Dấn thân để giữ “lửa”

Dấn thân để giữ “lửa”

Lê Công Thành

Lê Công Thành

Thứ 4, 10/02/2021 19:00

“Lửa” nghề, đặc biệt là “lửa” nghề báo có những nét đặc trưng, đó ngoài sự dấn thân, sự chỉn chu mà còn là sự tự biết xấu hổ.

Bỡ ngỡ sau quy hoạch…

“Làm báo giờ chỉ vì đam mê!”. Giữa khó khăn chung bởi sự thay đổi sau quy hoạch báo chí, dịch bệnh liên miên, câu nói ấy tôi đã nghe không ít hơn một lần từ các đồng nghiệp. Một xã hội đang phải gồng mình chống chọi dịch bệnh, kéo cả nền kinh tế phải dẫm chân thì báo chí cũng không thoát khỏi bức tranh u ám ấy.

Với nhiều tờ báo, 2020 thật sự là năm của nhiều dấu ấn. Tờ báo Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL), tôi đã gắn bó 6 năm qua cũng vậy. Dù trước đó, cả toà soạn đã lên “dây cót” cho một sự thay đổi theo tinh thần quy hoạch báo chí nhưng đến khi có quyết định chuyển sang tờ tạp chí, rất nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn còn rất bỡ ngỡ.

Và khi sự thích ứng chưa định hình để phóng viên làm đủ được định mức, đáp ứng được yêu cầu mới của tòa soạn thì hệ lụy của quy hoạch báo chí, của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, đến áp lực của ban lãnh đạo tờ tạp chí. Tin bài khắt khe hơn khiến số lượng ít đi, kéo theo sự giảm của các mức phụ cấp, nhuận bút… đã khiến câu nói “cơm áo không đùa với nhà báo” hiển hiện trong nhiều câu chuyện của anh em phóng viên báo chí lúc ấy.

Giữa lúc cái không khí của khó khăn, của bao điều “khó diễn tả thành lời” ấy bao trùm lên văn phòng, anh Trưởng văn phòng miền Trung chúng tôi lại cách cũ: Lắng nghe!

Nói là “cách cũ”, vì những lúc khó khăn chung của anh em văn phòng, anh đều dùng cách ấy. Nếu như trước đây, sự lắng nghe là qua những bức tâm thư gửi qua mail, những trải lòng giữa các cuộc họp… thì nay anh lập nhóm chát với cái tên “ĐÓNG GÓP Ý KIẾN”. Tôi hiểu ý nghĩa cái tên nhóm này, giữa sự khó khăn chung của nền báo chí thì đây không phải là lúc  để lập nhóm “kể khổ”, để “đòi hỏi” mà đó chính là những ý kiến đóng góp nhằm dựng xây, thay đổi để tốt hơn.

Toàn thể anh em phóng viên văn phòng như được “mở cờ trong bụng”, ngoài những góp ý thì  những khó khăn bản thân gặp phải đều được nói lên trong nhóm chát. Bản thân tôi nhận ra những khó khăn của chính mình và mọi người chính là sự thích nghi phong cách làm báo mới. Áp lực ấy kéo theo những khó khăn của định mức và kéo theo gánh nặng của cơm áo, thu nhập… Và đâu đó manh nha có một sự giảm nhiệt của “lửa” nghề.

Chất lượng của một tờ báo được thể hiện trên những nội dung bài viết được đăng tải. Có thể cảm giác tôi sai nhưng dường như, những tuyến bài điều tra, những phóng sự rất “chất” mang thương hiệu ĐS&PL đã ít xuất hiện thường xuyên trong các chuyên mục mà trước đây tôi luôn click để đọc ngấu nghiến mỗi ngày. Không ít tin bài, tôi bắt đầu nhận thấy là sự gượng gạo, sự “lơ não” trong đầu tư câu chữ…

Và ở ngay bản thân tôi, chính ngay một số sản phẩm mình viết khi tôi đọc lại đã tự thấy xấu hổ bởi bố cục “loạng choạng”, bởi sự “nghèo” ngôn ngữ,  và trên hết chính là chất “lửa” trong đứa con tinh thần của mình.

