Đi vào hoạt động từ năm 2007, Khu Xử lý chất thải rắn Bình Nguyên (gọi tắt là khu xử lý) do Công ty CP Cơ điện môi trường Lilama quản lý, có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nơi đây chủ yếu tiếp nhận xử lý chất thải rắn từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các nhà máy khác trong Khu Kinh tế Dung Quất.
Ô chôn lấp chất thải rắn của Khu Xử lý chất thải rắn Bình Nguyên
Ô nhiễm nghiêm trọng
Đến thời điểm hiện tại, khu xử lý đã hoàn thành một số hạng mục chính như 1 ô chôn lấp chất thải sinh hoạt, công nghiệp; 1 lò đốt chất thải rắn nguy hại với công suất 500 kg/giờ; hệ thống hóa rắn tái chế chất thải nguy hại…, được Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định, phê duyệt và cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại.
Ông Nguyễn Văn Tứ (ngụ thôn Đông Bình, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi) cho biết ban đầu, người dân tưởng khu xử lý này chỉ xử lý rác thải sinh hoạt nhưng sau đó thấy rác thải công nghiệp từ khắp nơi tràn về. Đáng nói, khu xử lý chôn rác nguy hại dưới đất, nước rỉ rác xả theo suối chảy về ruộng đồng, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Bà Nguyễn Thị Lân (ngụ thôn Hoài Bân, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành - Quảng Nam) cho biết do nhà máy nằm sát ranh giới tỉnh Quảng Nam nên mỗi khi đốt chất thải, mùi hôi nồng nặc bay về khắp thôn xóm, khiến nhiều người đau đầu, nôn ói. Hơn nữa, khi xử lý nước rỉ rác, họ cho nước xả chảy thẳng ra suối, nước theo suối chảy về bên này làm cá chết, người dân ai lội xuồng đều bị ngứa...
Vì vậy, từ năm 2012, người dân xung quanh bãi rác đã nhiều lần chặn xe, phản đối. Nghiêm trọng nhất từ ngày 14-3 đến nay, hàng trăm người dân 2 tỉnh đã thay phiên chặn xe chở rác thải công nghiệp vào khu xử lý, đồng thời kiến nghị cần phải di dời nhà máy, không được chôn chất thải công nghiệp như hiện nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu xử lý này là 1 trong 5 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng (theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg về các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng) do UBND tỉnh Quảng Ngãi xác nhận và buộc khắc phục ô nhiễm trước tháng 9- 2013.
Xử lý đã đạt chuẩn?
Khu xử lý chỉ cách khu dân cư (nằm trên Quốc lộ 1A) khoảng 2 km. Nằm sát khu dân cư là một hồ lớn khoảng 2 ha là nơi chứa nước rỉ rác… Bên trong khu xử lý khá rộng, mùi hôi bốc lên nồng nặc, khói trong nhà máy đốt chất thải nguy hại không ngừng tỏa ra môi trường. Chúng tôi cũng bắt gặp các công nhân đang đào hố chôn lấp chất thải.
Ông Huỳnh Vĩnh Phúc, Phó Giám đốc Công ty CP Cơ điện môi trường Lilama, cho biết công ty đã khắc phục bằng cách lập phương án không xả nước thải ra môi trường. Nước thải trung bình từ 10-15 m3/ngày được xử lý đạt chuẩn. Từ tháng 10-2012 đến nay, toàn bộ nước xả thải đã qua xử lý được tái sử dụng để tưới cây, phục vụ sản xuất, không còn xả ra môi trường nữa.
Về chất thải rắn, mỗi ngày khu xử lý tiếp nhận khoảng 32 tấn rác thải sinh hoạt, 2 tấn chất thải nguy hại, 18 m3 rác thải công nghiệp (chủ yếu là chất xúc tác từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất). Toàn bộ chất thải công nghiệp và nguy hại được xử lý bằng phương pháp hóa lý, sản xuất gạch không nung và chôn lấp. Trong số 18 m3 rác thải công nghiệp, tái chế sản xuất gạch không nung khoảng 3 m3/ngày, 15 m3 còn lại chôn lấp.
“Số đem chôn là bùn nhiễm thành phần nguy hại từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trung bình, số lượng chôn khoảng 14 tấn/tháng. Còn về phương án di dời khu chôn lấp, hiện đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi” - ông Phúc cho biết.
Phải di dời khu chôn lấp Ông Phạm Phượng, chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết vài ngày tới sẽ họp dân để giải thích việc chặn xe là hành động trái pháp luật nhằm tạo điều kiện cho khu xử lý hoạt động trở lại. Công ty Lilama phải xử lý triệt để mùi hôi từ các xe chở rác. Về lâu dài, Công ty Lilama có trách nhiệm xây dựng lộ trình di dời khu chôn lấp chất thải ra xa khu dân cư và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. |
Theo Người lao động