Người Kurd là dân tộc lớn nhất thế giới hiện nay không có quốc gia. Ảnh: NBC New.s
Trên thế giới có một dân tộc với lịch sử trải dài từ Ai Cập tới Iran. Họ là dân tộc có quy mô dân số lớn thứ 4 ở Trung Đông, có ngôn ngữ, văn hóa, và lịch sử riêng. Sau Thế chiến I, khi đế chế Ottoman sụp đổ, họ cũng được hứa hẹn về một quốc gia riêng. Nhưng rồi những hiệp định do phương Tây dàn xếp bị xé bỏ khiến giấc mộng ấy không bao giờ thành hiện thực.
Đó là cộng đồng người Kurd. Do nhiều yếu tố khách quan, người Kurd hiếm khi có được một chính quyền thống nhất trong lịch sử. Nhưng vào thế kỷ 12, từ dòng dõi của một gia đình quân sự người Kurd, một đế chế mới trỗi dậy ghi dấu ấn người Kurd vào lịch sử Hồi giáo và cả phương Tây, theo History.
Vương triều rực rỡ nhất của người Kurd
Trong lịch sử Trung Đông, không nhiều vương triều của một dân tộc thiểu số lại đạt đến đỉnh cao rực rỡ như vương triều Ayyubid của người Kurd vào thế kỷ 12–13. Được sáng lập bởi Salah ad-Din Yusuf ibn Ayyub – hay còn gọi là Saladin – triều đại này từng kiểm soát lãnh thổ trải dài từ Ai Cập, qua Syria, Hijaz, Yemen cho đến miền bắc Iraq và đông nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Saladin sinh ra trong một gia đình quý tộc người Kurd tại Tikrit (Iraq ngày nay) vào năm 1137. Cha ông là Ayyub ibn Shadhi, một viên tướng phục vụ dưới trướng Imad al-Din Zengi, người sáng lập vương triều Zengid – một thế lực Hồi giáo hùng mạnh kiểm soát Mosul, Aleppo và phần lớn Syria trong thế kỷ 12.
Vương triều Zengid là một phần của nỗ lực Hồi giáo nhằm chống lại các cuộc Thập tự chinh của phương Tây. Sau khi Zengi bị ám sát bởi một nô lệ trong doanh trại tại Mosul (nay thuộc Iraq) vào năm 1146, con trai ông là Nur al-Din Zengi tiếp tục củng cố quyền lực ở Syria và trở thành người bảo trợ quan trọng của Saladin.
Saladin ban đầu phục vụ dưới quyền Shirkuh, chú ruột và tướng của Nur al-Din. Khi Shirkuh qua đời năm 1169, Saladin được bổ nhiệm làm tể tướng Ai Cập dưới triều đại Fatimid đang suy yếu. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, ông tuyên bố lập ra vương triều Ayyubid của người Kurd.
Saladin là chiến binh người Kurd từng thống lĩnh quân đội đánh bại cuộc Thập tự chinh thứ ba của phương Tây.
Với uy tín chính trị và tài quân sự, Saladin nhanh chóng mở rộng lãnh thổ từ Ai Cập đến Syria, Yemen, Hejaz (phía tây Ả Rập Saudi ngày nay), và cả Kurdistan (đông nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), đặt thủ đô tại Cairo (nay thuộc Ai Cập).
Sau khi Nur al-Din qua đời (1174), Saladin sáp nhập Damascus, Aleppo (Syria) và Mosul (Iraq), thống nhất hầu hết vùng đất Ả Rập và Hồi giáo Sunni từ bờ Đông Địa Trung Hải đến thung lũng Tigris, tạo nên một đế chế lớn chưa từng có kể từ thời Abbasid (vương triều Hồi giáo lớn thứ ba kể từ thời nhà tiên tri Muhammad).
Nhưng di sản lớn nhất của Saladin không chỉ nằm ở lãnh thổ, mà còn ở vị trí biểu tượng. Ông là người đã giành lại vùng đất Thánh Jerusalem cho thế giới Hồi giáo vào năm 1187 – một chiến công được người Ả Rập nể phục. 2 năm sau, vua Pháp Philip II cùng vua Anh Richard I và hoàng đế Frederick Barbarossa của đế quốc La Mã Thần thánh, tuyên bố mở cuộc Thập tự chinh thứ ba nhằm giành lại Jerusalem, đối đầu với quân đội của Saladin nhưng không thành công.
“Saladin là hiện thân của phẩm giá giữa chiến tranh và lòng khoan dung giữa thù địch", nhà sử học Steven Runciman viết trong cuốn sách Lịch sử Thập tự chinh (A History of the Crusades) năm 1951.
