Một buổi làm việc của tổ công nhân Xí nghiệp thoát nước số 4 Hà Nội tại kênh nước đen trên đường Giải Phóng với các công cụ thô sơ như xẻng, xô, chậu, còn bảo hộ lao động được trang bị từ năm 1997, người nào hay phải chui ngập dưới nước thải thì được trang bị thêm áo cao su.
Không chỉ lội mương, các anh còn phải chui xuống dưới hố ga hoặc cống ngầm dưới lòng thành phố.
Đây là một công việc cực kỳ khó khăn và vất vả do công nhân tiếp xúc trực tiếp với nước thải độc hại, rất nhiều tai nạn đã xảy ra khi dẫm phải kim tiêm, mảnh sành thậm chí dao kiếm dưới cống nước thải.
Trong ảnh là anh Phạm Xuân Giao, đã 27 năm làm nghề chui dưới cống dọn dẹp rác thải. Anh kể, nhiều đoạn cống ngầm đường kính chỉ 60-80 cm, nước thải ngập gần kín miệng cống anh vẫn phải đầm mình mỗi lượt 30 phút nạo vét hàng chục xô gạch đá rác thải lên để thông dòng chảy.
Cả công nhân nam lẫn nữ cùng nhau làm một công việc xúc bùn, nạo vét, bưng xách là chuyện bình thường.
Lương trung bình mỗi một công nhân khoảng 5 triệu đồng/tháng. Vất vả nhất là mùa mưa bão, họ thay nhau trực 24/24h tại các điểm trọng yếu về ngập úng.
Chị Kim Thanh, một công nhân của Xí nghiệp than thở, nhiều người dân rất thiếu ý thức trong việc quăng đổ rác thải xuống các con mương, kênh hay sông của thành phố. Điều đó khiến cho các anh chị ngày càng vất vả hơn.
Tuy nhiên với họ niềm vui lớn nhất là giúp thông suốt các dòng chảy và làm xanh sạch đẹp môi trường. Mỗi một xô bùn như một sản phẩm ra lò của các anh chị.
Sau mỗi buổi làm việc nặng nhọc, các chị thường nhờ người dân tại các điểm xung quanh có nước để rửa chân tay, giặt qua bộ trang phục bảo hộ trước khi về.
Còn cánh đàn ông thì tranh thủ tiện đâu rửa mặt đấy, thậm chí là nước trong xe bồn.
Các anh tâm sự, để làm và gắn bó được với nghề này cần một sức khỏe tốt và phải biết yêu nghề nếu không sẽ khó trụ lại được.
Theo Tri thức