra những tổn thương của mẹ và vợ, và rồi sau đó anh ta bị đưa vào thế là “người phán xử”.
Vậy người đàn ông cần xử lý vấn đề này như thế nào để gia đình hòa thuận, ấm êm?
Tôi nghĩ rằng, điều mà người đàn ông cần làm và nên làm không phải là chỉ ra ai đúng ai sai, nhưng là cần đi vào giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Như đã nói, chính sự dính mắc của mẹ vào con trai, của vợ vào chồng mà sinh ra mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu, nên việc quan trọng nhất mà người đàn ông cần làm là chữa lành mối quan hệ giữa mình với mẹ, và giữa mình với vợ.
Có một quy trình tâm lý học mang tên “Ba chiếc ghế”, qui trình này hướng dẫn chúng ta lần lượt đặt mình vào từng chiếc ghế - tượng trưng cho ba vị trí khác nhau để nhìn nhận vấn đề, từ đó chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được nguyên nhân của sự việc, hiểu được phản ứng của người liên quan để đồng cảm, cũng như có được góc nhìn sáng suốt để tìm ra giải pháp cho vấn đề. Dựa vào quy trình đó, tôi đề xuất một cách thức tương tự để những người đàn ông có thể tìm ra được giải pháp cho mình trong vai trò “người phán xử”.
Trường hợp mẹ luận tội con dâu trước con trai
Khi nghe bà kể tội vợ mình, đầu tiên, bạn hãy ngồi ở chiếc ghế thứ nhất - tức bạn vào vai mẹ mình, mang lấy tính cách, nếp nghĩ, trải nghiệm, thói quen, hoàn cảnh… của mẹ để thấu cảm được những diễn biến trong nội tâm của mẹ; khi thật sự đặt mình trọn vẹn vào vị trí đó, bạn sẽ hiểu rõ và đồng cảm được với mẹ, thấy được những phản ứng của mẹ là hợp lý; từ đó, bạn sẽ đón nhận được mẹ và bình an trước những lời luận tội của mẹ về vợ mình.
Bước tiếp theo, bạn hãy xả vai người mẹ rồi bạn hãy ngồi sang chiếc ghế thứ hai – tức bạn vào vai vợ mình. Lúc này bạn chính là người con dâu đang ngồi nghe những lời trách cứ, chê bai, phán xét... của mẹ chồng. Bạn sẽ trải nghiệm trọn vẹn những cảm xúc buồn bã, đau đớn, tủi thân, ấm ức…; từ đó, bạn thấu hiểu và đồng cảm cho những cảm xúc và phản ứng tiêu cực của vợ mình mỗi khi bị mẹ mình trách mắng.
Và cuối cùng, bạn bước sang chiếc ghế thứ ba – lúc này bạn bước ra và tách khỏi những mối quan hệ đó, đóng vai một người ngoài cuộc, không bị tác động và ảnh hưởng của sự việc này. Lúc này, bạn đứng ở vị trí trung lập và nhìn sự việc khách quan, không còn là chồng hay con, tách luôn khỏi sự tổn thương và dính mắc giữa mình với vợ, giữa mình với mẹ. Ở góc nhìn đó, bạn nhìn thấy sự việc như nó vốn là, và bạn đủ khôn ngoan và sáng suốt như một người ngoài cuộc để đưa ra những giải pháp, bài học cho mình và cho mẹ.
Trường hợp con dâu kể tội mẹ chồng với chồng
Khi cô ấy cằn nhằn, khó chịu và "mách" tội về mẹ với bạn, hãy thực hiện quy trình trên với cách thức tương tự như bạn đã làm với mẹ bạn. Đầu tiên, bạn bước vào chiếc ghế thứ nhất – tức vào vai của vợ mình . Sau đó, hãy bước sang chiếc ghế thứ hai – tức bạn vào vai của mẹ bạn – là người đang tiếp nhận một cách gián tiếp hay trực tiếp những kiểu “méc tội” của con dâu. Cuối cùng, cũng tương tự như trên, bạn hãy bước sang chiếc ghế thứ ba – tức vị trí của người ngoài cuộc và sáng suốt để nhìn nhận về sự việc và nhìn thấy được những giải pháp hiệu quả và khôn ngoan.
