Trà my, hồng cổ “cháy hàng” trước Tết
Đầu tháng 11 âm lịch, PV báo Người đưa tin tìm về xã Phụng Công, thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quyền, chủ một vườn hoa cho biết, trong những năm gần đây, xu hướng chơi cây cảnh dịp Tết của người dân ngày càng đa dạng. Ngoài quất, đào thì hoa hồng cổ và trà my đang được ưa chuộng.
Anh Chử Văn Biên ở thôn Đại, xã Phụng Công, chủ vườn trà my cổ lớn nhất nhì huyện Văn Giang chia sẻ, từ khoảng giữa tháng 8 Âm lịch, nhiều khách đã đặt mua vì sợ gần Tết “cháy hàng”. Như Tết năm ngoái, tháng 12 Âm lịch, vườn nhà anh gần như đã hết, chỉ còn lại những cây không ra được nụ.
Năm nay, anh Biên để 200 gốc bán Tết mà giờ đã gần hết. Trong vườn nhà anh cây trà có giá cao nhất là khoảng 120 triệu đồng, cây trung bình là 50-70 triệu đồng, còn loại bình dân dao động từ 20-35 triệu đồng tùy theo đường kính gốc cây và chiều cao.
Anh Biên cho hay: “Ngoài việc trà cổ được nhiều người ưa chuộng bởi vẻ đẹp sang trọng, kiêu sa thì cây được cho là mang nhiều ý nghĩa. Với kinh nghiệm làm cây lâu năm, tôi chưa bao giờ thấy loài nào lâu ra nụ, cho hoa như cây trà. Thường thì trà ra nụ vào tháng 4 Âm lịch nhưng đầu tháng 11 Âm lịch Trà bạch mới bắt đầu nở, còn Trà đỏ thường nở vào tháng 12.
Trong một năm, người ta chỉ có cơ hội nhìn hoa trà khoe sắc vào dịp Tết. Phải chăng đây cũng là lời nhắc nhở mọi người cần kiên trì, không nên từ bỏ mục tiêu của mình. Muốn thành công phải không ngừng nỗ lực mới có thành quả ngọt ngào”. Cũng theo chia sẻ của anh Biên, vài năm trở lại đây, cây trà từ Trung Quốc du nhập vào thậm chí còn “khó tính” hơn. Nhiều cây chết chỉ vài tháng sau Tết, điều này ít nhiều đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường cây trà truyền thống.
“Bên cạnh trà thì hoa hồng cổ cũng là loại cây lên ngôi trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Trong đó, hồng bạch cổ và hồng cổ Sa Pa nổi lên là những cây có giá trị cao. Mặc dù ra hoa quanh năm nhưng cứ vào dịp đông-xuân, hoa to đẹp và lâu tàn hơn. Điều này khiến loài hoa này càng được ưa chuộng vào dịp Tết”, anh Đỗ Mạnh Cường, chủ vườn hồng cổ lớn nhất xã Phụng Công cho hay. Cũng theo anh Cường, điều đặc biệt của hồng cổ là hoa nở quanh năm, cây cứ ra lộc là ra hoa nên việc khống chế cây để hoa đúng dịp không quá vất vả như một số cây hoa khác.
Những chuyện “cười ra nước mắt” khi “săn” cây
Nhớ lại những câu chuyện “dở khóc dở cười” khi đi săn “hàng độc”, anh Đỗ Mạnh Cường khẽ cười rồi kể: “Có lần lên Lạng Sơn, tôi tìm thấy một gốc hồng cổ, đường kính gốc to tới 15cm được chủ nhân quý đến mức tôi trả lên 50 triệu đồng cũng không muốn bán. Biết đoạn đường trước nhà gia chủ sắp mở qua đúng vị trí của cây, lại biết đang mùa làm nương mà gia chủ chưa có bò kéo cày, tôi liền ra chợ mua một con bò mộng hơn 30 triệu đồng dắt đến đổi, ai ngờ chủ nhà ưng cái bụng liền”.
Theo lời anh Cường, có những cây anh đổi bằng bò, có cây thì đổi bằng những chiếc vòng bạc trị giá hơn 20 triệu đồng. Với người vùng cao, đôi khi họ quý hiện vật hơn là tiền bạc. Có lần, anh phải “dân vận” bằng cách mua một chum rượu ngon thết hàng xóm của chủ nhân khóm hồng rồi nhờ họ rỉ tai, thuyết phục gia chủ mới xuôi. Khi con gái chủ nhà về, thấy khách lạ đang đào cây hồng đã khóc mấy ngày vì tiếc.
Một lần lên Lào Cai, lần đầu anh được thấy một cây hồng cao tới 8m, cao nhất trong những cây hồng mà anh từng thấy. Vội vào nhà hỏi thăm thì anh biết gia chủ là một cán bộ công an về hưu, cây hồng này được ông lấy giống về trồng lúc đi học đại học, nghĩa là ít nhất cũng hơn 40 năm. Bởi không muốn bán nên ông phát một cái giá rất bâng quơ kiểu tiễn khách: “100 triệu đồng có mua không?”. Đâu ngờ, anh Cường ra xe lấy tiền đếm đủ khiến cho vị chủ nhà ngỡ ngàng: “Cháu làm gì mà chịu chơi thế?”. Anh cười bảo: “Cháu mới trúng số”.
Một lần khác đi từ Sìn Hồ về Sa Pa, thấy đằng sau mái bếp của một nhà thấp thoáng mấy bông hoa hồng, anh Cường liền dừng xe lại. Cây hồng chỉ có một thân, dáng trực, cao chừng 4m, cành lá xum xuê, nở liền một lúc mấy trăm bông sắc sen phơn phớt. Mê quá, anh liền vào hỏi thì chủ nhân bảo cứ 2 triệu/cành. Đếm đủ 40 cành, anh trả đúng 80 triệu đồng.
Thói đời, với người đi câu, con cá trượt luôn là con cá to nhất, với thợ “săn” hoa hồng, cây mua trượt luôn là cây đẹp nhất. Theo lời anh Cường, anh tiếc nhất một cây hoa hồng toàn mỹ nhất mà anh từng gặp với dáng long, gốc to gấp rưỡi lon bia, trổ hoa kín cây. Anh đã trả giá lên tới 150 triệu đồng nhưng chủ nhân vẫn lắc đầu, nhất quyết không bán.
Khai thác mãi rồi cũng đến lúc “mỏ” hồng cổ Sa Pa cạn kiệt khiến anh phải sang tận Lào. Nếu ở Việt Nam, nguồn thông tin của anh là những người bán đồng nát, thuốc lào, chè khô thì ở Lào là cánh bán rong chăn, màn, đệm. Những người đó dẫn anh tới một bản ở tỉnh Pắc Xê, nơi có 30 gốc hồng cổ thụ. Giá mua rất hời nhưng ngặt nỗi đang thời tiết nóng bức, không đúng mùa đánh hồng (đánh hồng chỉ thích hợp từ tháng 10 Âm lịch vắt sang đến tháng 3 Âm lịch năm sau, đánh trái mùa cây rất dễ chết), anh chấp nhận đặt trước tiền cho chủ vườn để đợi đến mùa sang đánh nhưng chính “cò” lại sợ có người sang trả giá cao hơn, chủ nhà sẽ đánh tháo. Đúng như dự đoán, lô hồng tiền tỷ ấy về đến Sa Pa đã chết như ngả rạ khiến anh Cường vừa xót vừa tiếc.
Mua cây cảnh cần đảm bảo sự hài hòa
Trao đổi thêm với PV, chuyên gia phong thủy Nguyễn Hồng Sơn cho hay: “Thú chơi cây và hoa vào dịp Tết đã trở thành truyền thống lâu đời của dân tộc. Mỗi độ Tết đến xuân về, cây ra hoa kết quả có ý nghĩa tượng trưng cho sự tốt đẹp, đủ đầy và sung túc. Có cây xanh, hoa trái trong nhà làm cho ngôi nhà gần với thiên nhiên hơn. Tùy theo sở thích mà chủ nhân có thể mua cây theo ý mình, ví dụ cây trúc, cây mai tượng trưng cho người quân tử, ngay thẳng, hoa hồng tượng trưng cho tình yêu… Bởi vậy, không cần quá chú trọng việc màu sắc của cây và hoa có hợp với mệnh trong dịp Tết hay không. Việc mua cây cần đảm bảo sự hài hoà với không gian căn nhà cũng như kinh tế gia đình. Quan niệm mua cây càng đắt tiền, càng to thì càng nhiều lộc là không đúng.
Đặng Thủy