Dù mưa giông, bão tố phải luôn giữ để ngọn lửa ấy không lụi tàn

Cơm áo và “lửa” nghề là hai phạm trù liên quan, cộng sinh nhau, nhưng có những lúc chúng lại xuất hiện lằn ranh mong manh mà nếu không cân bằng thì sẽ là sức ì, và có thể là sa ngã… Khi gánh nặng tiền bạc đè lên vai, sự tham lam vật chất luôn hiển hiện trong đầu thì ngòi bút sao thể khách quan, “lửa” nghề sao có thể hừng hực được.

Tâm sự - Dấn thân để giữ “lửa”

Người viết (đội mũ bảo hiểm) trong lần vào tác nghiệp ở vùng sạt lở Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam)

Ở cái tuổi ngoài 30, đã có một gia đình nhỏ, đã đủ để hiểu nghề có đủ cách để có thu nhập nhưng luôn dặn lòng, phải luôn giữ “lửa”. “Lửa” nghề, đặc biệt là “lửa” nghề báo có những nét đặc trưng, đó ngoài sự dấn thân, sự chỉn chu mà còn là sự tự biết xấu hổ.

Giữa những khó khăn chung của tòa soạn, thật xấu hổ khi có những sự vụ tôi đã  không theo  đến cùng, có những thông tin thời sự trên địa bàn để lọt, kinh khủng hơn có lúc là sự không mặn mà tin thời sự, sự e ngại, dấn thân lao vào những điểm nóng… để cập nhật thông tin kịp thời đến bạn đọc.

Xấu hổ khi những tiền bối ngoài 50 tuổi vẫn hằng ngày cập nhật từng bản tin tức thời sự, trong khi bản thân lại nghĩ “để anh em trẻ hơn nó làm”…

Để rồi,  dày xéo tâm trạng, “khốn nạn” như Hộ trong tác phẩm Đời thừa của nhà văn Nam Cao. “Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn... Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi…”. Chao ôi, đoạn văn ấy thật sự ám ảnh những lúc như thế!

“Chẳng có nhà báo nào thành tài mà không làm nội dung, đi lên từ cập nhật tin thời sự”, chính những lời khuyên như thế đã nhen nhóm tinh thần “lửa”. Hay câu chuyện về những đồng nghiệp cùng văn phòng như: nhà báo Ngân Hà, gác lại chuyện gia đình, gửi con nhỏ cho ngoại, sang tận vùng bị ngập lụt bởi vỡ đập thủy điện của nước bạn Lào để cập nhật tin thời sự; nhà báo nữ Hà Hằng ở Nghệ An một mình đi chiếc xe máy cà tàng hết lên các thôn bản miền núi phía Tây, rồi về  tận các làng chài vùng biển để viết những phóng sự lay động lòng người… đã thật sự lan tỏa một năng lượng tích cực.

Lan tỏa, luôn nhắc nhở để rồi tự bản thân lấy đó làm động lực, không được chùn bước và sẵn sàng lao vào những vùng nguy hiểm, vùng không phải mình phụ trách  để hỗ trợ đồng nghiệp, cập nhật kịp thời các bản tin thời sự nhanh nhất đến bạn đọc.

Mọi sự dấn thân mang tâm thế cống hiến đều mang lại quả ngọt. Những thông tin thời, bài viết tự khai thác trong các vụ sạt lở ở Huế, Quảng Trị, Quảng Nam vừa qua, tôi may mắn được đồng nghiệp đánh giá cao và về “cơm áo” là một tháng với nhuận bút như thời hoàng kim của báo.

Báo chí đang trong giai đoạn rất khó khăn, nhưng phải hiểu việc thực hiện công tác quy hoạch, tinh gọn báo chí “không phải để siết báo chí mà làm cho báo chí phát triển lành mạnh, bền vững hơn, vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc….”. Tờ báo hay tạp chí không làm nên tên tuổi người phóng viên, mà chính phóng viên là người làm nên tên tuổi tờ báo, tạp chí ấy… Bởi vậy, trước những khó khăn  phải luôn giữ “lửa” nghề bằng việc viết thường xuyên, bền bỉ, kiên trì, trau dồi bút lực, giữ các nguồn tin, trực tiếp gặp nhân vật, giữ mối liên hệ chặt chẽ với đồng nghiệp địa bàn… Nhóm “lửa” bằng việc gom nhặt những “thanh củi” nhỏ, và khi một khi đã “cháy” thì điều quan trọng là dù mưa giông, bão tố phải luôn giữ để ngọn lửa ấy không lụi tàn…

LÊ CÔNG THÀNH

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.