Dân trực tiếp bầu chủ tịch huyện: 'Chuyện này rất nhạy cảm'

Dân trực tiếp bầu chủ tịch huyện: 'Chuyện này rất nhạy cảm'

Thứ 2, 16/09/2013 19:47

Xung quanh đề xuất dân trực tiếp bầu chủ tịch huyện, xã, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Xuân Mỹ, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đảng, học viện Báo chí và Tuyên truyền, học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Có thể xuất hiện lợi ích nhóm

Ông đánh giá thế nào về đề xuất dân bầu trực tiếp chủ tịch huyện, xã?

Vấn đề này phải rất thận trọng, phải đúng pháp luật. Từ xưa đến nay, Hiến pháp của chúng ta hiện chưa cho dân bầu trực tiếp Chủ tịch nước, Tổng thống như các nước mà dân bầu đại biểu của mình trong Quốc hội, Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Thông thường, dân bầu cả một hội đồng nhân dân (HĐND) rồi HĐND bầu ra Ủy ban Nhân dân (UBND) rồi UBND bầu ra Chủ tịch, phó Chủ tịch. Ngoài ra, việc được chọn người lãnh đạo của mình sẽ phát huy được trí tuệ của dân. Đây là vấn đề bỏ HĐND thì mới đặt ra vấn đề dân trực tiếp bầu. Chuyện này rất nhạy cảm. Nhìn ở mặt tích cực, đề xuất này tốt ở chỗ đông người bầu hơn thì dân chủ. Khi dân trực tiếp bầu một người chủ tịch hoặc người đứng đầu một chính quyền địa phương là dân chủ nhưng nếu tổ chức không tốt thì sẽ tách rời sự lãnh đạo của Đảng, mất định hướng.

Theo tôi, nếu dân bầu trực tiếp như trên thì phải góp ý vào Hiến pháp thì mới làm được.

Xã hội - Dân trực tiếp bầu chủ tịch huyện: 'Chuyện này rất nhạy cảm'

PGS.TS Phạm Xuân Mỹ.

Có ý kiến cho rằng nếu dân bầu trực tiếp mà lại cho giới thiệu một, bầu một thì không có nghĩa?

Việc này rất đúng. Nếu cứ một bầu một thì có thể bị lợi dụng. Khi dân được bầu trực tiếp, nên giới thiệu nhiều chứ không nên chỉ là một lựa chọn. Phải có chương trình hành động cho dân bầu nhiều. Tôi lo ngại khi vấn đề này chưa có trong Hiến pháp của mình, vậy chưa thể bàn ra cái mà mình chưa thực hiện. Bây giờ còn đang xem có nên bỏ HĐND mà việc này đã bàn cách đây 5 năm vẫn chưa được quyết.

Khi dân được bầu trực tiếp chủ tịch huyện, xã thì có sợ sẽ xảy ra lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm không, thưa ông?

Vấn đề này xảy ra nhiều cái chứ không chỉ lợi ích dòng họ. Nếu mình theo luân chuyển cán bộ, người lãnh đạo theo kiểu người của địa phương không thể là chủ tịch của nơi đó, luân chuyển cán bộ để tránh dòng họ thì có thể xuất hiện lợi ích nhóm. Theo tôi, khi Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú cho dân bầu thì phải nắm cán bộ đó. Cần nhớ trong văn kiện có ghi: "Chính trị là một vấn đề nhạy cảm cho nên phải rất thận trọng, rất chín chắn".

Thực tế thì ở nhiều xã miền núi, “quan xã” không có trình độ vẫn được bầu, theo ông thì lỗi do đâu?

Lỗi ở đây do khâu đào tạo chưa được chuẩn hóa. Khi không quy hoạch sớm, cứ cho người ta đi đào tạo đến lúc thiếu cán bộ thì phải dùng. Hiện, một số cán bộ xã ở vùng núi không có trình độ đại học nhưng vẫn có trình độ trung cấp, học các lớp bồi dưỡng chứ chúng ta cũng không nên đánh đồng rằng họ không có trình độ. Cốt yếu là trình độ của họ còn thấp.

Sai nhiều khi do không có trình độ

Theo ông, vì sao cán bộ trẻ có năng lực không được chú trọng?

Cán bộ trẻ có năng lực nhưng lại thiếu kiến thức thực tiễn. Những cán bộ trẻ này đôi khi suy nghĩ chưa chín. Nên quy định Đảng ra kết hợp 3 độ tuổi đó là già, trung niên và trẻ. Chứ tôi giả thiết, anh trẻ hăng máu phủ nhận hết quá khứ thì rất nguy hiểm, anh già thì lại mắc lối suy nghĩ bảo thủ.

Nhiều “quan xã” thiếu trình độ khiến những chính sách không đến được dân là do hạn chế của cán bộ xã. Bản thân cán bộ đó không chịu tu dưỡng rèn luyện, không chịu nắm thực tế, cộng với chủ nghĩa cá nhân tham ô, sa  đọa lối sống. Các cấp ủy Đảng phải quan tâm nhiều đến cơ sở. Đảng phải nắm công tác cán bộ cơ sở, tập trung tăng cường kiến thức thực tế, có công tác kiểm tra và có chính sách với cán bộ xã. Cán bộ xã lương bây giờ hơn triệu bạc mà làm việc 8 tiếng, rồi phải đi tiếp xúc với dân... nên ở mặt nào đó phải có chính sách cho họ.

Ông có thể đưa ra một vài giải pháp để dân có thể bầu được cán bộ giỏi?

Muốn dân bầu được cán bộ giỏi thì phải có nhiều kênh, Đảng phải giới thiệu những cán bộ tốt, phải chủ động tạo nguồn từ những năm trước. Theo đó, mỗi một chức danh phải quy hoạch ít nhất ba người, một người có thể quy hoạch cho ba chức danh. Khi quy hoạch xong phải đào tạo bồi dưỡng, phải dìu dắt, quy hoạch nhưng phải nuôi quy hoạch chứ không thả ra được. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, dựa vào đó để giám sát trình độ, năng lực, uy tín, lối sống của những người trong diện quy hoạch này. Ngoài ra, cần dựa vào dân để kiểm tra, những cán bộ nguồn này phải rèn luyện qua thực tiễn.

Cuối cùng thì thiệt thòi vẫn đổ lên đầu dân?

Nhiều khi cán bộ xã nhận thức có hạn, cứ “hở” ra chỗ nào họ chớp chỗ đó để trục lợi, thậm chí chuyện tiền chất độc da cam đưa về không đến bù cho người ta, có nơi thì chiếm tiền hỗ trợ cứu đói, lũ lụt của dân... Phải tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời uốn nắn sửa sai. Cũng có khi người ta sai không phải do cố ý chỉ là do không có trình độ.

Xin cảm ơn ông!

Yến Dương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.