Thay đổi biển hiệu vì kinh doanh ế ẩm
Đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân – Hà Nội) được biết đến là con đường kiểu mẫu với việc biển hiệu được mặc “đồng phục” cả về kích thước và màu sắc. Thời điểm mới thông xe, con đường dài 1,5km với những biển hiệu “đồng phục” 2 màu xanh đỏ xen kẽ nền chữ trắng gây “lạ mắt” cho nhiều người.
Tuy vậy, việc “đồng phục” biển hiệu trên đường cũng ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến tranh cãi. Nhiều chuyên gia kinh tế, marketing, chủ cửa hàng cho rằng việc “đồng phục” khiến việc kinh doanh gặp khó. Nhiều khách hàng thậm chí nhầm địa chỉ cửa hàng.
Thời điểm hiện tại (nửa năm sau khi đường có "đồng phục" biển hiệu), nhiều cửa hàng trên đường đã xuất hiện những biển hiệu khác màu, theo đúng thương hiệu mà họ kinh doanh. Trong khi đó, nhiều cửa hàng vẫn sử dụng biển đồng phục nhưng bổ sung thêm biển phía dưới, lắp mái hiên hoặc lắp đèn led để thu hút khách hàng.
Ghi nhận cho thấy, nhiều cửa hàng trên tuyến phố đã trở về với màu sắc, logo truyền thống của mình như sơn Dulux, ga Ngọn lửa thần, bia hơi Hà Nội...
Chia sẻ về việc này một số chủ cửa hàng trên đường cho biết: Việc đồng bộ biển hiệu vừa qua khiến nhiều khách hàng khó phân biệt dẫn đến việc kinh doanh ế ẩm.
“Biển hiệu nào cũng giống nhau khiến khách hàng rối mắt nên họ không kiên nhẫn để tìm tới những tuyến phố khác để mua hàng”, chủ một cửa hàng trên đường Lê Trọng Tấn tâm sự.
Một chủ shop thời trang trên đường cho hay: “Đồng phục biển hiệu khiến việc quảng cáo gần như vô dụng. Chúng tôi không bán được hàng dù sản phẩm rất chất lượng”.
Nhiều chủ cửa hàng khi được hỏi đều ủng hộ việc “đồng bộ” về kích thước nhưng màu sắc, logo thương hiệu phải được tự quyết định.
“Từ khi thay đổi biển hiệu, hàng quán ở đây nhiều khách hơn. Quán chúng tôi đắt khách lên trông thấy”, một chủ hàng trên đường chia sẻ.
Quận Thanh Xuân nói gì?
Trao đổi với PV, bà Lê Mai Trang - Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết: Việc này là do người dân tự ý thay đổi.
Theo bà Trang, qua quá trình kinh doanh, buôn bán việc đồng bộ biển hiệu kiểu mẫu không tạo điểm nhấn, gây khó khăn cho khách hàng.
“Ban đầu người dân ủng hộ nhưng sau quá trình kinh doanh buôn bán thì các biển hiệu giống hệt nhau không tạo điểm nhấn, khiến khách hàng khó tìm… nên người dân đã kiến nghị đề xuất thay đổi màu sắc giữ nguyên kích thước”, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho hay.
Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, ngay từ đầu, quận cũng không chủ trương “đồng phục” mà chỉ vận động người dân ủng hộ nhưng dư luận cũng đã nêu ý kiến. Hiện quận đang nghiên cứu và báo cáo thành phố về những đề xuất của người dân.
Nhất Nam