Những tranh luận trái chiều xung quanh phá Đàn Xã Tắc
Ngày 22/4, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã gửi công văn số 10/2013/HH-CV do chủ tịch Hiệp Hội, ông Bùi Danh Liên ký, gửi tới UBND TP. Hà Nội đề nghị sớm khởi công cầu vượt qua Đàn Xã Tắc và cho rằng việc xóa đi Đàn Xã Tắc là hợp lý vì đó là biểu tượng của chế độ phong kiến mục nát.
Cụ thể nội dung văn bản ghi rõ "Khi cúng tế trời đất, vua chúa quần thần văn võ bá quan “ngựa xe như nước áo quần như nêm”, Đàn Xã Tắc phải có diện tích hàng nghìn m2, chứ không phải chỉ có diện tích mấy trăm m2 đã phát lộ. Chúng ta không cho cầu vượt chạy qua, liệu chúng ta có cho khai quật tại những khu dân cư của các phường giáp ranh không? hoặc giả sử khi thi công đường lại phát hiện một số nền gạch khác thì xử lý ra sao? hay chúng ta dời Hà Nội lên Xuân Mai, Ba Vì?”
> Đọc thêm: 'Người ngu mới nói phá Đàn Xã Tắc để xóa tàn dư phong kiến'
Xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc đang có nhiều ý kiến tranh luận
Đồng thời, văn bản này cũng lập luận “Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy, nhưng cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận. Tâm linh là ở trong tâm thức của con người, khu vực Đàn Xã Tắc không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi lẽ khu vực này đã biến mất mà không ai đoái hoài, ghi nhớ. Tượng đài Nguyễn Huệ và khu di tích gò Đống Đa ghi nhận chiến công hiển hách của “người anh hùng áo vải” đã đuổi sạch bóng quân thù và đập nát triều đại phong kiến “cõng rắn cắn gà nhà ”. Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân. Khôi phục, tôn thờ Đàn Xã Tắc quá mức là phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1km”.
Trong khi lãnh đạo TP Hà Nội và các cơ quan chức năng đang cân nhắc để tìm phương pháp tối ưu cho đề xuất trên, nhiều cuộc tranh luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa đã diễn ra khá gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc xem xét việc xây dựng cầu vượt trên Đàn Xã Tắc bởi yếu tố lịch sử và văn hóa, xây cầu vượt khác nào đi “trên đầu tổ tiên”. Nhiều ý kiến khác phản bác cho rằng, việc xây dựng cầu vượt là cần thiết bởi sẽ giảm được ùn tắc, rất thiết thực, tổ tiên sẽ ủng hộ những việc làm có ích cho con cháu. Đặc biệt hơn, có chuyên gia văn hóa khẳng định “khu vực đó không phải là Đàn Xã Tắc bởi các hiện vật được tìm thấy không chứng minh được đó là khu vực của Đàn Xã Tắc”…
Đáng chú ý nhất trong những ý kiến trên, đó là phát ngôn của nhà sử học Dương Trung Quốc trên báo Infonet khi nói về đề xuất và nhận định của Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng hình ảnh Đàn Xã Tắc đại diện cho chế độ phong kiến mục nát. Ông Dương Trung Quốc nhận xét thẳng thừng: “Đó là câu nói của người... Ngu”.
“Việc giải quyết vấn đề giao thông là việc làm hết sức quan trọng. Tuy nhiên đây là di tích đã được Nhà nước công nhận nên dẫu làm gì cũng phải tuân thủ đúng luật pháp. Ở đây không phải là vấn đề tâm linh mà chọn phương án không vi phạm vào pháp luật”, ông Dương Trung Quốc cho biết.
Trả lời báo chí về phát ngôn của ông Dương Trung Quốc, Chủ tịch HHVT HN Bùi Danh Liên cho biết, “tôi rất trân trọng ý kiến của các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, vì họ là những người nghiên cứu chuyên sâu thì có thể nắm được nhiều thông tin về khu vực Đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, tôi cho rằng nói tôi ngu là hơi quá lời. Đó là văn hóa của người Á Đông. Theo tôi, văn hóa ứng xử phải tôn trọng lẫn nhau, nếu một ai đó có sai thì người khác có thể góp ý, nhưng không thể nói theo kiểu ở quán bia, quán rượu”.
