Người bán dạo này đã giết hai nhân viên quản lý đô thị khi họ tấn công và đánh đập anh trong một vụ xô xát năm 2009, cuối cùng anh bị xử tử và đem hỏa thiêu. Anh ra đi bỏ lại người vợ cùng với đứa con trai mới 12 tuổi, vụ án này cũng nhận được rất nhiều sự cảm thông của đông đảo người dân Trung Quốc.
Vợ của tử tù là Zhang Jing (thứ hai từ bên trái) chọn một chiếc hộp để giữ tro cốt của chồng cô Xia Junfeng – một người bán dạo 36 tuổi, tại Nhà Tang lễ Dongling vào 26 tháng Chín 2013 ở Thẩm Dương, Trung Quốc.
Góa phụ Zhang Jing – vợ của Xia đã không được thông báo về việc hành quyết cho tới khi cô đột nhiên được triệu tập đến gặp chồng lần cuối vào sáng sớm ngày 25 tháng Chín. Theo cô Zhang, trong suốt cuộc gặp 30 phút, Xia Junfeng tiết lộ rằng sau khi anh bị bắt giữ và bị đưa đến đồn cảnh sát vào năm 2009, biên bản lấy lời khai của vụ án đã được cảnh sát soạn ra trước và anh buộc phải ký để tránh bị đánh đập.
Sự cố xảy ra vào tháng Năm năm 2009 ở Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh miền Đông Bắc Trung Quốc, trong khi Xia và vợ chạm trán với một nhóm nhân viên quản lý đô thị (còn gọi là chengguan) tại quầy bán thịt không được cấp phép của họ. Những nhân viên này đập phá đồ đạc của Xia và đánh anh khi anh chống cự. Xia tiếp tục bị đánh khi anh bị giải đến đồn cảnh sát. Theo luật sư của anh, đó là do Xia lo sợ cho mạng sống của mình nên đã rút con dao gọt trái cây từ trong túi và đâm chết hai trong số những nhân viên. Một người khác bị thương còn Xia thì bị mất một ngón tay trong vụ hỗn loạn.
Sau khi Xia bị hành quyết, trong một cuộc phỏng vấn của Đài truyền hình, Zhang nói chồng cô chưa bao giờ nhận tội, và anh đã từ chối ký tên vào các tài liệu liên quan. Anh nói với vợ rằng miễn là trong gia đình anh có người vẫn còn sống, người đó sẽ kháng án.
Xia còn nói “Thậm chí có chết anh cũng sẽ không chịu thua.”
Luật sư Tong Zongjin nói: “Tại sao đến 5 giờ sáng vào ngày bị hành quyết Xia mới được gặp gia đình anh? Theo diễn giải pháp lý của Toá án Nhân dân tối cao, Điều 424 của ‘Luật Tố tụng Hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa’ yêu cầu 3 ngày trước khi thi hành án, tòa án nhân dân nơi thụ lý vụ án ở cấp địa phương phải thông báo với Viện kiểm sát nhân dân địa phương để gửi một nhân viên đến giám sát hiện trường. Và điều luật liên quan đến quyền của phạm nhân được gặp người thân là Điều 423. Tại sao gia đình Xia không được thông báo sớm hơn trong khi chỉ riêng việc thông báo đến Viện kiểm sát lại mất ba ngày trước đó?
Zhang tin chắc chồng mình vô tội và bày tỏ thái độ khinh thị đối với tòa án. “Tôi không tin họ nữa”, cô nói. “Chẳng có hành động nào của họ là đáng tin cậy … Thậm chí một kẻ ngốc cũng hiểu rõ sự việc, đừng nhắc tới những người thi hành luật pháp Trung Quốc nữa. Họ đã chìm sâu dưới mức tiêu chuẩn đạo đức tổi thiểu.”
Một bản tuyên bố được ký bởi những luật sư danh tiếng gồm Li Fangping, Teng Biao và Jiang Tianyong cho biết tòa án đã không cho phép các nhân chứng được xác nhận cho hành động tự vệ của Xia.
Cư dân mạng suy đoán rằng Xia có thể là nạn nhân của mổ cắp nội tạng giống những tử tù Trung Quốc khác. Một người có nickname Flowers in April_86673 bình luận: “Người dân có sự nghi ngờ bởi vì thủ tục pháp lý được thực hiện quá nhanh chóng.”
Nhà bình luận Pan Caifu từ Bắc Kinh đã đăng trên trang Sina Weibo rằng: “Tôi đã từng nói chuyện với Hội chữ Thập Đỏ về vấn đề liên quan đến hiến tạng. Một số quy định pháp luật về hiến tạng cần được thông qua càng sớm càng tốt bởi vì tử tù là nguồn hiến tạng chính. Sau khi nội tạng của tử tù bị thu hoạch, thứ duy nhất mà gia đình họ nhận được chỉ là chiếc bình đựng tro. Phương thức này là vô nhân đạo và đang ngày càng chịu áp lực quốc tế gay gắt. Vì vậy, một hệ thống hiến tạng cần được đề xướng và thành lập.
Những tấm ảnh chụp người vợ góa của Xia đang hốt tro cốt của chồng và bức tranh được vẽ bởi cậu con trai 13 tuổi của họ được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội. Một trang web được những người ủng hộ lập ra nhằm tiếc thương Xia nhưng chẳng bao lâu bị xóa bỏ, có thể do sự kiểm duyệt của chính quyền. Sự ủng hộ rộng rãi dành cho Xia phản ánh thái độ khinh thị của người dân ở khắp nơi đối với nhân viên quản lý đô thị và sự thiếu niềm tin vào hệ thống Tư pháp Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post đưa tin rằng các nhà hoạt động xã hội Xiao Qingshan, Zhang Shengyu và Ma Shengfen đã phơi bày một tấm biểu ngữ ở bên cơ quan Tư pháp tỉnh Quảng Châu với dòng chữ: “Những tên quản lý đô thị bạo lực mới đáng chết. Xia Junfeng không đáng phải chết.”
Rất nhiều cư dân mạng đã chỉ trích phán quyết của tòa án và so sánh với vụ án bà Cốc Khai Lai – vợ của viên quan chức Đảng Cộng sản bị thất sủng Bạc Hy Lai. Bà Cốc bị kết án tử hình vì giết một doanh nhân người Anh, nhưng sau đó bản án đã được giảm xuống tù chung thân.
Theo bài báo của tờ New York Times, Tong Zongjin – giáo sư trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật ở Bắc Kinh nói “Nếu Cốc Khai Lai vẫn có thể được sống sau khi đầu độc chết người, thì Xia Junfeng không nên bị xử tử. Điều đó có thể chỉ là một giấc mơ mỏng manh, nhưng để nhấn mạnh rằng mọi người phải được đối xử công bằng trước pháp luật, dù sao cũng không thể chấp nhận việc biến ý tưởng này thành trò đùa.”
Yang Jianli và nhóm hoạt động xã hội của ông ở Mỹ mang tên Initiatives for China (Khởi xướng vì Trung Quốc) đề nghị những người ủng hộ Xia biểu tình vào 10 giờ sáng ngày 1 tháng Mười – theo truyền thống Trung Quốc, người chết sẽ được tưởng nhớ 7 ngày sau khi mất. Tờ báo Apple Daily, có trụ sở chính ở Hong Kong, cho biết cư dân mạng Trung Quốc đang kêu gọi người dân trên khắp cả nước thắp nhang và cầu nguyện vào ngày này.
> Cách trừng phạt quan tham của Trung Quốc
Khải Đơn