Rõ ràng một điều, người Việt Nam vẫn có thói quen là giữ tiền mặt hơn là gửi ở ngân hàng. Trong giao dịch mua bán, người dân vẫn thích "tiền tươi thóc thật", tự mình thanh toán và nhận hàng. Do đó, việc có nhiều luồng ý kiến trái chiều về dự thảo nghị định của VCCI cũng là điều dễ hiểu.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Thiện (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, việc thanh toán qua thẻ ATM có nhiều điểm hữu dụng và các nước phát triển họ đã áp dụng việc này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thực tế cho thấy, các điều kiện để áp dụng nghị định trên là chưa đủ. Mặt khác, người dân vẫn có thói quen thanh toán bằng tiền mặt nên Nhà nước cần cân nhắc kỹ tính khả thi, hợp lý trong dự thảo.
Cũng theo anh Thiện, dự thảo cũng cần quy định cụ thể về điều kiện an toàn của hệ thống công cụ hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt như các cây ATM, máy thanh toán... Mặt khác, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ nếu trong trường hợp xảy ra sự cố, lỗi gây thất thoát tài sản và quyền lợi của bên sử dụng dịch vụ. Anh Thiện dẫn chứng, thời gian qua không ít máy ATM xảy ra các sự cố đáng tiếc như báo hết tiền, máy hỏng, nhả tiền rách, trừ tiền sai của khách hàng. Thậm chí, một số máy còn ngừng hoạt động trong thời gian dài không rõ lý do... Thường thì khi gặp trường hợp này, người chịu thiệt là khách hàng, còn đơn vị cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm gì.
Cùng quan điểm với anh Thiện, chị Đinh Mai Ly, nhân viên kế toán ở Từ Liêm (Hà Nội) tỏ thái độ không đồng tình với dịch vụ của ngân hàng. Đặc biệt, trong năm 2013, ngân hàng "bỗng dưng" thu phí ATM cho mỗi lần giao dịch. Theo chị Ly, với quy định này, người dân "thiệt đơn thiệt kép" khi thanh toán qua thẻ, chuyển khoản. Nhân viên kế toán này cho rằng, thực tế, dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Hiện nay, một trong các phương tiện thanh toán mới là thẻ thanh toán giao dịch qua máy ATM, máy quẹt thẻ POS. Tuy nhiên, việc thanh toán tiền mua hàng, trả phí dịch vụ qua máy POS còn rất hạn chế vì không có đủ máy quét cho nhiều loại thẻ của các ngân hàng. Bên cạnh đó, do thói quen mua sắm của người tiêu dùng và khâu thanh toán khiến thương mại điện tử ở Việt Nam còn chậm phát triển. Người mua và bán vẫn thích thực hiện theo phương thức "tiền trao cháo múc" cho chắc ăn.
"Tôi nghĩ về lâu dài, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt là hợp lý. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta chưa thể thực hiện được việc này. Hơn nữa, cần có thời gian để thay đổi tư duy, thói quen của người dân trong việc sử dụng tiền mặt", chị Mai Ly nhận định.
Văn Khê