Ông Bùi Danh Liên cho hay, nội dung đưa ra trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội xuất phát từ quan điểm của người làm công tác giao thông, có thể không am hiểu sâu về lịch sử nên quan điểm khác với các nhà nghiên cứu sử, nhưng quan điểm của mỗi người đều phải được nhìn nhận khách quan, công bằng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Đó là câu nói của người...ngu"
"Ông Dương Trung Quốc nên xin lỗi vì nói từ ngu"
Dù có hàng trăm ý kiến khác nhau vẫn đang tranh luận gay gắt về vấn đề trên, Hà Nội đã đồng ý xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đồng ý phương án xây cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Phương án được chọn là phương án 2, làm cầu vượt dầm thép thiết kế theo hướng Vành đai I (Xã Đàn - Hoàng Cầu) có chiều dài 632m, rộng 14,5 m với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 776 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp là 451 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng và thu hồi 549m2 đất của 51 chủ sử dụng là 33,3 tỷ đồng…
Bàn về vấn đề tranh luận và văn hóa tranh luận xung quanh luận điểm của chủ tịch HHVT Hà Nội Bùi Danh Liên và phát ngôn “đó là câu nói của người…ngu” của nhà sử học Dương Trung Quốc, TS. Nguyễn Văn Khải cho rằng phát ngôn của cả hai ông này đều có vấn đề đáng phải bàn.
Nói về việc văn bản HHVT HN do ông Bùi Danh Liên ký cho rằng “việc xóa đi Đàn Xã Tắc là hợp lý vì đó là biểu tượng của chế độ phong kiến mục nát”, TS. Khải cho biết, đó là phát ngôn thể hiện sự kém hiểu biết về lịch sử và văn hóa.
“Triều đại phong kiến nào cũng chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định rồi suy tàn. Vậy có nên cho rằng vì triều đại đó suy tàn cho nên phải bỏ tất cả những gì gọi là thành quả của triều đại đó không? Trong chủ nghĩa Mác, hành động vừa rồi gọi là “phủ định sạch trơn”, đáng bị lên án nếu phát ngôn và lập luận như vậy. Những lập luận như vậy thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử và văn hóa. Không đúng với thực tế. Những người có suy nghĩ như vậy nên bị loại ra khỏi hàng ngũ những người quản lý xã hội”, TS. Khải cho biết.
TS Nguyễn Văn Khải: "Ông Dương Trung Quốc lên xin lỗi vì nói người khác ngu"
Về phát ngôn cho rằng “Đó là lời nói của người…ngu” của nhà sử học Dương Trung Quốc khi nói về vấn đề trên, TS. Khải nhận định, dù có bức xúc thế nào thì cũng cần phải tranh luận một cách văn hóa.
“Dù có bức xúc thế nào nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc cũng không nên sử dụng từ “ngu” khi nói về người khác trong khi tranh luận về một vấn đề văn hóa. Cần có những lập luận để tranh luận bày tỏ ý kiến của mình, đúng hay sai, dư luận xã hội đều có thể nhận định. Nói như vậy, ông đang chứng tỏ cho dư luận thấy rằng, cách ứng xử của ông thiếu văn hóa. Văn hóa ứng xử cần phải tôn trọng lẫn nhau, góp ý xây dựng nếu ý kiến của người đó chưa hợp lý”.
“Nhớ lại thời gian trước, khi ĐB Hoàng Hữu Phước viết bài trên blog “Dương Trung Quốc và tứ đại ngu”, sau đó vị đại biểu này đã công khai xin lỗi. Theo đó, tôi cho rằng, tốt nhất nhà sử học Dương Trung Quốc lên có lời xin lỗi vì đã dùng từ “ngu” để nói người khác trong khi vấn đề đang được bàn luận, xem xét”, TS. Nguyễn Văn Khải đề xuất.
“Qua nhiều vụ việc tranh luận của các chuyên gia, quan chức, doanh nhân đã không ít lần thể hiện sự thiếu tôn trọng với người khác, thiếu tôn trọng với dư luận xã hội, thiếu văn hóa, phản giáo dục. Những người đó không hề có trách nhiệm với phát ngôn của mình. Hiện tượng này khiến vấn đề đang tranh luận bị làm rối tung lên, chuyển sang một hướng khác. Thậm chí, trước nhiều ý kiến sai trái, nhiều người thuộc lớp “lợi ích nhóm” tung chiêu ca ngợi những phát ngôn sai, phản bác lại những lời phê bình của người khác. Văn hóa tranh luận là để làm sao làm rõ đúng sai của vấn đề nên phải tôn trọng những ý kiến khác, dù trái quan điểm với mình"
"Vấn đề ở đây là làm sao để bảo vệ, kế thừa, phát huy di sản, văn hóa lịch sử đi đôi với đảm bảo sự phát triển của hiện tại, mang lại lợi ích cho nhân dân và được nhân dân ủng hộ. Đó mới là những tranh luận cần được giải quyết rõ ràng”, TS. Khải nhận định.
Theo Kiến thức