Bộ Công Thương cho hay, hiện có 119 cơ sở sản xuất bia có sản lượng trung bình 20-25 triệu lít/năm/cơ sở, sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỷ lít bia, tổng nộp ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy thị trường này cũng đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý với hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến có cả bia giả, bia lậu... Điều này khiến ngân sách bị thất thu mỗi năm lên tới 2.000-3.000 tỷ đồng.
Đề án chỉ rõ, tem bia sẽ được dán ở tất cả các sản phẩm bia sản xuất ở Việt Nam, nhập khẩu từ nước ngoài trước khi được đưa lưu thông trên thị trường. Giá thành một tem bia giấy là 179 đồng, in phun trực tiếp là 145,44 đồng. Việc dán tem chống hàng giả có tính bảo mật cao trên từng sản phẩm bia. Khi dán tem, nguy cơ tái sử dụng nhãn bia là không thể. Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bia sẽ thanh toán cho nhà cung cấp tem bia và được tính là chi phí sản xuất.
Theo ước tính của bộ Công Thương, việc dán tem bia giúp cho ngân sách tăng thu khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, bù đắp phần nào số tiền thất thu do chênh lệch khai báo sản lượng nộp thuế và thực tế 7-10% mỗi năm. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tiết giảm được các thay đổi mẫu mã, tem nhãn… để chống hàng lậu, hàng giả.
Được biết, đề xuất dán nhãn đối với sản phẩm bia được đưa ra từ cách đây hơn 3 năm và đã nhận đượ nhiều ý kiến phản đối từ phía doanh nghiệp trong ngành.
Đại diện hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho rằng, dự thảo dán tem bia là một trong số những giải pháp quản lí ngành nhưng cần phải cân nhắc kĩ. Bởi, hiện cả nước có 115 cơ sở sản xuất, với lượng bia hơn 3 tỷ lít/năm, khoảng 10 tỷ sản phẩm/năm. Nếu dán tem, chi phí sẽ lên tới hơn 2.000 tỷ đồng/năm (dự tính giá mỗi con tem là 200 đồng).
Kèm theo đó là thiết bị, hệ thống sản xuất, máy móc tối tân, nguồn nhân lực quản lí,… Tất cả sẽ nâng giá thành sản xuất lên cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và nguồn thu của Nhà nước.
Thiên Di