'Khát' nước sạch ngay trên đất Thủ đô
Thiếu nước sạch không phải là điều gì quá ghê gớm nhưng với một số người dân ở giữa Thủ đô thì phát sinh nhiều chuyện bi hài.
Cứ đến hè, người dân thôn Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lại khổ sở đi mua/xin từng can nước cho sinh hoạt hàng ngày. Sử dụng tất cả những gì có thể để chứa nước (Ảnh Internet).
Thị trấn Yên Viên hiện có hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa ngành như xà phòng, xi-măng, nhựa đường, than tổ ong…
Đáng nói là, nước thải từ các cơ sở này hầu như chưa được xử lý, hoặc xử lý không triệt để, rồi xả ra môi trường, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng.
> Ảnh: Hàng nghìn dân thủ đô ăn uống bằng nước ao tù
Hiện, gần 14.000 khẩu sinh sống trên địa bàn đang phải dùng nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng, có chứa nhiều chì, sắt và măng-gan. Một người dân ở tổ Yên Tân cho biết: Tôi về đây sinh sống từ những năm 1980, từ đó đến nay, mọi sinh hoạt của gia đình đều bằng nước giếng khoan. Mặc dù gia đình đã dùng than hoạt tính và cát vàng để lọc nước nhưng chỉ được 1 - 2 tháng là than và cát trong bể lọc đã kết lại thành tảng đen ngòm. Mọi đồ dùng đựng nước đều bám đầy cặn.
“Do nguồn nước từ giếng khoan không đảm bảo chất lượng nên gạo trắng nấu lên ngả màu nâu, còn quần áo thì cứ 1-2 tuần lại phải tẩy trắng một lần”, chị Phượng ở tổ Yên Hà nói.
Để đảm bảo sức khỏe, nhiều gia đình ở đây đã phải “thắt lưng buộc bụng” mua nước sạch về nấu ăn, tuy nhiên, chỉ hộ khá giả mới có điều kiện mua nước tinh khiết thường xuyên còn hộ thu nhập thấp thì đành chấp nhận sử dụng nguồn nước bẩn.
Điều khiến người dân nơi đây băn khoăn là nhiều vùng xa trung tâm huyện như Dương Xá, Dương Quang, Phú Thị… nhưng đã có nước sạch từ lâu, vậy mà ở nơi đông dân như thị trấn Yên Viên thì lại “khát” nước sạch.
Được biết, tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND huyện, thành phố, cử tri thị trấn Yên Viên đều đề nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng phương án cung cấp nước sạch, nhưng đến nay, nguyện vọng chính đáng của bà con vẫn chưa được giải quyết.
Nghèo nhưng vẫn phải sống kiểu... đại gia
Thôn Văn (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì) hiện có 429 hộ dân nhưng phần lớn người dân trong thôn chưa được dùng nước sạch. Hai trạm bơm với công suất khiêm tốn chỉ đủ đáp ứng cho 1/3 số dân. Tức là có khoảng 350 hộ vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Khảo sát một vòng quanh thôn, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp tình trạng người dân đi chở nước sạch mua lại từ các xã lân cận. Đời sống cao hơn chút nữa thì nhấc điện thoại gọi nước bình tinh khiết để sử dụng cho gia đình.
Theo chị Phạm Hảo (thôn Văn) cho biết, gia đình chị gồm hai vợ chồng và một cháu nhỏ, hàng tháng chỉ dám dùng nước bình vào việc ăn uống, nấu nướng; còn việc tắm rửa vẫn phải “trung thành” với nước giếng khoan. Chị Hảo chia sẻ: “ Mỗi bình nước giá 15.000 đồng, mỗi tháng gia đình dùng hết khoảng 10 bình thì chi phí đã lên tới 150.000 đồng. Vào những tháng cao điểm mùa nóng, số lượng có thể còn tăng gấp đôi nên cũng tốn một khoản kha khá chi phí cho nước sạch rồi. Trời nắng nóng như mấy ngày hôm nay mọi sinh hoạt hàng ngày từ tắm giặt, rửa rau, vo gạo, chăn nuôi đều phải tính toán sao cho tiết kiệm”.
Chị Hằng - người cung cấp nước bình
Vừa dứt lời, một người phụ nữ khệ nệ khiêng bình nước khoảng tầm 20 lít bước vào. Chị Hảo giới thiệu đó là chị Hằng – người được dân trong khu gọi vui là “trạm bơm nước cơ động” cho toàn ngõ. Chị Hằng xởi lởi cho biết: Một ngày chị thường chở từ 15 - 20 bình nước cho khách.
Phóng viên thắc mắc vì đã tìm hiểu “đỏ mắt” các nhà cung cấp quanh đây nhưng không hề thấy xuất hiện các nhãn hiệu nổi tiếng… mà chỉ thấy các tên tuổi lạ hoắc. Chị Hằng lý giải: “Do giá thành cao nên ở đây những nhãn hàng đó không tiêu thụ được. Loại nước tôi cung cấp có tên là Queen bee, Minchi, tuy nhiên phổ biến nhất ở đây vẫn là loại bình 20 lít mang nhãn hiệu King với giá thành 15.000 đồng/bình. Loại này ở những chỗ khác người ta thường lấy 16.000 đồng - 17.000 đồng/bình nhưng tôi chỉ lấy giá mềm 15.000 đồng/bình thôi nên khách gọi nhiều”.
Bình lọc nước nhân tạo
Đáng lo ngại hơn, kết quả kiểm tra một số mẫu nước tại địa bàn huyện Thanh Trì trong thời gian gần đây cho thấy: Hàm lượng asen ở trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, hàm lượng amoni dao động từ 10 đến 28 mg/l, cao 6-18 lần. Trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, ông Nguyễn Việt Bắc, đại diện Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), cho rằng: “Amoni ở mức này mặc dù chưa đến tình trạng báo động đỏ nhưng về lâu dài nếu sử dụng nguồn nước có chứa amoni với nồng độ cao sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe”. |
Phú Sang (t/h)