Vợ chồng anh T.X.C (45 tuổi, tỉnh Khánh Hòa) cưới nhau từ lúc 25 tuổi nhưng đến nay hơn nửa cuộc đời mà hai vợ chồng vẫn chưa có mụn con. Nhiều năm qua, vợ chồng anh dắt díu nhau đi điều trị, can thiệp, thậm chí nghe ở đâu có món ăn, bài thuốc hay anh đều sưu tầm, song cũng chẳng có kết quả. Vợ chồng anh C. khao khát con đến nỗi bỏ tiền dành dụm mở nhóm trẻ tại nhà để vợ có cơ hội gần trẻ con nhằm trông chờ một phép mầu.
Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, nhưng lại xuất hiện một nghịch lý là tinh lực đàn ông đang ngày một yếu đi. Đây là cảnh báo của các nhà khoa học thế giới và ở Việt Nam cũng không loại trừ điều đó.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng hiếm muộn ngày càng tăng. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc của nhiều gia đình và chất lượng dân số. TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ cho biết, mỗi ngày BV tiếp nhận khám, tư vấn cho khoảng 100 lượt bệnh nhân vô sinh hiếm muộn và mỗi năm con số này là hơn 400.000.
Một nghiên cứu do bác sĩ Hồ Mạnh Tường, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản TP. HCM (CGRH - thuộc ĐH Quốc gia TP. HCM) và các cộng sự thực hiện cho biết, hiện nay có hơn 85% nam giới bất thường về tinh dịch.
Đây là nghiên cứu được thực hiện với quy mô lớn đầu tiên ở nước ta về đánh giá kết quả tinh dịch đồ trên bệnh nhân Việt Nam theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 4.000 nam giới lần đầu tiên thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ tại các trung tâm điều trị vô sinh tại TP. HCM, đã xác định có hơn 85% trường hợp bất thường về tinh dịch.
Kết quả cho thấy, sự bất thường tinh dịch đồ ở nam giới Việt Nam có khuynh hướng gia tăng. Trong đó có sự suy giảm về số lượng, chất lượng và hình dạng của tinh trùng. Những bất thường đó đã ảnh hưởng lớn tới khả năng thụ tinh, dẫn đến việc vô sinh ở nam giới. Đây cũng là xu hướng được tổ chức y tế thế giới từng báo động đưa trong những năm qua. Theo các chuyên gia y tế, đến nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân sự suy giảm tinh trùng ở nam giới và khó điều trị.
Theo bác sỹ Mai Bá Tiến Dũng, phó Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân (TP. HCM), cứ 100 cặp vợ chồng vô sinh thì 40% do vợ, 30% do chồng, 20% do cả vợ chồng và còn lại 10% không rõ nguyên nhân.
Các yếu tố dẫn đến nguy cơ vô sinh ở nam giới là quai bị, chấn thương bộ phận sinh dục, phẫu thuật vùng chậu, bất thường cơ quan sinh dục…
Hơn nữa, việc nam giới quan hệ sớm và lạm dụng việc sử dụng các loại chất gây nghiện hoặc thói quen xấu đang ngày càng trở nên phổ biến. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng: “Tuổi quan hệ của nam giới đang ngày càng ngắn đi”. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng trong chuyện ấy của nam giới cũng đang giảm đi đáng kể.
Bác sĩ Dương Quang Huy, Khoa Nam học, BV Bình Dân TP. HCM, cảnh báo thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc trị nấm, các hóa chất sử dụng trong sản xuất thực phẩm, thịt tăng trọng, chất thải công nghiệp... là “sát thủ” thầm lặng gây vô sinh.
Ở phụ nữ, vô sinh là do rối loạn hormon sinh dục, suy buồng trứng hoặc sau nạo hút thai, ngừa thai, sẩy thai làm thay đổi cấu trúc của tử cung. Ở nam giới, stress, thuốc lá, rượu bia, béo phì cũng là tác nhân thứ phát gây vô sinh.
Để giảm thiểu tác hại của vấn đề này, các chuyên gia y tế khuyên giới mày râu nên biết cân bằng cuộc sống, tránh stress và trước khi kết hôn cần khám sức khỏe tiền hôn nhân và tư vấn sinh sản trước sinh để có hướng điều trị và ngăn chặn nguy cơ vô sinh trong tương lai.
Duyên Trần