Xứ Nghệ xưa đến nay là nơi sinh thành của biết bao hiền tài của đất nước, có những người nổi tiếng thành danh đi muôn nẻo khắp chốn, có những người khi thành công lại quay trở về làm giàu cho mảnh đất quê hương.
Ấy vậy nên có một xã nhỏ ở Nghệ An có đến hơn 300 tỷ phú, 200 chiếc xe hơi và hơn 2.000 ngôi nhà tầng nguy nga tráng lệ.
Nghèo trước, sướng sau
Xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) xưa kia vốn là một vùng đất nghèo khó, giáp ranh với một số xã của huyện Diễn Châu. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây lúa. Do đây vùng đất trũng, thường xuyên bị ngập úng nên vụ mùa mất nhiều hơn là được bà con cũng chẳng biết làm gì trước điều kiện khắc nghiệt của thiên tai.
Không chấp nhận sống trong cảnh nghèo khó, nhiều đàn ông trong xã bắt đầu đi làm ăn xa mong tìm được nghề phù hợp để sau này về quê lập nghiệp.
Ban đầu nhiều người theo nghề buôn gỗ, sau thấy nhiều sản phẩm thừa nên mang về đóng tủ đóng bàn. Chẳng mấy chốc mà Đô Thành trở thành xã làm mộc. Do thời kỳ đó nghề mộc ở vùng này còn ít nên hàng sản xuất ra bán rất chạy. Từ đó cuộc sống của người dân đi lên, bớt phần đói khổ.
Tuy nhiên khi thị trường thay đổi thì nghề mộc cũng không còn mang lại nhiều lợi nhuận nữa. Người dân Đô Thành lại tìm đường đổi đời.
Xuất ngoại, "đi Tây" đổi vận
Từ những năm 1990, nhiều người “đánh bạo” xuất ngoại sang “Tây” để kiếm tiền. Họ tìm đến các nước như Đức, Ba Lan, Anh, Australia…
Ban đầu toàn xã cũng chỉ có một vài người đi, sau một vài năm ở nước ngoài thấy làm ăn được, nhiều người đã tìm cách đưa anh em, người thân đi để cùng nhau làm giàu. Cứ thế, số con em của Đô Thành mỗi năm đi nước ngoài càng nhiều. Có những gia đình 4 - 5 người đi Đức, Anh, Hàn Quốc...
Ngoài xuất ngoại sang các nước Châu Âu, Châu Á, hiện nay hơn 500 thanh niên xã Đô Thành còn xuất ngoại sang Lào làm ăn. Anh Nguyễn Hùng - đang buôn bán ở Lào - cho biết: Sang Lào, người dân chúng tôi chủ yếu làm xây dựng, đi bán hàng rong.
Nhiều người đã thành lập công ty rồi đưa các mặt hàng của Việt Nam được người dân Lào ưa thích sang bán như hàng điện tử, đồ nhựa, đồ nhôm, chăn, ga, gối, đệm…
Trả lời báo Lao động, ông Hồ Chí Cường - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đô Thành có 3.000 hộ, 8.000 lao động nhưng có tới 2.000 người đi làm việc, buôn bán ở nước ngoài. Nhờ nguồn lao động này mà xã trở nên trù phú, giàu có, đời sống bà con, cơ sở vật chất hạ tầng được nâng lên rõ rệt”.
Dần dần, cuộc sống của xã Đô Thành chuyển sang một trang mới.
Xã tỷ phú
“Có được bộ mặt nông thôn như ngày nay là nhờ... xuất ngoại. Toàn xã hiện có 2.000 nhà 2 tầng trở lên. Xế hộp hạng sang có trên 100 chiếc. Xe làm ăn hơn 100 chiếc. Tính khiêm tốn, bình quân thu nhập đầu người đạt 23 triệu đồng/năm” - ông Cường nói.
Từ năm 2005, huyện đã đề nghị tỉnh cho mở dịch vụ gửi tiền từ nước ngoài về ngân hàng nông nghiệp cấp huyện. Mỗi năm, các lao động gửi qua dịch vụ ngân hàng này 13 triệu USD, gửi qua các dịch vụ tư nhân 12 triệu USD, tổng ngoại hối hằng năm là 25 triệu USD.
Nhờ dòng tiền từ nước ngoài gửi về mà diện mạo Đô Thành đã thay da đổi thịt một cách ngoạn mục. Hàng ngàn biệt thự sang trọng mọc lên. Có những ngôi biệt thự có giá đầu tư xây dựng lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đồ sộ nhất là ngôi biệt thự 4 tầng trị giá 30 tỷ đồng của ông Hòe ở xóm Phú Vinh. Ông Hòe tâm sự với Zing.vn: “Trước đây gia đình ông rất nghèo, nhưng từ khi nhà nước có chính sách mở cửa, các con của ông được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động. Lúc đầu là người anh đi, khi ổn định thì đưa em sang”.
Lần lượt như thế, hiện tại ông có 4 cậu con trai thì ba cậu đang "sống bên Tây". Ở làng này, gia đình ông Hòe là một trong những tỷ phú của làng khối tài sản không kém cạnh với những đại gia thành phố.
Ngoài gia đình ông Hòe thì còn rất nhiều gia đình khác có 3 đến 4 người con đi xuất khẩu lao động rồi trở về xây nhà tiền tỷ. Dạng biệt thự “khủng” như hộ nhà ông Hòe ở Đô Thành cũng có hơn 500 chiếc. Người dân nơi đây vẫn đùa rằng: “Cứ sau 1 đêm ngủ dậy sẽ có một biệt thự mới mọc lên trên đất Đô Thành”.
Hiện nay, xã Đô Thành có hơn 300 tỷ phú, nhiều người trong số họ sau nhiều năm làm ăn ở nước ngoài đã trở về thành lập công ty ngay trên chính quê hương, tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn người lao động trong và ngoài xã.
Người dân nơi đây cũng rất giàu lòng nhân ái, anh Lê Văn Thịnh đã xây dựng ''Tổ ấm Thiện Tâm'', nuôi dạy hàng trăm trẻ mồ côi lang thang, cơ nhỡ.
Ông Hồ Chí Cường chia sẻ: “Sống trong môi trường đủ đầy về vật chất, nhưng con em Đô Thành vẫn phát huy đức tính tiết kiệm, cần cù, siêng năng và nuôi ý chí thăng tiến của mình. Hằng năm, xã nhà tiễn trên dưới ba chục em rời quê vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Tỉ lệ này ngày càng cao dần so với những năm trước''.
Bá Di (Tổng hợp)