Trong thời gian gần đây, hiện tượng những hòn đã cuội to tướng ở lưng chừng núi cứ lăn xuống do sạt lở là chuyện xảy ra như cơm bữa ở dãy núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã khiến cho những hộ dân sinh sống dưới chân núi vô cùng lo lắng.
Trong đó riêng xóm 1 xã Xuân Lam đã có tới 10 hộ. Những hộ này đều nằm dọc dưới chân núi Hồng và ngay sát quốc lộ 1A.
Những hòn đá cuội do sạt lở ở lưng chừng núi
Bà Trần Thị Lan cho biết: “Hiện tượng núi lở đã bắt đầu xẩy ra cách đây gần hai năm. Thế nhưng sau đợt lũ hồi tháng 10 năm vừa rồi thì tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng trầm trọng. Đợt sạt lở nặng nề nhất đã làm cho hàng chục khối đất đá tràn vào nhà tui (tôi), phá đổ hết toàn bộ các công trình phụ của gia đình. Dọc dãy núi này có gần cả chục ngôi nhà đang nằm trong tình trạng bị đá ập xuống bất cứ lúc nào”.
Mỗi khi mưa xuống là đá lăn ào ào xuống nhà bà Lan
Theo quan sát của Nguoiduatin.vn thì mức độ sạt lở diễn ra ở đây khá trầm trọng. Chiều dài của sự sạt lở khoảng 150m, chiều cao 40-50m.Và điều lo ngại nhất là dưới đoạn sạt lở này có rất nhiều hộ dân sinh sống.
“Có một điều khiến cho tình trạng sạt lở đất đá trên dãy Hồng Lĩnh ở khu vực này ngày càng trầm trọng là, ngay sau khi xảy ra sạt lở, một số người khai thác đá trái phép đã lợi dụng tình trạng này ngày đêm cho máy xúc và xe ben vào lấy đi số đá bị sạt xuống khiến cho núi đã lở ngày càng lở nặng thêm. Hiện nay mỗi khi mưa xuống là đá trên núi cũng trút xuống theo. Tình trạng này mà cứ kéo dài thì cả xóm tui nguy mất”, bà Lan cho biết thêm.
Cột điện 500KV ở thôn 9 xã Trung Lương bị sạt lở đã ăn sâu vào gần tới chân
Cách xóm 1 xã Xuân Lam chừng 300m, đến thôn 9 xã Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh), hiện tượng đất, đá từ núi Hồng Lĩnh bị sạt lở cũng diễn ra nghiêm trọng không kém.
Điều đáng lo ngại là ngay dưới đường dây điện 500KV, đất đá sạt lở cũng đã khoét sâu đến phân móng của cột điện.
"Nếu giờ mà gặp trận mưa lớn là đá cứ ném xuống chân núi rầm rầm, đợt mưa lớn năm ngoái đất đá còn tràn ra cả mặt đường quốc lộ 1A, rất nguy hiểm. Để tránh đá lăn vào nhà và tránh tai nạn có thể xẩy ra, người dân vùng này chỉ còn biết cách làm rào, đóng cọc để ngăn chặn mỗi khi mưa xuống", một người dân cho biết thêm.
Phan Chính