Dù vương triều Ayyubid chỉ tồn tại hơn 70 năm trước khi bị lật đổ, nó vẫn được người Kurd xem là thời kỳ hoàng kim duy nhất khi họ nắm quyền lực lớn mạnh và được thế giới Hồi giáo công nhận. Vương triều Ayyubid suy yếu do mâu thuẫn nội bộ giữa các nhánh trong hoàng tộc, khiến lãnh thổ bị chia cắt và quyền lực trung ương suy giảm. Tận dụng thời cơ, vương triều Mamluk, ban đầu là lực lượng nô lệ quân sự từng phục vụ dưới trướng Ayyubid, đã thâu tóm quyền lực tại Ai Cập năm 1250, chấm dứt hoàn toàn triều đại do Saladin sáng lập.
Người Kurd dưới sự thống trị của đế chế Ottoman
Sau sự sụp đổ của vương triều Ayyubid, cộng đồng người Kurd bị chia cắt và dần rơi vào sự kiểm soát của các đế chế lớn: trước là Mamluk và Safavid, sau đó là Ottoman (từ thế kỷ 16 cho đến đầu thế kỷ 20).
Dưới thời đế chế Ottoman, người Kurd không bị đồng hóa hoàn toàn, mà được quản lý thông qua các lãnh chúa phong kiến địa phương, đổi lại sự trung thành chính trị và đóng thuế. Nhiều tộc người Kurd giữ được tiếng nói, truyền thống bộ tộc, và vai trò quân sự nhất định – đặc biệt trong các chiến dịch chống lại quân Ba Tư.
Tuy nhiên, sau thế kỷ 19, khi đế chế Ottoman bắt đầu tiến hành cải cách hành chính, tập trung vào trung ương hóa, các quyền lực địa phương của người Kurd dần bị thu hẹp. Một số cuộc nổi dậy như của Bedir Khan Beg (1847) bị đàn áp đẫm máu. Đến cuối thế kỷ 19, người Kurd phần lớn bị xem là một dân tộc vùng biên gắn liền với bất ổn và nổi loạn.
Người Kurd tái xuất sau Thế chiến I và lời hứa của phương Tây
Khi đế chế Ottoman sụp đổ sau Thế chiến I, các dân tộc từng nằm dưới ách thống trị bắt đầu đòi quyền tự quyết. Người Hồi giáo Ả Rập có nhà Hasemite lãnh đạo, người Do Thái nhận được Tuyên bố Balfour từ phương Tây (tuyên bố ủng hộ việc thành lập quốc gia của người Do Thái ở vùng đất nay là Palestine). Người Kurd cũng nổi dậy, tin rằng thời khắc lập quốc đã đến.
Nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Kurd (màu đậm) vào năm 2002.
Vào thời điểm 1920, người Kurd có số dân hơn 10 triệu người. Họ sống tập trung ở các vùng lãnh thổ ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Iran và Armenia.
Người Kurd có văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử riêng. Các thủ lĩnh bộ tộc và trí thức người Kurd gửi bản kiến nghị tới các hội nghị quốc tế, yêu cầu được công nhận như một dân tộc có quyền thành lập nhà nước.
Lúc này, các nước phương Tây, đặc biệt là Anh, Pháp và Italia, phân chia lãnh thổ Ottoman, đỉnh điểm là Hiệp ước Sevres ký ngày 10/8/1920. Đây là một trong những hiệp định thời hậu chiến tham vọng nhất, đặt nền móng cho trật tự Trung Đông hiện đại – và cũng là nơi lần đầu tiên quyền lập quốc của người Kurd được ghi nhận bằng văn bản quốc tế.
Điều 62–64 của hiệp ước quy định:
• Một ủy ban quốc tế (trong đó có đại diện Anh, Pháp và Italia) sẽ được thành lập để xác định ranh giới của một vùng người Kurd tự trị tại phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, trải dài từ Erzurum đến Mosul.
• Trong vòng một năm, nếu người Kurd bày tỏ nguyện vọng độc lập và Hội Quốc Liên (League of Nations) đồng ý, vùng tự trị này sẽ trở thành một quốc gia Kurd độc lập.
• Các quyền lợi của cộng đồng người Kurd ở các nước láng giềng (như Iran và Iraq) cũng sẽ được cân nhắc trong các cuộc đàm phán song phương.
Hiệp ước này được nhiều trí thức và thủ lĩnh người Kurd xem như một chiến thắng lịch sử sau hàng thế kỷ không có tiếng nói chính trị.
“Lần đầu tiên, một quốc gia không tồn tại lại được đề cập trên giấy tờ quốc tế như thể nó sắp ra đời”, nhà sử học người Kurd Kendal Nezan nói, theo Viện Nghiên cứu người Kurd ở Paris, Pháp.
Bộ Ngoại giao Anh lúc đó cũng thể hiện sự đồng tình. Một bản ghi nhớ năm 1920 viết: “Người Kurd là dân tộc hiền hòa, không gây rắc rối cho phe Hiệp ước, và xứng đáng có cơ hội thành lập quốc gia riêng”.
Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở lời hứa. Không có cơ chế thực sự được thành lập để thực thi Điều 62–64. Các cuộc họp của Hội Quốc Liên không bao giờ thông qua kế hoạch lập quốc cho người Kurd. Mỹ khi đó cũng không ủng hộ mạnh mẽ vấn đề lập quốc cho người Kurd, vì theo đuổi chính sách rút khỏi các can dự ở châu Âu và Trung Đông.
Giấc mộng lập quốc không thành
Chỉ 3 năm sau, hiệp ước Sevres bị hủy bỏ. Nguyên nhân chính là do một thế lực mới trỗi dậy tại Anatolia (vùng tiểu Á). Mustafa Kemal Ataturk, người lãnh đạo thế lực mới này, đấu tranh cho sự độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ trước sự ảnh hưởng của phương Tây và can thiệp từ bên ngoài.
Sau khi đế chế Ottoman cũ bị ép ký Sevres, Ataturk thành lập một chính phủ đối lập tại Ankara năm 1920, tuyên bố không công nhận hiệp ước. Dưới khẩu hiệu “Toàn vẹn lãnh thổ cho Thổ Nhĩ Kỳ”, ông lãnh đạo lực lượng trung thành đánh bại các đội quân Hy Lạp, Armenia và lực lượng thân phương Tây tại Anatolia.
Chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ trước Hy Lạp trong Chiến tranh Greco–Turkish (1919–1922) đã khiến phe Hiệp ước phải đánh giá lại toàn bộ cục diện. Anh và Pháp, vốn đã mệt mỏi vì chiến tranh, không muốn tiếp tục can thiệp quân sự để ép Ankara chấp nhận chia đất như hiệp ước Sevres. Điều này dẫn đến việc Anh, Pháp, Italia và một số nước khác ký Hiệp ước Lausanne với Thổ Nhĩ kỳ vào ngày 24/7/1923. Hiệp ước này:
• Thừa nhận toàn vẹn lãnh thổ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại
• Xóa bỏ các điều khoản về người Kurd trong Hiệp ước Sevres
• Không còn đề cập đến quyền lập quốc của người Kurd
“Lausanne không chỉ là một hiệp ước, mà là sự đầu hàng của phương Tây trước thực tế mới ở Thổ Nhĩ Kỳ”, nhà nghiên cứu David Fromkin nhận xét trong cuốn sách “Một nền hòa bình chấm dứt mọi hòa bình” (A Peace to End All Peace).
Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về người Kurd
Người Kurd ngày nay sống chủ yếu ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria. Ảnh: National Geographic.
Ban đầu, trong quá trình kháng chiến, Ataturk từng sử dụng khẩu hiệu “người Thổ và người Kurd là anh em” để vận động sự ủng hộ của các bộ tộc người Kurd ở Anatolia. Người Kurd đã tham gia chiến đấu chống Hy Lạp và Armenia (hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ) trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, sau khi nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập (năm 1923), Ataturk thay đổi lập trường. Để xây dựng một quốc gia hiện đại theo mô hình châu Âu, ông áp dụng chính sách cứng rắn:
• Từ chối thừa nhận người Kurd là dân tộc riêng biệt, gọi họ là “người Thổ miền núi”
• Cấm ngôn ngữ, tên địa danh, sách vở và văn hóa bản địa của người Kurd
• Trấn áp các cuộc nổi dậy của người Kurd
Ataturk tin rằng mọi sắc tộc trong lãnh thổ mới đều phải trở thành “người Thổ”, và trong tư tưởng quốc gia của ông, người Kurd là mối đe dọa đối với sự thống nhất của nước cộng hòa mới thành lập.
“Người Kurd đã bị sử dụng như một con bài chiến lược, và khi không còn giá trị, họ bị bỏ lại phía sau”, nhà báo Robert Fisk bình luận vào năm 1999, theo báo Anh Independent.
Đến cuối thế kỷ 20, cộng đồng người Kurd phát triển với quy mô dân số lên tới 35 triệu người, trở thành dân tộc lớn nhất thế giới không có quốc gia.
Lịch sử huy hoàng và thực tế khắc nghiệt
Có thể nói, người Kurd từng có Saladin. Họ từng cai quản Jerusalem, đánh bại thập tự chinh. Họ từng chiến đấu cùng phương Tây chống lại đế chế Ottoman, và từng được quốc tế hứa hẹn một quốc gia riêng.
Nhưng sau gần một thế kỷ, cộng đồng người Kurd sinh sống rải rác trong lãnh thổ 5 quốc gia, dù đôi khi có sự tự chủ nhất định. Ở thời điểm hiện nay, cộng đồng người Kurd có quy mô ước tính từ 35 - 45 triệu người.
“Người Kurd không có bạn bè – chỉ có núi”, một câu ngạn ngữ vẫn của người Kurd ngày nay còn được nhắc lại, ám chỉ nơi dân tộc này sinh sống, từ vùng núi Qandil ở vùng Kurdistan đến các trại tị nạn ở Syria.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp