Đúng vào ngày Dân số Thế giới 11/7, Tổng cục Thống kê công bố kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Theo đó, dân số Việt Nam ở thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 là 96.208.984 người.
Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Philippines. So với kết quả điều tra năm 2009, xếp hạng dân số Việt Nam trong Đông Nam Á không đổi và giảm 2 bậc trên bảng xếp hạng dân số thế giới.
Video một số kết quả chính về điều tra dân số Việt Nam:
Về cơ cấu giới tính của dân số Việt Nam, nam giới có 47.881.061 người (chiếm 49,8%) nữ giới là 48.327.923 người (chiếm 50,2%).
Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người, tỷ lệ tăng giai đoạn 2009 - 2019 bình quân 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước.
Kết quả cuộc Tổng điều tra cũng cho thấy: Việt Nam là nước có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Năm 2019, mật độ dân số Việt Nam là 290 người/km2. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mật độ dân số đông nhất, tương ứng là 2.398 và 4.363 người/km2. Đồng bằng sông Hồng là khu vực tập trung dân cư lớn nhất cả nước, trong khi Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất.
Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, dân số khu vực thành thị là hơn 33 triệu người, mới chiếm 34,4%, dân số nông thôn vẫn chiếm tới 65,6%.
Trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư trên cả nước, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở. Hầu hết dân cư Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (chiếm hơn 93%). Diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,5 m2/người, trong đó cư dân thành thị có diện tích nhà ở cao hơn cư dân nông thôn.
"Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Điều kiện nhà ở của các hộ dân cư được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành", ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc được tổ chức 10 năm một lần. Năm nay là lần thứ 5 diễn ra Tổng điều tra, thực hiện từ ngày 1/4 đến ngày 25/4/2019. Do áp dụng các biện pháp công nghệ thông tin nên chỉ sau hơn 2 tháng kết thúc thu thập thông tin, công tác xử lý dữ liệu đã hoàn thành, sớm hơn khoảng 1 năm so với cuộc Tổng điều tra năm 2009.
Phát biểu tại buổi lễ công bố kết quả Tổng điều tra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, những số liệu kết quả điều tra dân số và nhà ở phải làm cơ sở để hoạch định chính sách. Phó Thủ tướng lưu ý, mặc dù chúng ta đang trong tình trạng dân số vàng nhưng cũng đang trong tình trạng già hóa nhanh chóng, các chính sách dân số phải làm sao tránh được tình trạng "chưa giàu đã già".
"Mục tiêu của cuộc Tổng điều tra là Không để ai bị bỏ lại phía sau, do đó cần có chính sách phù hợp với những đối tượng khó khăn tại khu vực nông thôn, những người chưa có nhà ở hoặc nhà ở thiếu kiên cố. Từ nay đến khi công bố số liệu chính thức, Tổng cục Thống kê cần có những bảng phân tích, đánh giá số liệu để có kiến giải chính sách phù hợp, bởi kết quả Tổng điều tra không chỉ là những con số", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị.
Dự kiến, vào ngày 20/12 (tức ngày Dân số Việt Nam), số liệu chính thức của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở sẽ được công bố.
Theo Báo Tin Tức