"Ở miền cát trắng nghèo này, dân quý Tướng Giáp cũng như lãnh tụ Hồ Chí Minh. Giờ bác Giáp đi xa, chúng tôi quyết định lập bàn thờ hương khói tỏ lòng biết ơn", bà Đậu Thị Ngân hơn 70 tuổi, chia sẻ.
Thủa 16 tuổi, bà Ngân gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi trực thăng về thăm quê Quảng Bình. Trang phục quân đội màu xanh, giọng nói trầm ấm của Đại tướng giữa biển dân ngày ấy, đến giờ bà Ngân vẫn còn nhớ mãi. "Vừa bước chân từ trực thăng xuống, bác vẫy chào, vui vẻ trò chuyện nhắc nhở bà con cần kiệm, vô tư, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó nghèo. Hình ảnh bình dị, gần gũi của bác Giáp tôi vẫn còn nhớ rõ", người phụ nữ bồi hồi kể lại.
Hơn 50 năm sau lần gặp ấy, giờ đây nghe tin vị tướng chọn Vũng Chùa chỉ cách nhà mình vài cây số là nơi an nghỉ cuối cùng, lòng bà ngậm ngùi xúc động.
Ông Võ Quang Đạt, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết, từ lâu người dân trong xã nói riêng và người Quảng Bình nói chung luôn sùng kính vị tướng huyền thoại, xem bác Giáp như người thân ruột thịt trong gia đình. Giờ đây Bác đi xa, lại chọn Vũng Chùa yên nghỉ, các gia đình trong xã đã treo cờ rủ, lập bàn thờ chịu tang ông.
Nhiều người dân Vũng Chùa cho biết sẽ lấy ngày chôn cất để làm ngày cúng giỗ tưởng nhớ Đại tướng. Bà Trần Thị Thành đêm qua trằn trọc không sao chợp mắt được: "Miền cát trắng nơi đây nghèo nhất ở Quảng Bình, thế mà nguyện vọng bác Giáp muốn về an nghỉ tại đây khiến chính quyền địa phương lẫn dân đều cảm kích".
Bàn thờ Đại tướng ở nhà chị Trang.
Sáng nay Vũng Chùa có mưa to. Trong khi hàng nghìn người các nơi đến UBND tỉnh Quảng Bình và Nhà lưu niệm Đại tướng ở Lệ Thủy viếng người, thì miền quê nghèo cách TP Đồng Hới 70 km vẫn im vắng. Cái khác chỉ là cờ ở các cơ quan công sở được treo rủ, vệ sinh đường phố sạch đẹp hơn. Không có điều kiện lên tỉnh viếng, các gia đình tập trung nhau ở vài nhà có tivi để cùng theo dõi đài truyền hình tường thuật trực tiếp. Ở nhà chị Lê Thị Thu Trang, nén hương trên bàn thờ Tướng Giáp được thắp nối suốt từ sáng đến giờ không cho tắt.
Gia đình chị Trang từ chiều hôm qua đã lập một bàn thờ Tướng Giáp ở nhà riêng. Chị Trang làm việc tại Hà Nội, mấy ngày nay xin nghỉ phép để về Vũng Chùa tiễn đưa linh cữu Đại tướng. "Từ nhỏ học lịch sử, em từng ngưỡng mộ, sùng kính Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giờ đây Bác chọn an táng ngay chính mảnh đất quê em, thật rất đỗi cảm xúc và tự hào", Trang bộc bạch.
Ngư dân Mai Quốc Đình (áo đen) nguyện thường xuyên thăm viếng, hương khói cho mộ Đại tướng trên núi Rồng.
Ngư dân Nguyễn Trường Sơn, 42 tuổi, thì tự nhủ với lòng sẽ thường xuyên thăm nom hương linh cho mộ Tướng Giáp như cha ông trong gia đình. Nơi vị tướng an nghỉ nhìn ra biển và đảo Yến, nơi ông Sơn hàng ngày hành nghề đánh bắt thủy sản mưu sinh. “Người trở về đất mẹ, chúng tôi sẽ lên núi thắp hương tiễn biệt, cầu mong nơi chín suối Bác sẽ mỉm cười vì chúng con luôn ở bên”, anh Sơn chia sẻ ý định.
Bạn làng chài với ông Sơn là ông Mai Quốc Đình 56 tuổi, vừa kéo xong mẻ lưới ngồi nghỉ chân trên triền cát trắng sát chân núi Mũi Rồng, tâm sự: "Từ nay, chúng tôi sẽ mãi mãi được ở bên Đại tướng, gần gũi Người như cha ông từng nằm xuống mảnh đất thiêng này".
Theo Vnexpress