Đảng của ông Pita rời liên minh, Thái Lan nguy cơ đối mặt “năm mất mát”

Đảng của ông Pita rời liên minh, Thái Lan nguy cơ đối mặt “năm mất mát”

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 4, 02/08/2023 15:47

Hai nỗ lực bất thành liên tiếp đã khiến đảng của ông Pita phải trao quyền dẫn dắt liên minh cho Đảng Pheu Thai để cố gắng thành lập chính phủ tiếp theo cho Thái Lan.

Đảng Move Forward (Tiến lên) do ông Pita Limjaroenrat dẫn dắt – từng giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử hồi giữa tháng 5 ở Thái Lan – hiện không còn là một phần của liên minh 8 đảng đang tìm cách thành lập chính phủ tiếp theo, Reuters đưa tin hôm 2/8, dẫn lời lãnh đạo của một đảng trong liên minh.

Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đã rơi vào tình trạng bế tắc về chính trị kể từ cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 5, trong đó Đảng Move Forward theo đường lối cải cách nổi lên là đảng lớn nhất, theo sát là Đảng Pheu Thai (Vì người Thái) theo chủ nghĩa dân túy.

Nỗ lực bất thành

“Đảng Pheu Thai đã gọi để nói với chúng tôi rằng liên minh 8 bên đã không còn Đảng Move Forward”, ông Chaowarit Khajohnpongkirat, lãnh đạo Đảng Palang Sakom Mai, nói với Reuters.

Người phát ngôn của Đảng Move Forward cho biết, đảng này sẽ bình luận sau cuộc họp vào ngày 2/8 của các nhà lập pháp của họ.

Đảng Move Forward đã đi đầu trong việc thành lập liên minh sau cuộc bầu cử ngày 14/5 và 2 lần cố gắng để lãnh đạo của liên minh này, ông Pita Limjaroenrat, được quốc hội bầu chọn làm Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.

Thế giới - Đảng của ông Pita rời liên minh, Thái Lan nguy cơ đối mặt “năm mất mát”

Lãnh đạo Đảng Move Forward Party Pita Limjaroenrat giơ thẻ nghị sĩ trong một cuộc họp Quốc hội ở Bangkok, ngày 19/7/2013. Cùng ngày, ông Pita bị Tòa Hiến pháp Thái Lan đình chỉ tư cách nghị sĩ. Ảnh: Khaosod English

Nhưng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên bầu Thủ tướng tại kỳ họp của lưỡng viện quốc hội vào ngày 13/7, ông Pita đã không giành được đủ sự ủng hộ từ các Thượng nghị sĩ để đắc cử. Nhiều Thượng nghị sĩ – do quân đội lựa chọn cẩn thận – đã từ chối bỏ phiếu cho ông Pita với lý do Move Forward muốn sửa đổi Điều 112 của Bộ luật Hình sự (còn được biết đến nhiều hơn là Luật khi quân), mặc dù ông Pita cho rằng đây chỉ là cái cớ để họ không bỏ phiếu cho ông.

Ông Pita đã bị ngăn không được đề cử lại trong vòng bỏ phiếu thứ hai bầu Thủ tướng, khiến cuộc họp của Quốc hội Thái Lan hôm 19/7 kết thúc mà không có bất kỳ cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng nào diễn ra. Hai nỗ lực bất thành liên tiếp đã khiến Move Forward phải trao quyền dẫn dắt liên minh cho đối tác lớn nhất của mình là Đảng Pheu Thai, để cố gắng thành lập chính phủ tiếp theo.

1 "năm mất mát"

Thái Lan có thể đối mặt với một “năm mất mát” nếu quốc gia Đông Nam Á trì hoãn quá trình thành lập chính phủ mới qua tháng 10, kéo theo quá trình lập ngân sách bị trì hoãn đến quý II năm sau, theo PGS TS Thanavath Phonvichai, Hiệu trưởng Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC).

“Năm mất mát” là một thuật ngữ được đặt ra để chỉ một giai đoạn dài tăng trưởng kinh tế chậm chạp và đầu tư giảm sút.

PGS TS Thanawat cho biết, thời gian dành cho việc thành lập một chính phủ mới đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Thái Lan, đặc biệt là trong năm tới. Nếu chính phủ mới được thành lập vào tháng 8, đất nước sẽ có Nội các mới và tuyên bố chính sách của chính phủ vào tháng 9.

Nếu quá trình thành lập chính phủ bị trì hoãn qua tháng 10, quá trình lập ngân sách có thể bị hoãn tới quý II năm sau – điều sẽ cản trở mở rộng của nền kinh tế.

Thế giới - Đảng của ông Pita rời liên minh, Thái Lan nguy cơ đối mặt “năm mất mát” (Hình 2).

Quốc hội Thái Lan dự kiến sẽ nhóm họp lại vào ngày 3/8/2023 để quyết định bước tiếp theo trong việc thành lập chính phủ mới, và có thể tổ chức bầu chọn Thủ tướng mới vào ngày 4/8/2023. Ảnh: NY Times

Ông giải thích rằng, căn cứ theo chính sách lập ngân sách của mỗi đảng, thì quá trình lập ngân sách của Đảng Pheu Thai có thể được hoàn thành sớm hơn so với của Đảng Move Forward – chính đảng vốn có chính sách lập ngân sách từ con số 0, đòi hỏi mọi chi phí phải được chứng minh và phê duyệt trong mỗi kỳ ngân sách mới.

Chờ thêm vài tháng nữa để thành lập chính phủ mới sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Thái Lan, PGS TS Thanawat cho biết. Niềm tin của người dân vào tình trạng của nền kinh tế sẽ bị xói mòn. Khi các nhà đầu tư không biết chính sách của đất nước sẽ như thế nào trong thời gian dài đó, mọi thứ sẽ tạm dừng và nền kinh tế sẽ ngày càng chậm lại.

Một thách thức khác mà Thái Lan đang phải đối mặt là hạn hán, gây ra bởi hiện tượng thời tiết El Nino. Nếu nước này không chuẩn bị đầy đủ và không chủ động, ngành nông nghiệp của chính họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nông dân sẽ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và lĩnh vực xuất khẩu sẽ không thể phục hồi do thiếu sự hỗ trợ của chính phủ.

Tiến sĩ Thanawat cũng cho biết UTCC dự kiến nền kinh tế Thái Lan năm nay sẽ tăng trưởng 3,1-3,5%. Động lực chính là du lịch, với việc Thái Lan dự kiến sẽ đón ít nhất 25 triệu du khách vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nếu xảy ra nhiều cuộc biểu tình hơn, con số đó có thể giảm xuống, từ đó xóa đi 1% GDP.

Minh Đức (Theo Reuters, Thai PBS World, The Nation Thailand)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.