Tuy nhiên, qui trình trên chỉ là bước đầu tiên để giúp bạn thấu hiểu và đón nhận được hai người phụ nữ bên cạnh mình. Nhưng rồi, điều cốt lõi là bạn phải chữa lành mối quan hệ của mình với từng người: với mẹ và với vợ. Bởi một khi cả hai vẫn còn dính mắc vào bạn, thì bạn luôn là rào cản cho sự kết nối mẹ chồng – nàng dâu. Và việc chữa lành mối quan hệ mẹ - con trai hay vợ - chồng đều nên được bắt đầu từ việc cùng ngồi lại để phác họa một bức tranh toàn cảnh về mối quan hệ.
Thứ nhất là bức tranh toàn cảnh cuộc hôn nhân mà bạn cần ngồi lại với vợ để phác thảo, trong đó chắc chắn không thể thiếu được những vấn đề liên quan đến mẹ. Hãy thống nhất các nguyên tắc và giá trị trong việc thực hiện các bổn phận/ trách nhiệm, cách hành xử khi xảy ra xung đột/bất hòa/mâu thuẫn; phạm vi, mức độ và giới hạn trong việc can thiệp vào các vấn đề của nhau…
Cũng thế, bạn đừng bỏ qua việc phác họa bức tranh toàn cảnh về mối quan hệ giữa mẹ bạn với bạn khi bạn đã kết hôn. Bức tranh đó cũng sẽ giúp mẹ con bạn thống nhất được các niềm tin, giá trị và các nguyên tắc hành xử với nhau trong tương quan giữa mẹ với gia đình nhỏ của bạn…
Và khi ngồi vẽ ra những bức tranh ấy, bạn hãy ở vai người trung lập và tỉnh thức để phác thảo ra được những kim chỉ nam tốt nhất cho từng mối quan hệ của mình. Và bức tranh toàn cảnh của từng mối quan hệ ấy rất nên được nhìn lại định kỳ để cập nhật, để chỉnh sửa, để hoàn thiện… bởi mỗi một giai đoạn từng người sẽ có những ưu tiên khác nhau, mục tiêu khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhận thức khác nhau, mức độ trưởng thành khác nhau… Nếu chỉ bám vào phiên bản đầu tiên, có khi ta sẽ làm cho mối quan hệ bị bóp nghẹt và gãy đổ bởi nó đã không còn phù hợp nữa.
Khi đã có bức tranh toàn cảnh với từng người, bạn sẽ dễ dàng đi vào chiều sâu kết nối và mở ra sự chữa lành trong từng mối quan hệ. Tôi tin rằng, khi có sự chữa lành giữa bạn với mẹ và giữa bạn với vợ, thì sự kết nối giữa mẹ chồng – nàng dâu trong nhà bạn ít nhiều sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn rằng cuộc chiến ấy sẽ được bứng tận gốc, bởi sẽ không tránh được những việc bất đồng giữa hai người ấy với nhau và không liên quan gì đến bạn; lúc này, điều đó trở thành việc của họ. Họ cần chấp nhận, hiện diện và chữa lành bằng một cách nào đó trực tiếp với nhau, hoặc thông qua một người nào khác, và đó là tiến trình mà họ cần trải qua. Và bạn không cần phải quá nặng lòng nữa.
Xét cho cùng, vai trò của “người phán xử” ở đây chính là dùng tình yêu đích thực để chữa lành mối quan hệ của mình với hai người phụ nữ mà mình yêu thương. Bằng cách ấy, người đàn ông không còn bị kẹt giữa trong cuộc chiến mẹ chồng – nàng dâu, nhưng trở thành chiếc cầu bắt nhịp yêu thương mở ra sự kết nối để tình yêu được thông chảy trong gia đình.
Quỳnh