Đang trốn nã bị tuyên bố... đã chết?
Ngày 20/5, theo thông tin từ VKSND Cấp cao tại TP.HCM, cơ quan này vừa ra quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm với hướng hủy quyết định của TAND quận 3 về việc tuyên bố 3 người đã chết. Lý do là 1 trong số 3 người được TAND quận 3 tuyên bố là đã chết vẫn đang bị truy nã.
Theo nội dung vụ việc, ông Trần Đàm và bà Trần Thị Hảo là cha, mẹ của Trần Quang Vũ có đơn yêu cầu tòa án tuyên bố Trần Quang Vũ (SN 1968), Quách Mỹ Lệ (SN 1969, vợ Vũ) và Trần Thị Ngọc My (SN 1996, con gái vợ chồng Vũ) là đã chết vì bỏ đi biệt tích từ năm 1996 (đến thời điểm yêu cầu là 16 năm).
Theo xác minh ngày 25/7/2012 của Công an phường 8, quận 3 thì hộ Trần Quang Vũ, vợ là Quách Mỹ Lệ và 1 con chung Trần Thị Ngọc My, địa chỉ đăng ký thường trú số 431 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3 hiện không cư trú tại địa phương, đã xóa hộ khẩu từ năm 1998. Công văn số 696/TL-CAQ3-QLHC ngày 27/7/2012 của Công an quận 3 đã xác định ngày 26/12/1998, Công an phường 8, quận 3 đã đề xuất xóa hộ khẩu gốc cả hộ, lý do: “Vắng không lý do”.
Căn cứ điểm d, khoản 1 và khoản 2, Điều 81, Điều 82, Bộ luật Dân sự 2005, ngày 3/8/2012, TAND quận 3 ra quyết định tuyên bố Vũ, vợ và con Vũ đều... đã chết. Theo quyết định trên, 3 người này được tuyên là đã chết từ ngày 27/12/2003.
Theo kiến nghị số 860/ANĐT-P6 ngày 10/10/2016 và một số tài liệu kèm theo của cơ quan công an thể hiện: Trần Quang Vũ là đối tượng bị truy nã trong vụ án Trần Đàm và đồng bọn buôn lậu hàng hóa qua biên giới xảy ra ở công ty TNHH TM Trường Sanh và một số công ty khác ở TP.HCM và các tỉnh đã bị khởi tố theo quyết định vụ án hình sự số 112/CQANĐT ngày 20/7/1997 của cơ quan An ninh điều tra bộ Nội vụ (nay là bộ Công an).
Trần Quang Vũ cùng đồng bọn thực hiện hành vi buôn lậu, đưa hối lộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng rồi bỏ trốn, nên ngày 10/10/1997, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã ra quyết định truy nã, cục Cảnh sát Hình sự ra lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc và Văn phòng Interpol Việt Nam làm thủ tục truy nã quốc tế đối với đối tượng Vũ.
Theo bộ Công an, đối tượng Trần Quang Vũ vẫn đang bị truy nã nên không thể được xem là biệt tích. Do đó việc TAND quận 3, TP.HCM áp dụng điểm d, khoản 1, khoản 2, Điều 81, Điều 82, Bộ luật Dân sự để ra quyết định tuyên bố đối tượng truy nã Trần Quang Vũ, cùng vợ, con “đã chết” là không đúng quy định pháp luật.
Đề nghị hủy quyết định trái luật
Sau khi TAND quận 3 ra quyết định tuyên bố Trần Quang Vũ đã chết, Đại tá Đỗ Thái Sơn, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra bộ Công an đã có văn bản gửi tới VKSND Cấp cao tại TP.HCM. Trong văn bản nêu rõ Trần Quang Vũ đang bị truy nã nên không thể xem là biệt tích.
Ngay sau khi nhận được hồ sơ do bộ Công an cung cấp, VKSND Cấp cao tại TP.HCM xác định đây là tình tiết mới và xác định Vũ vẫn đang là đối tượng bị truy nã, không thể được xem là biệt tích. Do đó, việc TAND quận 3 ra quyết định tuyên bố Vũ cùng vợ và con đã chết là không đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy Quyết định số 11 của TAND quận 3.
Trao đổi với PV, ông Phù Quốc Tuấn – Thẩm phán TAND quận 3 (người ký quyết định tuyên bố đã chết với Vũ, vợ, con) cho biết, khi nhận được đơn yêu cầu của ông Trần Đàm và bà Trần Thị Hảo về việc yêu cầu tuyên bố đã chết đối với Vũ và vợ con Vũ, TAND quận 3 đã tiến hành xác minh tại địa phương nơi gia đình Vũ cư ngụ cuối cùng. Căn cứ vào các văn bản, giấy tờ mà TAND quận 3 có được, tòa đã ra quyết định tuyên bố Vũ, vợ và con gái đã chết. Trong quá trình xác minh vụ việc, phía tòa án không được chính quyền địa phương cung cấp quyết định truy nã đối với Vũ nên mới có sai sót này.
Nói về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, nếu trong quá trình truy nã, có căn cứ xác định người bị truy nã đã chết thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định đình nã. Đối với công tác truy nã tội phạm, một quyết định đình chỉ truy nã đối với người bị truy nã đã chết rất quan trọng. Phải tìm thấy thi thể người bị truy nã, phải có bằng chứng pháp lý về việc người đó đã chết thì mới được ra quyết định đình nã. Quyết định vụ việc dân sự tuyên bố một người đã chết lại hoàn toàn căn cứ vào việc người đó có xuất hiện ở địa phương đó hay không, đăng báo bao nhiêu ngày mà không trở về, không phản hồi... thì được tuyên là đã chết.
Cũng theo luật sư Hưng, theo quy định của pháp luật, người bị truy nã nếu bị bắt thì phải chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật mình đã thực hiện, trong đó, có phần trách nhiệm dân sự. Khi tuyên bố người đang bị truy nã đã chết tức toàn bộ tài sản liên quan đến người đó có thể bị tẩu tán, như vậy không thể đảm bảo cho trách nhiệm của họ đối với hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra. Việc bộ Công an có văn bản yêu cầu và VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị tái thẩm theo thủ tục tái thẩm khi quyết định truy nã Vũ còn có hiệu lực là cần thiết và đúng quy định pháp luật.
Ông Vũ Phi Long, Nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM nêu quan điểm, khi giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến việc tuyên bố “một người là đã chết”, phía TAND quận 3 phải xác minh nhân thân của người được yêu cầu tuyên bố là đã chết tại địa phương, nơi người đó cư trú trước khi mất tích. Ở đây, chính quyền địa phương không thể nói là không biết lệnh truy nã được bởi khi Vũ bị khởi tố, bị truy nã, chắc chắn lệnh truy nã sẽ gửi về công an phường. Công an phường phải nắm rõ và phải cung cấp đầy đủ cho TAND quận 3 khi được yêu cầu.
Nếu TAND quận 3 không biết lệnh truy nã thì họ giải quyết theo thủ tục bình thường, còn nếu biết có lệnh truy nã thì ra quyết định như vậy là sai. Do vậy cần phải xem trong hồ sơ vụ án có thể hiện việc tòa biết hay không biết đối tượng bị truy nã và ý thức chủ quan của người giải quyết vụ việc xem họ có biết được lệnh truy nã hay không.
Nếu hồ sơ không thể hiện việc tòa biết người được tuyên bố là đã chết đang bị truy nã thì lỗi thuộc về công an địa phương và ở đây là Công an phường 8 quận 3 chứ không phải là tòa án.
Công Thư